Bạn đọc viết

Khi tính minh bạch thấp

- Thứ Tư, 18/09/2019, 08:23 - Chia sẻ
Khi Việt Nam - Liên minh châu Âu ký kết hiệp định Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) và việc cấp phép FLEGT sẽ được tiến hành trong thời gian sau năm 2020 thì việc thực thi đầy đủ nguyên tắc minh bạch trong sản xuất lâm nghiệp là một trách nhiệm, nghĩa vụ của thành viên. Tuy nhiên, kết quả khảo sát, điều tra về tác động của VPA-FLEGT do FAO tài trợ và Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) thực hiện tại 4 tỉnh đã cho thấy nhiều việc cần phải làm để bảo đảm được tính minh bạch, nhất là tại hộ trồng rừng, doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô siêu nhỏ và nhỏ trong sản xuất lâm nghiệp.

Bốn nhóm vấn đề mà khảo sát này hướng tới bao gồm: Minh bạch trong các khoản phí liên quan trồng và khai thác rừng; minh bạch về nguồn gốc gỗ; minh bạch trong việc làm giấy tờ liên quan đến khai thác; minh bạch trong quản lý của các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chế biến gỗ.

Kết quả khảo sát cho thấy, tính minh bạch cả 4 nhóm vấn đề nêu trên đều rất thấp, thậm chí chưa được chú ý đến. Đơn cử, trong minh bạch trong các khoản phí liên quan trồng và khai thác rừng ở mỗi địa phương cũng tồn tại các hình thức và mức thu khác nhau. Tại tỉnh Phú Thọ, chính quyền cấp xã thu 80kg thóc/1ha rừng trồng khi hộ gia đình tiến hành khai thác gỗ, trong khi đó tại tỉnh Quảng Nam, khi khai thác mỗi hộ gia đình phải nộp 10.000 đồng/sào đối với diện tích đất rừng đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 50.000 đồng/sào đối với diện tích đất rừng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hơn nữa, phần lớn các hộ dân đều không biết việc quản lý và sử dụng nguồn quỹ này được thực hiện và chi tiêu như thế nào, không rõ mục đích chi, định mức chi, cũng như không có báo cáo công bố về tình hình thu - chi nguồn quỹ này. Do đó, theo kết quả đánh giá về tính minh bạch trong các khoản phí liên quan đến trồng và khai thác rừng, có 33% số hộ khảo sát đánh giá là rất kém, 18,8% đánh giá là kém và 30,7% cho là trung bình, 17,5% cho là tốt và rất tốt.

Hay, trong minh bạch về nguồn gốc gỗ, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa minh bạch về nguồn gốc gỗ đưa vào chế biến. Khảo sát 36 doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chế biến gỗ cho thấy, có 72,2% doanh nghiệp minh bạch về nguồn gốc gỗ đưa vào chế biến và 28,8% doanh nghiệp chưa minh bạch. Sự minh bạch được thể hiện qua việc doanh nghiệp có đầy đủ các giấy tờ chứng minh nguồn gốc của gỗ, theo dõi và ghi chép đầy đủ lượng gỗ nhập vào và xuất ra. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp không ghi chép đầy đủ lượng gỗ nhập vào và xuất ra, cũng không có đủ giấy tờ về nguồn gốc các loại gỗ nhập vào như bảng kê lâm sản, giấy đăng ký khai thác.

Đáng lưu ý hơn, hầu hết các hộ gia đình đều để cho tư thương mua gỗ chuẩn bị và thực hiện các hồ sơ, thủ tục khai thác rừng với UBND xã. Theo kết quả điều tra, chỉ có 15,6% số hộ phỏng vấn là tự làm các giấy tờ liên quan đến khai thác, 42,4% số hộ được thực hiện bởi tư thương, và 42,0% là không làm các giấy tờ khai thác. Ngoài ra, khi phỏng vấn, các tư thương cho biết mua bán của nhiều hộ gia đình khác nhau và thậm chí trên nhiều xã khác nhau, nhưng chỉ làm giấy tờ tại một nơi.

Nguyễn Minh