Kinh tế hợp tác, hợp tác xã

Khó phát triển nếu thiếu tâm huyết, nhiệt tình

- Thứ Hai, 28/10/2019, 08:12 - Chia sẻ
“Có cấp ủy đến kỳ báo cáo mới động đến chữ hợp tác xã (HTX) chứ thường thì không biết mấy nên việc trăn trở, giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX nhìn chung còn rất mức độ. Nếu chỉ đạo mà không tâm huyết, có chính sách rồi mà không nhiệt tình thì không ra được”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu đúc kết khi bàn về việc thúc đẩy HTX phát triển.

Khó khăn lớn nhất là đất đai

Thành lập từ năm 2014 với hoạt động chính là thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, HTX Dịch vụ Môi trường thị trấn Hương Canh đang ngày càng khẳng định vai trò trong việc góp phần hạn chế tối đa ô nhiễm trong các khu dân cư và cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Chủ tịch HĐQT HTX Hà Trọng Tấn cho hay, mỗi ngày, HTX xử lý bình quân khoảng 30 tấn rác thải của 18.000 nhân khẩu và rác thải sinh hoạt của khu công nghiệp trên địa bàn huyện. Năm 2018, doanh thu đạt 21,6 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 4,1 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2,2 tỷ đồng, thu nhập bình quân của thành viên và lao động là 8,5 triệu đồng/người/tháng.


Nguyên tắc trước tiên khi thành lập hợp tác xã là phải xác định sản phẩm cụ thể
Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Mặc dù vậy, ông Tấn thừa nhận hoạt động của HTX vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo đó, ý thức bảo vệ môi trường và đóng góp tiền phí môi trường của một số người dân còn chưa cao. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình xử lý rác còn hạn chế;  thiếu vốn để hoạt động nhưng chưa tiếp cận được với các nguồn tín dụng. Mặc dù có chính sách hỗ trợ phát triển HTX về ưu đãi thuê đất, ưu đãi thuế song việc triển khai còn chậm, thiếu đồng bộ…

Trong bối cảnh giá thành sản xuất sản phẩm nông nghiệp cao, sức cạnh tranh thấp; sự chú trọng nông sản đặc sản giá trị còn ít; thị trường tiêu thụ khó khăn, không bền vững… “cách thức sản xuất chuỗi giá trị sản phẩm khép kín từ nông sản đang là lựa chọn tối ưu để cân bằng lợi ích của HTX với nhu cầu thị trường”, Giám đốc HTX Sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việt (Gia Lộc, Hải Dương) Hà Quang Huy nói. Tuy nhiên, trên thực tế, các HTX nông nghiệp như Xuyên Việt chưa thể tiếp cận chính sách tạo điều kiện về diện tích sản xuất tập trung cũng như chưa thể tiếp cận được nguồn vốn, ngân sách hoặc sự hỗ trợ về kinh tế do thủ tục đối với các khoản vay của HTX cần quá nhiều điều kiện.

Song, khó khăn lớn nhất vẫn là đất đai, ông Huy xác nhận. “Trong gần 10 năm qua, chúng tôi luôn muốn mở rộng sản xuất nhưng luôn gặp khó về đất. Chúng tôi cũng nhiều lần đề xuất về trụ sở nhưng không được. Các đối tác về làm việc với chúng tôi khi nhìn vào cơ sở vật chất, trang thiết bị đã đánh giá năng lực HTX ít nhiều bị ảnh hưởng”.

Chia sẻ với ý kiến này, Chủ tịch Liên minh HTX Thái Bình Lưu Thị Chỉ bổ sung, mặc dù Luật HTX 2012 cùng nghị định hướng dẫn và các thông tư đã ghi rõ HTX được Nhà nước cho thuê đất, nhưng thực tế triển khai “ở đâu đó vẫn còn chậm”. Đơn cử, tại tỉnh Thái Bình, mặc dù chính quyền đã có sự quan tâm nhưng hiện chỉ có 10% HTX được cấp quyền sử dụng đất lâu dài (sổ đỏ và sổ hồng). Hằng năm, tỉnh trích ra khoảng 100 tỷ đồng để hỗ trợ trang thiết bị máy móc cho HTX, tổ hợp tác nhưng “đó là con số quá nhỏ để phát triển”.

