Bầu cử ở Thái Lan

Khôi phục chính quyền dân sự?

- Thứ Năm, 31/01/2019, 08:50 - Chia sẻ
Trước câu hỏi của phóng viên rằng có từ chức để chạy đua bầu cử hay không, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã khẳng định sẽ vẫn tiếp tục nắm quyền cho tới khi Chính phủ mới tuyên thệ nhậm chức. Trước đó, Chính phủ đương nhiệm ấn định thời điểm tổ chức cuộc tổng tuyển cử, vốn đã bị trì hoãn quá lâu, vào ngày 24.3 tới nhằm khôi phục chính quyền dân sự.

Cam kết “không xảy ra lộn xộn”

Đất nước Chùa vàng nằm dưới sự điều hành của chính quyền quân sự từ tháng 5.2014 khi một nhóm sĩ quan quân đội do cựu Tướng Tư lệnh lục quân Thái Lan Prayut Chan-o-cha lãnh đạo đã lật đổ Chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra để khôi phục trật tự sau 6 tháng biểu tình diễn ra liên tục khiến đất nước tê liệt. Làn sóng phản đối bà Yingluck Shinawatra lúc đó là biểu hiện của những chia rẽ sâu sắc nổi lên trong nền chính trị Thái Lan kể từ khi anh trai bà, tỷ phú Thaksin Shinawatra, được bầu làm Thủ tướng năm 2001. Là người theo chủ nghĩa dân túy, ông Thaksin đã thu hút được sự ủng hộ của một lượng lớn dân cư nông thôn, những người tin rằng mình bị bỏ qua khi kinh tế đất nước trong giai đoạn hưng thịnh những năm 1980 - 1990. Tuy nhiên, đến năm 2007, nhà lãnh đạo trên đã bị buộc thôi chức sau cuộc đảo chính và sống lưu vong kể từ đó. Dẫu vậy, ông vẫn giữ được ảnh hưởng chính trị đáng kể. Nhờ đó, em gái đã ông thắng lớn trong cuộc bầu cử năm 2011 để trở thành Thủ tướng.

Có thể nói, triều đại Thaksin đã được đánh dấu bằng chu kỳ đáng lo ngại: Một cuộc bầu cử với sự lên ngôi của lực lượng dân túy, một cuộc nổi dậy của giới tinh hoa đô thị, một cuộc đảo chính và rồi lại một cuộc bầu cử khác mà những người theo chủ nghĩa dân túy giành chiến thắng. Tướng Prayut, người được bổ nhiệm làm Thủ tướng sau cuộc đảo chính gần nhất đã cam kết đưa Thái Lan trở lại nền dân chủ. Tuy nhiên, do lo sợ chu kỳ trên có thể trở lại, ông đã liên tục trì hoãn tổng tuyển cử. Hiện ông dường như đặt cược vào khả năng điều hành của quân đội trong cuộc khủng hoảng, ổn định đất nước, khôi phục tăng trưởng và thông qua Hiến pháp mới, sẽ cho phép đảng của ông giữ quyền lực. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, đây vẫn là một canh bạc khi lực lượng thân cựu Thủ tướng Thaksin vẫn rất đáng gờm.

Nhận thức được điều trên, Chính phủ đã cáo buộc Yingluck Shinawatra tội sơ suất trong chính sách trợ giá gạo gây thất thoát hàng tỷ USD cho đất nước trong thời gian đương chức khiến bà phải chạy khỏi đất nước tháng 8.2017 để tránh phiên tòa luận tội. Trong khi đó, ông Thaksin thua các vụ kiện buộc tội lạm dụng quyền lực và cũng phải chạy trốn khỏi Thái Lan từ năm 2008. Gần đây, chính quyền quân sự mở lại vụ kiện gian lận thuế chống lại cựu lãnh đạo này nhằm tỏ rõ quan điểm rằng ông không được “chào đón” ở quê hương.

