Ngành khoa học cơ bản

Khó tuyển sinh, khó học

- Thứ Bảy, 23/05/2015, 08:28 - Chia sẻ
Đó chính là nỗi băn khoăn của nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng như không ít sinh viên phải cân nhắc lựa chọn khi thi vào những ngành khoa học cơ bản. Mặc dù được Nhà nước và các trường dành cho sự hỗ trợ, ưu đãi, các ngành khoa học cơ bản vẫn gặp nhiều thách thức trong việc nâng cao sức hấp dẫn cũng như chất lượng đào tạo.

Khó tuyển sinh

Dù không phục vụ thực tiễn ngay nhưng muốn đất nước phát triển thì không thể thiếu ngành khoa học cơ bản. Quan trọng là vậy nhưng trong nhiều năm trở lại đây, hầu hết các thí sinh chưa mặn mà với các ngành khoa học cơ bản. Căn cứ vào chỉ tiêu mà Bộ GD - ĐT giao cho các trường đào tạo, có thể thấy trên thực tế xã hội có nhu cầu nhân lực trình độ cao cho những ngành cơ bản là khá lớn nhưng người học lại không quan tâm, vì vậy nhiều năm nay hầu như những ngành này không tuyển đủ chỉ tiêu. Nhiều học sinh giỏi đã nói không với nhóm ngành mà lẽ ra cần nhiều người giỏi nhất. Từ thực tế tuyển sinh những năm gần đây và theo cách nghĩ của nhiều phụ huynh và học sinh hiện tại, các ngành này đang gặp phải sự thờ ơ đáng tiếc.


Nguồn: tuyencongchuc.vn

Sự phát triển mất cân đối này có khuynh hướng thấp hóa. Nghĩa là dần dần ngay trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh cũng tập trung đăng ký dự thi vào các ngành kinh tế hay công nghệ thời thượng, ít quan tâm đến ngành cơ bản. Chính vì thế, nhiều nhà khoa học lo ngại rằng, nếu chúng ta không kịp thời có chính sách đối với các ngành khoa học cơ bản thì lâu dài sẽ thiếu hụt các nhà khoa học xuất sắc. Mặt khác, nếu đóng các ngành khoa học cơ bản thì chúng ta vĩnh viễn chỉ là người ứng dụng phát kiến của người khác chứ ta không phát triển được. Đó là chưa kể trong xu hướng phát triển các ngành công nghiệp đến năm 2020, nhóm ngành khoa học - công nghệ cơ bản sẽ cần số lượng lớn nhân lực bậc cao mà với tình trạng khó học, khó tuyển như hiện nay sẽ không thể đáp ứng yêu cầu.

Hiện nay, trường đi đầu trong việc thu hút sinh viên vào học các ngành khoa học cơ bản là ĐH Quốc gia Hà Nội. Mặc dù đã có 14 ngành học được áp dụng thí điểm cơ chế tài chính nâng cao chất lượng đào tạo, cụ thể học kỳ 1 của năm thứ nhất, sinh viên được miễn học phí. Từ năm thứ hai, mức hỗ trợ này tùy thuộc vào năng lực học tập của sinh viên, nhưng những ngành học này vẫn không thu hút được thí sinh. Có những ngành đặc biệt khó tuyển sinh như khoa học trái đất, địa kỹ thuật, địa môi trường… số thí sinh đăng ký thường chỉ 20 - 30 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu ở vào khoảng 40 - 50 người. Một số ngành như: Triết học, Lịch sử, Văn học, Hán Nôm, Nhân học, Việt Nam học… cũng gặp phải trình trạng tương tự.

Nằm trong khó khăn chung, ĐH Khoa học Huế, năm 2014 nhiều ngành của trường cũng chỉ tuyển được vài ba thí sinh ở nguyện vọng 1. Các ngành trong nhóm ngành toán và thống kê của trường tuyển 120 chỉ tiêu nhưng chỉ có 4 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 ngành toán ứng dụng và chỉ có 2 thí sinh đến nhập học;  ngành toán học đỡ hơn nhưng chỉ có 14 thí sinh trúng tuyển và chỉ có 6 thí sinh đến nhập học. Phải đến khi tuyển nguyện vọng 2, hai ngành này mới có thêm 99 thí sinh, đạt gần 90% chỉ tiêu đề ra.

