Thủy sản Việt Nam khắc phục cảnh báo “thẻ vàng”

Khó nhất là kiểm soát tàu cá

- Thứ Tư, 17/04/2019, 08:00 - Chia sẻ
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản TRẦN ĐÌNH LUÂN cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), khó thực hiện nhất là việc kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển và cập bến, kiểm soát tàu nhập khẩu nguyên liệu thủy sản vào Việt Nam.

Hải sản xuất qua EU sụt giảm

- Thưa ông, việc EC áp dụng “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam đã gây ra khó khăn gì cho xuất khẩu thủy sản trong nước?

- Việc EC cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản khai thác của nước ta được các doanh nghiệp và chuyên gia nhận định có ảnh hưởng tới việc xuất khẩu, đặc biệt là qua thị trường EU. Trước mắt, tất cả các lô hàng xuất sang EU đều bị kiểm tra trước khi thông quan, điều này làm kéo dài thời gian và tăng chi phí cho doanh nghiệp. Khi kiểm tra nếu không đạt yêu cầu thì sẽ bị trả về. Năm 2018, các mặt hàng hải sản xuất khẩu qua EU đều sụt giảm, ngoại trừ sản phẩm cá ngừ.

Nỗ lực để sớm ra khỏi cảnh báo “thẻ vàng” của EC là cần thiết để nâng cao hình ảnh, sức cạnh tranh hải sản nước ta và tránh hệ lụy từ các thị trường khác có thể áp đặt các biện pháp kiểm soát tương tự.

- Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực thực hiện những khuyến nghị của EC sau khi bị cảnh báo “thẻ vàng” ra sao?

- Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức nhiều hội nghị để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các giải pháp để triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC. Chẳng hạn như, Quyết định 78/QĐ-TTg ngày 16.1.2018 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025; Quyết định 1047/QĐ-TTg ngày 17.8.2018 phê duyệt Đề án phát triển khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) cũng đã ban hành nhiều văn bản và tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện tại địa phương trong việc triển khai các khuyến nghị của EC. Ngoài ra, còn có sự vào cuộc của các bộ có liên quan, UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển và các hội, hiệp hội ngành hàng có liên quan. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị đã tích cực triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC. Tuyên truyền cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là ngư dân về các quy định mới của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn để tổ chức thực hiện nghiêm.

- Khuyến nghị nào của EC khó thực hiện nhất, thưa ông? 

- Trong quá trình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC, khó thực hiện nhất là việc kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển và cập bến, việc kiểm soát tàu nhập khẩu nguyên liệu thủy sản vào Việt Nam. Lý do vì cơ sở hạ tầng như cảng cá, hệ thống giám sát tàu cá đang trong quá trình hoàn thiện, nguồn lực đầu tư để hoàn thiện còn hạn chế. Nguồn nhân lực cho quản lý nghề cá từ Trung ương đến địa phương còn rất thiếu so với yêu cầu. Một số ngư dân chưa có ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật…

Mong sớm được gỡ “thẻ vàng”

- Thực tế, ở một số cảng cá chưa có văn phòng kiểm soát khiến việc kiểm soát nghề cá chưa đạt theo khuyến nghị của EC. Hay, các cảng cá chưa được đầu tư đồng bộ nên tàu thuyền ít cập vào cảng chính, mà thường vào các bến tự phát. Với những khó khăn này các cấp, các ngành sẽ giải quyết như thế nào?

- Hiện nay, địa phương đang tích cực triển khai tổ chức các văn phòng kiểm soát tại cảng theo hướng dẫn của Bộ NN - PTNT. Tuy nhiên, do nguồn nhân lực còn rất hạn chế nên việc triển khai trên thực tế rất khó khăn. Để giải quyết trước mắt, Bộ NN - PTNT đã hướng dẫn các địa phương cần sử dụng cán bộ của các lực lượng (biên phòng, cảnh sát biển…) cùng tham gia kiểm soát hoạt động nghề cá tại cảng. Bên cạnh đó, Bộ đã đề nghị các địa phương đề xuất các cảng đủ điều kiện để công bố cảng chỉ định cho tàu cá theo quy định. Đến nay đã có 47/83 cảng cá đang hoạt động được công bố. Trong tháng 4 này, Bộ sẽ tiếp tục công bố các cảng đủ điều kiện cho tàu cá vào lên hàng theo đề nghị của các địa phương.

