Đồng tiền chung Tây Phi

Khó khả thi

- Thứ Sáu, 14/02/2020, 08:07 - Chia sẻ
Năm ngoái, lãnh đạo các nước thành viên thuộc Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã công bố mục tiêu đến năm 2020 đưa đồng tiền chung eco vào lưu thông. Tuy nhiên, quá trình hiện thực hóa loại tiền tệ mới này không dễ, cho dù dưới áp lực của Tây Phi, Pháp đã đồng ý chuyển đổi đồng franc CFA, vốn được sử dụng phổ biến ở nhiều nước châu Phi, thành đồng eco vào cuối năm 2019.

Còn nhiều rủi ro

Theo Real Clear World, việc thiếu thống nhất về nợ và tỷ lệ lạm phát giữa các thành viên làm cho toàn bộ dự án về đồng eco bị coi là còn non nớt, có nhiều rủi ro và nhiều điểm yếu “chết người” ngay từ chính khái niệm về nó. Thực tế cho thấy, các nền kinh tế ECOWAS có sự khác biệt rất lớn và những sắp xếp thể chế cho phép các thực thể kinh tế khác nhau chia sẻ một loại tiền tệ chung vẫn còn thiếu.

Một số người cho rằng, dự án đồng eco có nhiều cơ hội, vì 8 thành viên ECOWAS đã có 75 năm kinh nghiệm với đồng tiền chung là đồng franc CFA. Đây là loại tiền phổ biến được dùng ở hai khu vực tiền tệ châu Phi: Khu vực phía Tây bao gồm 8 quốc gia (Benin, Burkina Faso, Guinea Bissau, Bờ Biển Ngà, Mali, Niger, Senegal, Togo) và khu vực Trung Phi với 6 quốc gia (Cameroon, Chad, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Congo, Guinea, Gabon). Đồng franc CFA được thiết lập sau Thế chiến II để giúp Pháp nhập khẩu hàng hóa từ các thuộc địa của mình. Nó ban đầu được định giá theo đồng franc Pháp, và sau đó là đồng euro. Rất nhiều người coi đồng tiền này là “di tích” của thực dân Pháp ở lục địa đen. Các thuộc địa cũ của Pháp đã phải gửi 50% dự trữ ngoại tệ của mình ở Pháp để đổi lấy sự bảo đảm từ nền kinh tế lớn hơn. Một đại diện của Pháp cũng phải có mặt trong ban lãnh đạo của liên minh tiền tệ trên.

Đối với những người ủng hộ đồng franc CFA, việc được định giá bằng đồng euro và sự bảo lãnh của Pháp đối với loại tiền tệ này mang đến sự ổn định về kinh tế và tài chính, đặc biệt trong những thời kỳ căng thẳng chính trị nghiêm trọng như các cuộc biểu tình Mùa xuân Ảrập, cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu năm 2008 hay  hai cuộc nội chiến ở Bờ Biển Ngà giai đoạn 2002 - 2007 và 2010 - 2011. Theo họ, mặc dù Kho bạc Pháp giữ dự trữ đó ở mức lãi suất thấp hơn tỷ lệ lạm phát của Pháp - khoảng 0,5% so với 1,5% tỷ lệ thị trường hiện hành, đây vẫn là một khoản phí bảo hiểm hợp lý để trả cho việc bảo lãnh đó. Sắp tới, hầu hết các điều kiện trên sẽ kết thúc, mặc dù đồng tiền này vẫn được chốt bằng đồng euro và được Pháp bảo đảm.

Xây dựng đồng eco chung ổn định sẽ giúp khu vực Tây Phi đạt được các mục tiêu của Hiệp định Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi mới ký, cũng như tìm kiếm một thị trường chung duy nhất cho hàng hóa và dịch vụ; thúc đẩy hội nhập sâu rộng và tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Từ đó giúp phát triển các ngành công nghiệp và tăng cường đầu tư để tăng thương mại nội khối cũng như cải thiện tiêu chuẩn sống… Những lợi ích tiềm năng khác của liên minh tiền tệ như đồng eco từng được ông Robert Mundell, người đoạt giải Nobel về kinh tế, tóm tắt trong văn bản năm 1961 mang tên Lý thuyết về các lĩnh vực tiền tệ tối ưu. Ông viết: Nếu một loại tiền tệ duy nhất được sử dụng, sẽ có lạm phát chung, tỷ lệ và lãi suất tương tự cũng như sự tăng trưởng đáng kể trong hội nhập thương mại, năng suất và tài chính. Tất cả những cái đó sẽ tạo ra tăng trưởng đáng kể cho kinh tế và đời sống. Một đồng eco thành công sẽ tạo ra một khối kinh tế hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài và có ý nghĩa tích cực đối với tăng trưởng khu vực.

