Khó giải ngân hết vốn đầu tư phát triển năm 2019

- Thứ Hai, 21/10/2019, 08:10 - Chia sẻ
Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019 và dự toán năm 2020, được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình Quốc hội hôm nay, cho biết: vốn đầu tư phát triển tiếp tục giải ngân rất chậm, mới chỉ đạt 49,1% kế hoạch Chính phủ giao và khó giải ngân hết trong năm nay. Nguyên nhân vẫn tập trung vào các yếu tố “đã kéo dài nhiều năm nhưng biện pháp khắc phục chưa thật sự quyết liệt” như chuẩn bị dự án đầu tư, giao dự toán chậm, giải phóng mặt bằng khó khăn…

Thủ tục giao vốn vẫn phức tạp

Theo báo cáo của Chính phủ, ước thực hiện chi đầu tư phát triển cả năm 2019 đạt 443,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với dự toán. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng đây là “kết quả đáng ghi nhận”, phục vụ mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Qua giám sát cho thấy, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nhu cầu chi lớn, Chính phủ và các địa phương đã thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dành nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng chỉ ra 3 vấn đề nổi lên trong chi đầu tư phát triển.

Đầu tiên là tình trạng chậm giao vốn, giao nhiều đợt và chậm điều chỉnh vốn đầu tư phát triển, trong đó có vốn ODA vẫn chưa được khắc phục. Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, trên thực tế thủ tục giao vốn vẫn còn phức tạp, chưa được xử lý kịp thời, có khó khăn, vướng mắc. Khi giao xong đến nhiều địa phương, đơn vị thì thường vào mùa mưa, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, khiến nhiều dự án có ý nghĩa lớn đến phát triển kinh tế - xã hội chậm được triển khai, bị dở dang, chuyển tiếp kéo dài. Đối với vốn ODA, việc điều chỉnh chậm dẫn đến giải ngân chậm, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam với các nhà tài trợ, giảm hiệu quả sử dụng và làm tăng chi phí quản lý vốn vay.


Cán bộ Kho bạc Nhà nước Bình Thuận hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục thanh toán
Ảnh: Thanh Huyền

Vấn đề thứ hai là giải ngân vốn đầu tư phát triển rất chậm. Tỷ lệ giải ngân đến nay mới chỉ đạt 49,1% kế hoạch Thủ tướng giao, nếu so với dự toán được Quốc hội quyết định thì còn thấp hơn (dự toán Quốc hội quyết định là 443,4 nghìn tỷ đồng, kế hoạch Thủ tướng giao là 391,1 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% dự toán Quốc hội quyết định). Trong đó, giải ngân vốn trong nước đạt 52,6%, riêng vốn trái phiếu Chính phủ đạt 26,2%, vốn ngoài nước chỉ đạt 23,1%. “Khả năng giải ngân hết nguồn vốn trong năm 2019 là khó khăn”, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định và cho rằng nguyên nhân giải ngân chậm vẫn tập trung vào các yếu tố như chuẩn bị dự án đầu tư, giao dự toán chậm, giải phóng mặt bằng khó khăn… “Các vấn đề này đã kéo dài nhiều năm nhưng biện pháp khắc phục chưa thật sự quyết liệt, khiến hiệu quả đạt thấp”, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tình trạng chuyển nguồn vẫn còn lớn, đặc biệt là có vướng mắc về phạm vi chuyển nguồn đối với một số khoản chi sự nghiệp kinh tế có tính chất chi đầu tư theo Luật Ngân sách Nhà nước, về nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương… Cá biệt có tình trạng chuyển nguồn qua nhiều năm, gây lãng phí, phản ánh không đúng thực chất tình trạng chi và bội chi ngân sách nhà nước. Theo ghi nhận của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, từ đầu năm đến nay, ở nhiều bộ, ngành và địa phương, trong khi có nhu cầu ngân sách lớn để đầu tư xây dựng cơ bản thì có nhiều khoản giải ngân thấp, khả năng phải chuyển nguồn khá lớn. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được Chính phủ nêu rõ trong báo cáo.

Tận tình hướng dẫn chủ đầu tư, ban quản lý dự án

Thời gian còn lại của năm 2019 không nhiều và áp lực giải ngân vốn đầu tư phát triển ngày càng nặng nề. Tại phiên họp thứ 38 chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Tám mới đây, UBTVQH đã yêu cầu Chính phủ phải tập trung đẩy nhanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm để tránh ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn và tăng trưởng kinh tế.

Trên thực tế, ngay sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vào cuối tháng 9, nhiều địa phương, bộ, ngành đã họp bàn đưa ra giải pháp, chế tài mạnh. Về phía cơ quan kiểm soát chi ngân sách, tiếp nối những nỗ lực từ đầu năm, ngày 16.10 vừa qua, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Tạ Anh Tuấn đã ký ban hành Chỉ thị 5465/CT-KBNN về tăng cường các giải pháp trong hệ thống kho bạc nhằm đầy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.  

Tổng Giám đốc Tạ Anh Tuấn yêu cầu KBNN các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và các cơ quan chuyên môn trên địa bàn và tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chấp hành quy định của pháp luật trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước của KBNN. Cụ thể là hướng dẫn các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án tận tình, chu đáo, nhất là trong việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục thanh toán: Kịp thời nắm bắt và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện giải ngân của từng gói thầu, dự án. Chủ động đôn đốc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trong thời hạn 4 ngày làm việc kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu làm thủ tục thanh toán ngay với kho bạc…

Cùng với đó, Giám đốc KBNN các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo công chức làm công tác kiểm soát chi nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không được để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại kho bạc mà không rõ lý do; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc; không gây phiền hà, sách nhiễu, trục lợi... Trường hợp cá nhân cố tình vi phạm gây chậm trễ trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công sẽ thực hiện kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện 1042/CĐ-TTg ngày 21.8.2019.

Tổng giám đốc KBNN cũng yêu cầu hệ thống kho bạc tiếp tục thực hiện phương thức kiểm soát chi theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần nhằm rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán xuống còn 1 ngày làm việc; đối với phương thức “kiểm soát trước, thanh toán sau”, bảo đảm thời gian kiểm soát thanh toán chậm nhất 3 ngày làm việc.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá KBNN luôn theo sát khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư và ban quản lý dự án nhằm tìm cách tháo gỡ, xử lý để giải ngân nhanh nhất.

Hà Lan