Với thời điểm bầu cử đã được ấn định, chiến dịch tranh cử đang bắt đầu. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cảnh báo “không nên để tình trạng lộn xộn xảy ra lần nữa” bởi đây là mối đe dọa tiềm ẩn kết thúc mở, có thể khiến quân đội phải can thiệp nếu chu kỳ chính trị trước đó lặp lại.

Phép thử với Thủ tướng

Đầu năm 2018, ông Prayuth đã phải đối mặt với khá nhiều cuộc biểu tình. Người biểu tình bất chấp lệnh cấm hoạt động chính trị để phản đối cả hai chính sách cụ thể, như nhà máy nhiệt điện than ở Songkhla và kế hoạch nhà ở tại Chiang Mai, và yêu cầu tổ chức bầu cử như đã hứa. Các sự kiện này cho thấy vấn đề nan giải mà ông Prayuth phải đối mặt. Bởi nỗ lực trấn áp sẽ làm tổn hại uy tín của Thủ tướng, trong khi nhượng bộ lại khuyến khích nhiều biểu tình hơn.

Thực tế, ông Prayuth đã chọn cách tiếp cận hỗn hợp. Đối với những người biểu tình thiên về chính sách, tức là phản đối nhà máy than và chương trình nhà ở, ông nhân nhượng. Ngược lại, ông chọn giải pháp trấn áp để đối phó với những người biểu tình thân dân chủ. Tuy nhiên, những nỗ lực này tỏ ra có nhiều vấn đề hơn dự kiến. Do đó, ông Prayuth đã tìm cách thu hút sự ủng hộ bằng hai cách. Trước hết, ông khởi xướng quá trình đăng ký đảng chính trị vào đầu tháng 3. Sự xuất hiện của một loạt đảng mới, cả ủng hộ Chính phủ lẫn phe đối lập, cho thấy sự tiến bộ đối với các cuộc bầu cử dân chủ, ngay cả lúc lệnh cấm hoạt động chính trị vẫn tồn tại. Thứ hai, các nhà lãnh đạo Chính phủ đã đi khắp đất nước, tổ chức các cuộc họp và hứa hẹn tài trợ cho nhiều dự án khác nhau. Ông cố gắng thay đổi hình ảnh từ một nhà lãnh đạo cứng rắn trong bộ đồ kaki quân sự thành nhà lãnh đạo dân sự gần gũi.

Bên cạnh các chiến dịch trên, ông Prayuth còn đạt được thành công đáng kể trong việc “tuyển mộ” các nhà lãnh đạo hùng mạnh từ các đảng để tham gia đảng thân chính phủ. Hiện khá nhiều chính trị gia chuyển lòng trung thành sang đảng Phalang Pracharat. Chưa hết, tháng 11 năm ngoái, Chính phủ đã công bố một gói lợi ích lớn cho người nghèo (bao gồm 500 baht tiền mặt, thẻ SIM điện thoại di động có internet miễn phí và lên tới 330 baht thanh toán hóa đơn tiện ích mỗi tháng cho đến tháng 9.2019). Lợi ích bổ sung được cung cấp cho người già, cho công chức đã nghỉ hưu và người mua nhà thu nhập thấp…

Có thể nói, cuộc bầu cử sắp tới là sự cạnh tranh của 3 nhóm. Đầu tiên là các đảng thân Chính phủ do ông Phalang Pracharat lãnh đạo. Thứ hai là Pheu Thai có liên kết với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và đảng liên kết Raksa Chat. Thứ ba là Đảng Dân chủ được nhóm cử tri thành thị ủng hộ với sự lãnh đạo của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.

Dù Chính phủ tiếp theo sẽ về tay ai, thì nhân vật đó cũng sẽ phải đối mặt với bài toán khó mang tên Khung chiến lược quốc gia 20 năm, được Thủ tướng Prayut đặt ra năm 2016. Tầm nhìn này bao gồm kế hoạch đầy tham vọng đưa Thái Lan bước chân vào nhóm các nước thu nhập cao trong năm 2036, đòi hỏi mục tiêu tăng trưởng kinh tế trung bình mỗi năm phải đạt từ 5 - 6%.

Ngọc Minh