Để một liên minh tiền tệ thành công, ông Mundell đã đề xuất tiêu chí hội tụ là điều kiện tiên quyết cho các nước tham gia. Một phần của điều đó đã được Hiệp ước Maastricht năm 1992 thông qua. Đây chính là hiệp ước đánh dấu sự ra đời của đồng euro, trong đó yêu cầu những quốc gia thành viên của khu vực đồng euro phải hạn chế thâm hụt của mình dưới 3% GDP và nợ dưới 60% GDP... Tương tự, để tham gia ecozone, các quốc gia thành viên phải đồng ý đáp ứng các tiêu chí hội tụ kinh tế bao gồm giữ nợ công dưới 70% GDP, thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP, tỷ giá hối đoái ổn định và lạm phát một con số. Tuy nhiên, theo báo cáo tổng hợp kinh tế vĩ mô mới nhất của ECOWAS năm 2019, không nước nào đáp ứng tất cả các tiêu chí. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, lạm phát ở Sierra Leone trung bình 16,9% năm 2018, trong khi tổng nợ Chính phủ của Cabo Verde đã tăng lên 121% GDP...

3 bài học từ đồng euro

Những thách thức như vậy làm cho thời hạn đề xuất ra mắt đồng eco trong năm 2020 rất khó đạt được. Các nhà phân tích cho rằng, các nước Tây Phi nên nghiên cứu đồng euro và ghi nhớ ba bài học từ đây.

Đầu tiên là việc tạo ra một loại tiền tệ duy nhất đòi hỏi phải có các tổ chức có trách nhiệm cho phép một khu vực châu Âu đa dạng hoạt động suôn sẻ. Thực tế, đồng euro ra đời đã có khiếm khuyết khi không tính đến sự đa dạng của lục địa già cũng như không xây dựng được cơ chế chống lại các cú sốc.

Châu Phi chia sẻ thách thức trên. Chẳng hạn, nền kinh tế Guinea có GDP xấp xỉ 7 tỷ USD, ít hơn bang lớn thứ 13 của Nigeria là Abia với 8,7 tỷ USD. Sự chênh lệch như vậy gợi nhớ đến những khác biệt trong khu vực đồng euro, vốn đã thử thách sức mạnh của đồng tiền này trong cuộc khủng hoảng kinh tế 2008. Các nền kinh tế mạnh như Đức có thể chịu được cú sốc trong khi những nước yếu hơn như Hy Lạp phải hứng đòn đau. Đồng tiền chung đã tước bỏ khả năng tự điều chỉnh các chính sách tiền tệ tương ứng khi cần phát sinh của các nước thành viên. Để kích thích nền kinh tế, ngân hàng trung ương có thể áp dụng chính sách giảm lãi suất để tín dụng được tiếp cận dễ hơn, dẫn đến tỷ giá thấp hơn, từ đó làm cho xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn và không khuyến khích nhập khẩu. Những xu hướng đó giúp cải thiện bảng cân đối thương mại quốc gia và củng cố nền kinh tế. Với việc các quốc gia khác nhau phải đối mặt với những thách thức kinh tế khác nhau, chốt chung đã gây khó khăn cho các quốc gia riêng lẻ như Hy Lạp trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ khi lạm phát xuất hiện. Sự cứng nhắc cơ bản này trong đồng euro cuối cùng đã làm tê liệt các nền kinh tế yếu hơn.

Thứ hai là thiếu kỷ luật chính sách tài chính và kinh tế giữa một số công ty trong eurozone. Điều đó đi kèm với các cơ chế xử phạt sai lệch và quy định tài chính yếu dẫn đến nợ công và nợ tư tăng, làm mất khả năng cạnh tranh. Các quốc gia có nhiều chương trình xã hội và nợ nần phải trông chờ các nước khác cứu trợ, tạo ra rủi ro đạo đức. Do đó, các quốc gia đồng eco phải tuân thủ các cam kết tiêu chí hội tụ để tránh rủi ro tương tự. Thất bại của một quốc gia có thể đe dọa sự gắn kết của toàn bộ khu vực ECOWAS, do thâm hụt tài khóa của một thành viên sẽ gây rủi ro toàn hệ thống và áp lực lạm phát lên các nước khác.

Bài học cuối cùng, và có lẽ là quan trọng nhất, là nền kinh tế eurozone luôn có mối quan hệ mật thiết với chính trị của khu vực. Các nhà phân tích đã chỉ ra rằng, bất đồng chính trị giữa các quốc gia khu vực đồng euro gây khó khăn cho việc tạo ra các thỏa thuận kinh tế cho phép đồng tiền chung hoạt động. Do đó, các thành viên của ECOWAS cần đạt được sự đồng thuận chung ở cấp độ chính trị, nếu không tất cả khuyến nghị nói trên trở nên thiếu bền vững. Điều đó đã được chứng minh là đúng khi hôm 10.2 vừa qua, Nigeria đề nghị hoãn giới thiệu đồng eco, dự định ra mắt tháng 7 năm nay với lý do nhiều quốc gia chưa đạt được tiếng nói chung.

Ngọc Minh