Khó có chuyện 85% lao động dệt may mất việc vì máy móc

- Thứ Hai, 22/07/2019, 07:41 - Chia sẻ
“Cách đây khoảng 3 năm, có dự báo cho rằng Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ khiến 85% lao động ngành dệt may của Việt Nam bị ảnh hưởng mất việc làm. Thế nhưng, sau 3 năm nhìn lại và thậm chí trong 10 năm tới, khả năng này vẫn khó xảy ra”, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường nói.

Tác động không đáng ngại

Theo Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường, mặc dù máy móc, tự động hóa có thể giảm 15% lao động giản đơn trong ngành may, trong đó riêng khâu trải vải có thể giảm 70% lao động, song công nghiệp 4.0 lại tạo ra nhiều việc làm mới. Chẳng hạn, trước đây, thời trang chỉ có 4 mùa thì nay, mỗi tuần là một bộ sưu tập, đồng nghĩa nhu cầu người làm thiết kế kỹ thuật, thiết kễ mỹ thuật, người làm hàng mẫu và chào mẫu tăng vọt 15 lần so với trước. Thứ nữa, xuất hiện nhu cầu công nhân kỹ thuật bảo trì ở trình độ điện tử, cơ điện tử cao và có khả năng liên kết dữ liệu giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa nhà cung cấp và nhà mua hàng… Như vậy, có thể tạo ra 20% việc làm mới mà trước đây chưa có.

Hiện, ngành dệt may có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng lớn nhất, với 36 tỷ USD năm 2018, tăng 16% so với năm trước, là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua. Nhờ đó, lần đầu tiên, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới (cùng với Ấn Độ) về quy mô xuất khẩu dệt may. Riêng về lao động, ngành dệt may có tốc độ tăng trưởng lao động hằng năm cao hơn mức trung bình của tất cả các ngành chế biến, chế tạo (hơn 10%). Hiện, có khoảng 2 triệu việc làm được tạo ra trong ngành. Tuy nhiên, theo đánh giá, ngành dệt may vẫn còn nhiều hạn chế như chủ yếu sản xuất gia công với giá trị gia tăng thấp, chưa chủ động nguồn nguyên phụ liệu, lao động không ổn định, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao… Đây thực sự là thách thức đối với việc cải thiện năng suất lao động - vấn đề sống còn với các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, Cách mạng Công nghiệp 4.0 được kỳ vọng là chìa khóa để giúp ngành dệt may giải quyết bài toán năng suất, chuyển sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Bởi theo ông Lê Tiến Trường, công nghệ này có thể giảm tới 70% lao động trong nhóm sợi; giảm 30% lao động trong nhóm dệt nhuộm, giảm 50% lượng nước sử dụng cho nhuộm và 50% năng lượng tiêu hao. Thêm vào đó, nếu như trước đây, ngành nhuộm phụ thuộc rất lớn vào tay nghề lao động thì với việc ứng dụng dữ liệu lớn (big data) đã giảm sự phụ thuộc vào tay nghề, qua đó nâng tỷ lệ nhuộm chính xác lần đầu có thể lên tới 95% thay vì 70 - 80% như trước. “Hiện, ở Việt Nam đã có nhà máy ứng dụng công nghệ này”, ông cho biết.

Như vậy phải chăng công nghiệp 4.0 sẽ khiến người lao động trong ngành dệt may bị mất việc làm hàng loạt, đúng như dự báo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) công bố hồi tháng 7.2016 rằng sẽ có khoảng 85% lao động dệt may ở Việt Nam sẽ bị máy móc thay thế trong vài thập kỷ tới?