Xác định sản phẩm cụ thể khi thành lập hợp tác xã

Từ thực tế hoạt động, đại diện các HTX cho rằng, trước tiên cần gỡ vướng về đất cho các HTX. Cụ thể, đối với vấn đề diện tích sản xuất tập trung, cần có những chính sách ưu tiên về giao diện tích sản xuất, hỗ trợ về thủ tục hành chính. Đồng thời, tạo điều kiện để các HTX được xây dựng trụ sở làm việc cũng như đào tạo nhân sự, tiếp đối tác, qua đó một mặt nâng cao sự chuyên nghiệp, vị thế của đơn vị trên bàn đàm phán, một mặt có cơ sở vật chất tốt để phục vụ công tác chăm sóc khách hàng. Đối với vấn đề tiếp cận các nguồn kinh phí, nên tháo gỡ một số điều kiện chưa hợp lý để tạo điều kiện cho HTX tiếp cận khoản vay.

Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Đặng Kim Sơn cho rằng, có 3 việc quan trọng phải làm để thúc đẩy HTX phát triển. Thứ nhất, HTX phải gắn với tổ chức cộng đồng, vì bản chất HTX là cộng đồng. Sức mạnh của nó là lòng tin cậy của cộng đồng vào đội ngũ lãnh đạo, quản lý nên cơ chế quản lý, điều hành phải thật minh bạch. Thứ hai, phải có quỹ đặc biệt chứ không thể chỉ dựa vào ngân hàng. Trong bối cảnh nông lâm trường đang sắp xếp lại tạo quỹ đất rất nhiều, “phải làm sao để bà con nông dân thấy tham gia HTX có cơ hội làm việc tốt hơn thì họ mới hăng hái tham gia”. Thứ ba, về lâu dài, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của các nước, trao quyền cho HTX và liên minh HTX để lo về giống, phân bón thay người nông dân.

Dẫn kinh nghiệm thực tế tại địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho rằng, để thành lập và phát triển HTX, nguyên tắc trước tiên là phải xác định sản phẩm cụ thể cho HTX hay tổ hợp tác đó là gì, có tiêu thụ được không, tiêu thụ ở đâu “chứ không phải thấy người ta làm thì làm theo”. Hiện, Quảng Ninh rất thành công trong xây dựng mỗi xã một sản phẩm với mức hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng 6%; đồng thời hỗ trợ các HTX trong xúc tiến thương mại (tham gia miễn phí các hội chợ trên địa bàn tỉnh hoặc được hỗ trợ kinh phí để tham gia hội chợ tại tỉnh khác). Nhờ thế, “bây giờ chúng tôi không phải thúc ép nữa mà bà con rất tự giác hình thành tổ hợp tác của mình”, ông Hậu thông tin.

Tuy nhiên, theo ông Hậu, điều quan trọng nhất vẫn là nhận thức cũng như sự chỉ đạo của các cấp chính quyền và cấp ủy. Nhiều nơi vẫn còn tư duy phải hỗ trợ doanh nghiệp lớn chứ không phải các HTX vốn có của cải vật chất không nhiều. “Có cấp ủy đến kỳ báo cáo mới động đến chữ HTX nhưng thường thì không biết mấy về HTX, thành ra việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX còn rất mức độ”. Từ đó, ông Hậu cho rằng, “nếu chỉ đạo mà không tâm huyết, có chính sách rồi mà không nhiệt tình thì không ra được”, hoặc nếu ra cũng chỉ mang tính tự phát.

Đan Thanh