Khơi thông điểm nghẽn

- Thứ Ba, 10/09/2019, 08:03 - Chia sẻ
Thời gian qua, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã gặt hái được nhiều thành công, trong đó nổi bật là quy mô đào tạo nguồn nhân lực thông qua GDNN tăng, cơ cấu đào tạo tương đối hợp lý, chất lượng đào tạo được cải thiện. Tuy nhiên, với những yêu cầu mới, đặc biệt trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0, GDNN phải thay đổi để thích ứng, trong đó cần khơi thông các điểm nghẽn dưới dây.

Thứ nhất, đào tạo nguồn nhân lực nói chung và đào tạo nguồn nhân lực thông qua GDNN nói riêng chưa thực sự tương thích giữa cung và cầu, giữa đào tạo và sử dụng. Nguyên nhân có nhiều, nhưng mấu chốt là dự báo cung - cầu đào tạo và sử dụng, kể cả 2 cấp độ vĩ mô và vi mô, còn hạn chế.

Thứ hai, nếu muốn đổi mới chất lượng GDNN, không có cách nào khác phải gắn kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo và sử dụng. Để làm được như vậy, phải giải quyết cơ chế chính sách đồng bộ ở cả 3 cấp độ: Xác định rõ vai trò, vị trí của doanh nghiệp khi tham gia GDNN; xác định rõ nhiệm vụ, cấu phần của doanh nghiệp khi tham gia GDNN; và xác lập một cách bình đẳng về lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia GDNN. Nếu không có cơ chế, chính sách một cách rõ ràng thì sự vào cuộc của doanh nghiệp chỉ theo cách quan hệ giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp, chưa phải cách doanh nghiệp thấy cần và rất cần tham gia vào GDNN.

Thứ ba, trên thực tế, việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDNN, nhất là cơ sở GDNN công lập còn rất hạn chế. Rõ ràng phải giao quyền nhiều hơn cho các cơ sở GDNN để đào tạo nhân lực thích ứng với nhu cầu sử dụng ở nhiều cấp độ khác nhau, bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ cũng như các yêu cầu khác mà doanh nghiệp và cơ sở GDNN cần đáp ứng, ví dụ như chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học trong cải tiến sản phẩm, mẫu mã...


Giáo dục nghề nghiệp phải thay đổi để thích ứng với những yêu cầu mới, nhất là cuộc Cách mạng 4.0
Ảnh: Đức Kiên

Thứ tư, trong nhiều năm vừa qua, chúng ta vẫn nặng về hình thành cơ sở GDNN, nhưng lại chưa có đề án tổng thể quy hoạch mạng lưới. Mạng lưới cơ sở GDNN trong thời kỳ này phải đáp ứng 2 yêu cầu: Phân bổ cơ sở GDNN trên toàn quốc và trong các ngành một cách hợp lý, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; đặc biệt phải có hướng nâng cao năng lực của các cơ sở GDNN để đào tạo ra nguồn nhân lực thích ứng với nhu cầu của doanh nghiệp trong thời kỳ Cách mạng 4.0, đổi mới công nghệ sản xuất một cách liên tục, mạnh mẽ.

Có thể nói, cơ sở GDNN hiện nay của chúng ta đông, nhiều nhưng không mạnh. Đặc biệt là những cơ sở “đầu đàn” đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập, có nghĩa vừa tham gia vào thị trường lao động quốc tế, vừa có thể tham gia vào nguồn nhân lực cho các nhà máy, xí nghiệp có vốn đầu tư 100% của nước ngoài, có vốn liên kết của nước ngoài đến từ các nước có nền kinh tế phát triển với công nghệ sản xuất hiện đại, phải có yếu tố đột phá nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho khu vực này.

Thứ năm, chúng ta có nhiều chủ trương, giải pháp để phân luồng học sinh sinh viên vào GDNN nhưng tôi cảm giác chưa có giải pháp thực sự đột phá. Công tác tuyển sinh trong GDNN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt đối với những ngành, nghề học nặng nhọc độc hại, ngành nghề đòi hỏi trình độ năng khiếu; nhiều cơ sở GDNN tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Phải có giải pháp kỹ thuật để điều tiết, tạo ra các kênh để tạo sự cân đối trong đào tạo và sử dụng, tránh hiện tượng phân luồng như phân loại học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, không can thiệp vào nguyện vọng, ý muốn của người học, bởi người học có quyền tối cao trong lựa chọn trình độ này, ngành khác, tùy thuộc vào điều kiện, khả năng, trình độ, điều kiện kinh tế của mình.

Thứ sáu, tạo ra sự liên thông trôi chảy hơn. Trong hệ thống giáo dục quốc dân cần có những giải pháp tạo cho người học, dù học nghề hay học đại học, cũng có thể học tập suốt đời. Chúng ta đã có Khung trình độ quốc gia, về lý thuyết là đã có sự liên thông, nhưng thực tiễn, giải pháp liên thông chưa trôi chảy, cả GDNN và GDĐH chưa nhất quán về cách thiết kế chương trình đào tạo. Nếu thiết kế khâu kỹ thuật tương thích, thì liên thông ngành với ngành, trình độ lên trình độ sẽ rất thuận lợi cho người học.

Để tiếp tục đổi mới, phát triển GDNN theo hướng mở, linh hoạt; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế; nên tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo và hiệu quả của GDNN; phát triển hệ thống GDNN với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế mạnh mẽ.

PGS. TS. Cao Văn Sâm
Ng.Hà - Th.Nguyên ghi