Để người dân chấp hành nghiêm quy định về việc phải cập vào cảng cá có đủ điều kiện để kiểm soát sản lượng lên bến, các cấp, các ngành đã và đang tích cực tuyên truyền, phổ biến các quy định này đến ngư dân, doanh nghiệp biết, nhận thức đúng và tự giác thực hiện. Bộ NN - PTNT đã làm việc và đề nghị Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông báo đến cộng đồng doanh nghiệp chỉ mua hàng thủy sản tại các cảng cá do Bộ NN - PTNT đã công bố để chế biến, xuất khẩu đi EU.

Với những nỗ lực của Chính phủ, Bộ NN - PTNT, các bộ, ngành liên quan và các địa phương đã và đang thực hiện, ngành thủy sản Việt Nam rất mong muốn sẽ gỡ được cảnh báo “thẻ vàng” của EC trong thời gian sớm nhất.

- Người đứng đầu địa phương, các cơ quan đơn vị liên quan có trách nhiệm như thế nào trong việc quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại địa phương, thưa ông?

- Để thực hiện tốt các yêu cầu kiểm soát khai thác thủy sản bền vững, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của người đứng đầu các địa phương, ưu tiên nguồn lực và chỉ đạo các cấp, ngành có liên quan triển khai, thực hiện các giải pháp. 

Các địa phương cần quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo triển khai các quy định và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan, trong đó có các văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN - PTNT. Trước tiên thực hiện quản lý tàu không vi phạm các vùng biển nước ngoài, tổ chức thanh tra, kiểm soát tại cảng và giám sát hoạt động tàu cá và tổ chức xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

- Giải pháp lâu dài cho sự phát triển bền vững của ngành kinh tế thủy sản, trong đó có nghề cá là gì, thưa ông?

- Các quy định của Luật Thủy sản phải thực sự đi vào cuộc sống, đặc biệt là các quy định mới trong bảo vệ, khai thác và nuôi trồng thủy sản. Các quy định này là nền tảng cơ bản để dần đưa nghề cá của Việt Nam phát triển bền vững và có trách nhiệm.

Các đối tượng chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật phải chấp hành nghiêm các quy định và nhận thức đúng đắn về nghĩa vụ của mình khi tham gia vào hoạt động thủy sản. Đặc biệt, phải nhận thức rõ việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trước tiên là bảo vệ quyền lợi của chính bản thân, gia đình và góp phần thúc đẩy phát triển ngành kinh tế thủy sản bền vững. Tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động khai thác thủy sản cần nói không với khai thác bất hợp pháp. Phát triển kinh tế thủy sản phải đi đôi với bảo vệ môi trường.

Đối với Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, cần có đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất và hệ thống bộ máy quản lý trong lĩnh vực thủy sản vì hiện nay thực trạng cơ sở hạ tầng nghề cá còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý của cơ quan quản lý và nhu cầu sử dụng của người dân. Nhân lực quản lý trong lĩnh vực thủy sản (cả ở Trung ương và địa phương) quá thiếu so với nhu cầu và đặc biệt cho nhiệm vụ kiểm soát nghề cá theo khuyến nghị của EC.

- Xin cảm ơn ông!

 Tháng 10.2017, EC rút “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác thủy sản tự nhiên của Việt Nam vì chưa tuân thủ các quy định về IUU. (IUU fishing là viết tắt của các chữ Illegal, Unreported, and Unregulated fishing, tạm dịch là đánh cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý).

Theo kế hoạch, trong tháng 1.2019, đoàn thanh tra EC quay lại Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các khuyến nghị của cơ quan này về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đối với hải sản. Tuy nhiên, EC đã quyết định lùi thời hạn kiểm tra khắc phục “thẻ vàng” có thể trong tháng 4.2019, khi Luật Thủy sản và một số văn bản quy phạm phát luật liên quan chính thức đi vào thực thi. Trên cơ sở kiểm tra, đánh giá của đoàn, EC sẽ xem xét vấn đề khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam.

An Thiện thực hiện