Khó học, khó xin việc

Nhiều người cho rằng, điểm thi đầu vào không phải là tất cả đối với đào tạo đại học. Thế nhưng thực tế đầu vào quá thấp đang tiếp tục đẩy các ngành học này vào thế khó. Nhiều ngành khoa học được xác định là nền tảng của sự phát triển như: toán, vật lý, hóa, sinh, hay khoa học vật liệu, địa lý... đang chịu chung một thực tế không mấy sáng sủa khi điểm thi đầu vào chỉ bằng điểm sàn hoặc nhỉnh hơn 1 - 2 điểm. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc đào tạo và nâng cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp, bởi những ngành học đòi hỏi phải có một sự ham thích và khả năng về trí tuệ nhất định.

Bên cạnh đó, điều này cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý của những sinh viên có lực học trung bình. Họ luôn cảm giác mình như người lạc đường; trầy trật thi đi thi lại rồi cũng dẫn đến bỏ học hoặc chuyển sang làm những công việc khác không liên quan. Mặt khác, sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cũng là lý do khiến sinh viên không hào hứng. Bản thân các trường ĐH cũng chủ động mời doanh nghiệp, đơn vị sinh viên có thể thực tập để tham gia giảng dạy tại cơ sở, nhưng vì nhiều lý do nên rất khó khăn để tiếp cận. Thậm chí, khi đi thực tập, sinh viên được bố trí những việc không đúng với chuyên ngành.

Học đã khó, ra trường xin việc còn khó hơn. Trong đó, không thể xin việc hoặc có việc làm nhưng thu nhập không đủ sống là một trong những lý do khiến thí sinh ngày càng ái ngại đăng ký vào những ngành khoa học cơ bản. Nhiều sinh viên sau khi ra trường khá chật vật để có chỗ đứng ổn định sau nhiều năm ra trường, mức thu nhập không linh hoạt. Những ngành này thường chỉ giới hạn trong các đơn vị hành chính sự nghiệp, không nhiều cơ hội việc làm như những ngành khác. Đơn cử như ngành sử, địa, văn trước đây tốt nghiệp có thể đi dạy nếu có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, bây giờ Bộ GD - ĐT không cho phép nữa, nên nhiều sinh viên ra trường phải tìm những công việc khác. Trong khi đó, những ngành học có tính ứng dụng cao ra trường thường có việc làm ngay, mức lương tốt và có thể làm việc ở các nơi khác nhau.

Không chỉ khó với sinh viên, các ngành khoa học cơ bản còn mang nhiều thách thức với các nhà đào tạo bởi tính chất khó khăn của các nghiên cứu khoa học cơ bản, trình độ của đội ngũ giảng viên. Vì vậy, có ý kiến cho rằng trong đào tạo, các trường cần có cơ chế, công cụ để đánh giá năng lực, thiên hướng của người học để có thể phân nhóm người học, xác định họ có tố chất đi vào nghiên cứu chuyên sâu hay không, qua đó xác định hướng đầu tư hiệu quả ngay từ bậc ĐH. Đầu tư kinh phí cho cán bộ cũng cần mức cao gấp 3 lần theo quy định hiện hành của Nhà nước để khuyến khích việc biên soạn giáo trình có chất lượng cao.

Muốn làm được điều này, chỉ nỗ lực từ các trường ĐH vẫn chưa đủ mà cần có chính sách đồng bộ từ cấp Chính phủ đến các doanh nghiệp, cơ quan sử dụng nguồn lực đào tạo từ nhóm ngành khó tuyển này. Cần có những chính sách ưu tiên như hỗ trợ học bổng, chi phí đào tạo, đặt hàng đào tạo theo địa chỉ, đặt hàng đề tài nghiên cứu. Quan trọng hơn, dù khó khăn, dù phải bù lỗ khi đào tạo, chúng ta vẫn phải duy trì những ngành khoa học cơ bản này. Bởi muốn khoa học ứng dụng phát triển thì khoa học cơ bản phải phát triển.

Đăng Long