Song, theo Chủ tịch Vinatex, hiện lao động trong hai nhóm ngành sợi và dệt nhuộm chỉ chiếm 5% tổng số lao động toàn ngành dệt may. Do đó, nếu máy móc có thể ảnh hưởng tới 50% lao động trong các nhóm ngành này đồng nghĩa chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng lao động toàn ngành. Với 95% lao động còn lại tập trung trong nhóm ngành may, việc chưa ghi nhận có nhà máy may hoàn toàn robot trên thế giới có thể khẳng định tác động của công nghiệp 4.0 là không đáng ngại như dự báo.
Trên thực tế, robot chỉ có thể áp dụng trong sản xuất hàng loạt với hàng triệu sản phẩm hoàn toàn  giống nhau - điều khó xảy ra với mặt hàng thời trang. Thêm nữa, trong 78 công đoạn may, robot chỉ có thể làm được 8 công đoạn. Ngoài ra, robot không thể sản xuất được trên vải thời trang trơn trượt, mềm nhão hay những sản phẩm có 2 - 3 lớp như áo veston. Đối với in 3D, robot chỉ giải quyết với vật liệu có nguồn gốc nhựa, trong khi 95% sản lượng hàng thời trang là bông và polyester. Như vậy, việc lo ngại 85% lao động ngành dệt may Việt Nam bị máy móc thay thế trong công nghiệp 4.0 là điều khó xảy ra, kể cả trong vòng 10 năm tới.


Trong 10 năm tới, 85% lao động trong ngành dệt may mất việc khó xảy ra
Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng

Điểm nghẽn lớn nhất là chi phí cho R&D rất thấp

Cách mạng Công nghiệp 4.0 rõ ràng là xu thế tất yếu mà các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dệt may không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, khảo sát của Vinatex đối với 300 doanh nghiệp dệt may trên cả nước cho thấy, việc đầu tư đổi mới công nghệ chiếm tỷ lệ rất nhỏ; sự sẵn sàng về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, công nghệ có sự phân hóa mạnh. Theo đó, việc ứng dụng công nghiệp 4.0 chủ yếu ở khối doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa gần như chưa có sự chuẩn bị.

Đại diện Vinatex chỉ rõ, điểm nghẽn lớn nhất của doanh nghiệp dệt may là chi phí cho nghiên cứu và phát triển (R&D) rất thấp, gần như không có do tỷ suất lợi nhuận thấp và tích lũy quy mô còn bé. Thứ nữa, với các doanh nghiệp nhóm ngành sợi và dệt sẵn sàng đầu tư công nghệ mới, nhưng hệ thống sản xuất đã đầu tư từ trước đó dù không đáp ứng yêu cầu, nếu tiếp tục chạy thì kém năng lực cạnh tranh hơn, chất lượng kém hơn song bỏ đi thì lại vướng.

Từ thực tế này đặt ra yêu cầu Chính phủ cần có quy hoạch ngành dệt may, chẳng hạn đến năm 2030 thì quy mô thế nào, phát triển ra sao? Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích công nghệ. Chẳng hạn, mỗi năm ngành dệt may phải giảm bao nhiêu % năng lượng tiêu hao trên một đơn vị sản phẩm, nếu không đạt thì phải chấp nhận đóng cửa. Chỉ khi đó mới khiến những doanh nghiệp chấp nhận mạo hiểm đầu tư công nghệ yên tâm, thay vì bỏ số lượng lớn tiền bạc ra đầu tư công nghệ song phải cạnh tranh với những doanh nghiệp đầu tư không tính đến yếu tố môi trường, năng lượng. Thêm vào đó, cần có chính sách trong việc trích quỹ R & D, chẳng hạn nếu doanh nghiệp dệt may đầu tư công nghệ cao thì được hoàn lại hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. “Đừng nghĩ công nghệ cao chỉ có trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ khí chính xác hay ô tô mà ngay trong nghề bình dân như dệt may vẫn có khái niệm này”, Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường nói.

Về phía doanh nghiệp dệt may, cần thường xuyên cập nhật tình hình về công nghệ của thế giới để có thể tiếp cận công nghệ hiện đại và có định hướng đầu tư đúng đắn, tránh tình trạng công nghệ sản xuất bị mất cạnh tranh do lạc hậu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường để ứng dụng từng phần Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong quá trình đầu tư, sản xuất mới.

Đan Thanh