Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Khó thu hút nhà đầu tư nước ngoài khi cổ phần hóa?

- Thứ Sáu, 29/11/2019, 08:19 - Chia sẻ
Nếu giữ quy định doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bao gồm cả doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại tham gia khi cổ phần hóa. Đây là nhận định được đại biểu nêu ra tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng qua.

“Chưa đáp ứng kỳ vọng”

“Trước đây, chúng ta sửa luật khi có bất cập, tuy nhiên việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này là do chúng ta chủ động sửa để hội nhập” - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ biên tập Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) Phan Đức Hiếu nói.

Mặc dù vậy, ông Phan Đức Hiếu thừa nhận vẫn còn những điểm gây băn khoăn trong dư luận cũng như các ĐBQH trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua. Chẳng hạn, liên quan quản lý con dấu của doanh nghiệp, “có một sự hiểu lầm khá phổ biến là dự thảo Luật bỏ con dấu của doanh nghiệp” nhưng thực tế chỉ bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh, vì thực tế thủ tục này không cần thiết. Điều này đồng nghĩa, dự thảo Luật chỉ nhằm “tiếp tục khẳng định quyền tự quyết của doanh nghiệp trong việc có hoặc không có con dấu, quyết định sử dụng con dấu hay sử dụng phương tiện điện tử khác thay thế (chẳng hạn chữ ký điện tử) phù hợp với tính chất kinh doanh và mong muốn của nhà đầu tư, doanh nghiệp”, ông Phan Đức Hiếu xác nhận.

Đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp đồng tình với quy định này. Tuy vậy, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng Hoàng Anh Tuấn cho rằng, việc bãi bỏ thông báo mẫu dấu vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Minh chứng cho nhận định này, ông Tuấn dẫn quy định liên quan thủ tục thành lập doanh nghiệp. Theo đó, trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp lần đầu phải kèm theo điều lệ công ty. Trong khi đó, bản chất điều lệ là văn bản mang tính chất nội bộ doanh nghiệp, không chứa đựng thông tin về đăng ký kinh doanh vốn được thể hiện trong giấy đăng ký doanh nghiệp. Nếu yêu cầu doanh nghiệp phải nộp kèm điều lệ, đồng nghĩa cán bộ cơ quan đăng ký kinh doanh phải mất nhanh thì 15 - 20 phút, chậm thì nửa tiếng để đọc thẩm định nội dung này. Theo quy định, cơ quan này có 3 ngày làm việc để thẩm định hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, nếu giảm được thủ tục nộp điều lệ thì chắc chắn thời gian làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ giảm xuống, thậm chí còn dưới 2 ngày làm việc, ông Tuấn nêu ý kiến.


Đã đến lúc không thể để "kệ" hộ kinh doanh Ảnh: Vũ Thủy

Làm rõ địa vị của doanh nghiệp cấp 2

Liên quan quy định về DNNN, theo dự thảo Luật, DNNN bao gồm doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên. Lý giải về quy định này, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, sau khi phân tích, đánh giá tác động, so sánh và tham vấn ở 3 phương án trên 65%, trên 50% và trên 35%, Ban soạn thảo quyết định chọn phương án trên 50% bởi đây là tỷ lệ ít tác động nhất tới hệ thống các luật hiện hành. Thêm nữa, theo quy định của luật hiện hành, tỷ lệ sở hữu trên 50% phần góp vốn hoặc cổ phần có quyền biểu quyết sẽ bảo đảm Nhà nước chủ động trong việc han hành đa số quyết định thông thường của doanh nghiệp.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên quy định DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đại diện Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) phân tích, việc quy định DNNN là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (chi phối) thì khi cổ phần hóa, việc kêu gọi nhà đầu tư chiến lược sẽ khó khăn. Bên nước ngoài họ phải biết có quyền gì mới quyết định làm. Bây giờ nếu Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối, nhà đầu tư nước ngoài thấy bỏ tiền ra mà không được kiểm soát thì họ sẽ có tâm lý e ngại, đại diện VNPT nói.

Đồng tình với nhận định trên, đại diện Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho rằng, quy định như dự thảo Luật sẽ tạo rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi không ngoại trừ có những nước không cho phép doanh nghiệp được tham gia vào những doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% cổ phần. Bên cạnh đó, vị đại diện này cho rằng cần làm rõ Nhà nước ở đây là ai? Đồng thời, làm rõ những doanh nghiệp cấp 2 (vốn 100% của các tổng công ty nhà nước) có phải là DNNN không? Đáng ra, những doanh nghiệp này còn xứng đáng là DNNN hơn cả những doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% cổ phần, đại diện SCIC nhìn nhận.

Đã đến lúc không thể “kệ” hộ kinh doanh

Tại hội thảo, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm hơn cả là việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn phân tích, hộ kinh doanh là mô hình đặc thù của Việt Nam nhưng nhìn kỹ chẳng thấy giải pháp gì. Ở các nước có 2 mô hình kinh doanh là công ty và cá nhân. Ở nước ta, có thể do trước đây chúng ta ngại kinh tế tư nhân nên mới “đẻ” ra hộ kinh doanh.

Thực tế, theo đại diện VCCI, lâu nay chúng ta vẫn có tư duy “kệ” khu vực này nên hầu như không có thống kê, đánh giá chính thức khiến bức tranh rất “mù mờ”, chẳng có chương trình hỗ trợ nào. Mặc dù họ vẫn đóng thuế, sử dụng lao động nhưng bị hạn chế quyền rất nhiều. Tỷ lệ các hộ vi phạm pháp luật rất cao, như kinh doanh ngoài địa bàn huyện, sử dụng trên 10 lao động… Do đó, đã đến lúc không thể để “kệ” khu vực chiếm 30% GDP này nữa, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh. Thêm nữa, Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định những gì liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân phải do Quốc hội quy định. Hiện, hộ kinh doanh được điều chỉnh theo Nghị định của Chính phủ, như vậy về mặt luật pháp thì điều này không phù hợp.

Từ những phân tích trên, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng cần thiết đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Điều này không có nghĩa để “ông chủ quán phở trở thành giám đốc doanh nghiệp phở” mà cốt yếu nhằm tạo địa vị pháp lý cho các hộ này cũng như giúp họ có cơ hội tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước, được gỡ bỏ các hạn chế về quyền kinh doanh như hiện nay. Mặc dù khi đưa vào Luật có thể khiến các hộ này bị cơ quan quản lý “chú ý” hơn, thanh tra, kiểm tra nhiều hơn, song sẽ khuyến khích họ thực hiện theo luật, nhất là với những hộ sản xuất thực phẩm phải bảo đảm yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu cho biết, xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ cần được điều chỉnh bởi luật chứ không thể quy định bằng nghị định. Nội dung quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật đã được tham vấn nhiều lần và đánh giá tác động kỹ lưỡng. Việc bổ sung quy định về hộ không phát sinh tác động tiêu cực đến hoạt động của hộ kinh doanh hiện nay và không làm phát sinh thủ tục hành chính. Các hộ kinh doanh đang hoạt động không phải đăng ký lại hoặc không phải đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được cấp, ông Phan Đức Hiếu nói.

Đan Thanh