Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông:

Khó nghiệm thu vào cuối năm nay

- Thứ Bảy, 02/11/2019, 09:17 - Chia sẻ
Báo cáo về Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông của Chính phủ gửi Quốc hội cho biết: Tổng thầu EPC đề xuất mốc thời gian hoàn thành nghiệm thu, chuyển giao Dự án dự kiến vào 31.12.2019, tuy nhiên Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng mốc thời gian này khó khả thi.

Chưa rõ thời gian hoàn thành

Trong Báo cáo, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (Dự án) đến nay đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng (gồm 13,05km cầu cạn cho tuyến đường sắt trên cao; toàn bộ đường ray, các bộ ghi chạy tàu; toàn bộ 12 nhà ga kèm theo hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận hành; 16 khu đơn thể Depot kèm theo hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan cây xanh).  Dự án trang bị, mua sắm 13 đoàn tàu chuẩn B1 và vận chuyển về Việt Nam cũng đã hoàn tất.
Việc nhập khẩu vật tư, thiết bị đang được Tổng thầu EPC là Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc tiếp tục thực hiện. Tổng khối lượng vật tư, thiết bị đã về đến công trường đạt khoảng 99%. Công tác thi công lắp đặt thiết bị đang được Tổng thầu triển khai đạt khoảng 97%. Các công việc còn lại bao gồm thi công biển báo chỉ dẫn, thiết bị công nghệ khu Depot; khắc phục tồn tại và sửa chữa khiếm khuyết các chuyên ngành thông tin, AFC, cấp điện.

Bên cạnh đó, đã hoàn thành việc đào tạo toàn bộ 201 nhân lực tại Trung Quốc và đào tạo lý thuyết tại Việt Nam 450 người cho vận hành, khai thác dự án. Các quy trình vận hành, bảo trì, quản lý an toàn vận hành SMS (Hệ thống quản lý an toàn, gồm các quy trình, quy định cụ thể nhằm loại bỏ hoặc kiểm soát được tất cả rủi ro gây mất an toàn gây ra bởi con người, thiết bị, phương tiện, thiên tai, tai nạn) được thực hiện hoàn thành khoảng 80%.

Tổng thầu đã đề xuất mốc thời gian hoàn thành công tác nghiệm thu, chuyển giao Dự án dự kiến vào ngày 31.12.2019. Tuy nhiên, Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng mốc thời gian này khó khả thi, vì tiến độ Tổng thầu đưa ra còn có nhiều nội dung chưa chi tiết và có các điều kiện ràng buộc nên. “Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải đang yêu cầu Tổng thầu khẩn trương lập kế hoạch chi tiết đối với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành Dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Các vướng mắc hiện nay theo Bộ Giao thông - Vận tải chủ yếu ở chỗ Tổng thầu chưa giải quyết dứt điểm các nội dung liên quan đến bảo đảm an toàn trước khi đưa Dự án vào vận hành khai thác. Trong đó, theo đánh giá ban đầu của Liên danh Apave - Certifer – Tricc, tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống, tổng thầu chưa cung cấp được các chứng chỉ mức độ an toàn đoàn tàu, các kết quả thử nghiệm an toàn từ nhà sản xuất, chưa thực hiện đầy đủ giải pháp đánh giá bằng thử nghiệm thực tế tại hiện trường nơi sản xuất. Vì thế, tư vấn độc lập chưa đủ cơ sở để hoàn tất đánh giá an toàn của đoàn tàu về hồ sơ, điện, phanh hãm và kéo theo đó là chưa thể hoàn tất báo cáo cuối cùng về đánh giá an toàn hệ thống… Nếu không giải quyết triệt để, có khả năng phải kéo dài thời gian khắc phục và hoàn chỉnh đánh giá để nghiệm thu đưa vào khai thác.

Xác định rõ trách nhiệm của tổng thầu

Đánh giá về quá trình thực hiện, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, dự án từ khi khởi công đến nay gặp nhiều khó khăn làm chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư như: Giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng không nhỏ đến khảo sát, thiết kế, thi công và điều chỉnh dự án chậm; quy định của Việt Nam về hình thức hợp đồng EPC chưa rõ ràng, có nhiều khác biệt với thông lệ quốc tế nên hợp đồng EPC ký kết ban đầu chưa hoàn chỉnh, thiếu chặt chẽ, chưa đúng với bản chất hợp đồng EPC.
Bên cạnh đó, Dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc, có tính chất đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới và lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam nên phía Việt Nam chưa kiểm soát được kỹ thuật công nghệ. Thủ tục bổ sung Hiệp định và hiệu lực Hiệp định kéo dài. Các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về đơn giá, định mức có nhiều thay đổi và chưa ban hành kịp thời. “Mặt khác, quá trình thực hiện Dự án của Tổng thầu còn bộc lộ nhiều hạn chế trong chỉ đạo, điều hành và quản lý, phụ thuộc nhiều vào các đơn vị liên kết; chưa thực hiện các yêu cầu của Chủ đầu tư nên thường xuyên chậm trễ hoàn thành các hạng mục theo mốc tiến độ đã cam kết”, báo cáo nêu.

Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Theo Báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải, Dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía Tổng thầu thì chủ đầu tư là Bộ Giao thông - Vận tải và Ban Quản lý dự án chịu trách nhiệm trong quản lý điều hành; UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư; tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng. Ban Quản lý dự án đang tiến hành rà soát các điều khoản trong hợp đồng EPC, xác định rõ trách nhiệm của Tổng thầu và các bên liên quan để xử lý, giải quyết các khiếu kiện trong trường hợp cần thiết phù hợp với điều kiện của hợp đồng EPC.

Hà Lan