Bạn đọc viết

Khó xác định mức cấp dưỡng nuôi con

- Thứ Hai, 12/08/2019, 08:01 - Chia sẻ
Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định, cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con. Luật này cũng quy định mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận, căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết.

Sau 3 năm thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình cho thấy, quy định về cấp dưỡng còn chung chung, chưa cụ thể, nên khó khăn cho tòa án trong xác định mức cấp dưỡng khi các bên không thỏa thuận được mức cấp dưỡng. Trong thực tiễn giải quyết các trường hợp cấp dưỡng khi ly hôn, hầu hết các trường hợp, vấn đề cấp dưỡng chưa bảo đảm quyền lợi của con sau khi ly hôn. Có nhiều trường hợp Tòa án công nhận thỏa thuận của vợ chồng về việc một bên trực tiếp nuôi con và bên không trực tiếp nuôi con không phải cấp dưỡng cho con. Thực chất đây là sự thỏa thuận tuy không trái pháp luật, nhưng không bảo đảm quyền lợi của con, tòa án vẫn phải chấp nhận vì là tự nguyện của các bên đương sự. Thực tế, xuất phát từ nguyện vọng được nuôi con nên một bên thỏa thuận với bên kia chấp nhận cho họ nuôi con thì sẽ không yêu cầu cấp dưỡng cho con. 

Về mức cấp dưỡng, Luật Hôn nhân và Gia đình mới chỉ quy định nguyên tắc chung “do hai bên đương sự thỏa thuận”. Nếu không thỏa thuận được thì tòa án căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng để quyết định mức cấp dưỡng nhất định. Quy định như vậy đã đẩy khó khăn về cho tòa án khi phải quyết định mức cấp dưỡng như thế nào để bảo vệ quyền lợi cho con.

 Ngoài thiếu những quy định định tính, Luật Hôn nhân và Gia đình cũng thiếu những quy định chế tài, có tính chất ràng buộc để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; thậm chí thiếu những quy định liên quan đến thời điểm phát sinh nghĩa vụ. Cụ thể, Điều 107 đến Điều 120 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định việc cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình, tuy nhiên, nhiều trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng cố tình không thực hiện nghĩa vụ hoặc tìm cách tẩu tán tài sản để trốn tránh trách nhiệm, không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thì pháp luật vẫn chưa có biện pháp cưỡng chế hiệu quả. Hoặc, vì không quy định thời điểm phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con và nghĩa vụ chậm thi hành đối với số tiền cấp dưỡng nuôi con, nên có nhiều cách hiểu và áp dụng luật khác nhau. Đối với vụ án hôn nhân và gia đình khi vợ chồng đã sống ly thân, vợ hoặc chồng không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung (chưa có Bản án hoặc quyết định của Tòa án) thì tòa án cũng không xác định điểm phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của con cái.  

Nguyễn Minh