Bạn đọc viết:

Khi thẩm định an toàn giao thông bị coi nhẹ

- Thứ Ba, 04/08/2020, 06:22 - Chia sẻ
Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 6 tháng đầu năm đã có 4.500 vụ tai nạn giao thông; riêng tháng 7 đã xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 38 người. Qua phân tích, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận định, ngoài những nguyên nhân đã được nhắc đến nhiều lần như vi phạm làn đường, phần đường, chạy quá tốc độ, chuyển hướng không chú ý, vượt xe sai quy định, sử dụng rượu bia… có 0,02% nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông do công trình giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn.

Nếu chỉ nhìn vào con số 0,02%, sẽ có ý kiến cho rằng, đó là một tỷ lệ không đáng kể. Song, nếu nhìn vào các vụ tai nạn giao thông gần đây sẽ thấy hậu quả nghiêm trọng xuất phát từ bất cập của hệ thống hạ tầng giao thông không bảo đảm.

Đơn cử, vụ tai nạn giao thông xảy ra tại Quảng Ninh ngày 10.7 khi một chiếc ô tô lao xuống biển khiến 4 người tử vong, mà ngoài nguyên nhân thuộc về người điều khiển phương tiện khi vi phạm nồng độ cồn, chạy nhanh trong điều kiện mưa gió, lấn sang làn đối diện và lao xuống biển, cũng có một phần nguyên nhân do hạ tầng. Bởi, đây là đoạn đường vừa thi công, vừa khai thác, nhưng thiếu hệ thống cọc tiêu, cảnh báo theo yêu cầu. Hoặc, nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng ngày 26.7 tại Quảng Bình khiến 15 người chết là ray phòng hộ không phát huy hiệu quả.

Qua hậu quả nghiêm trọng của các vụ tai nạn giao thông cho thấy, không phải ngẫu nhiên, công tác thẩm định an toàn giao thông được đặc biệt coi trọng ngay cả đối với các tuyến quốc lộ đang khai thác. Bởi, đây là hoạt động nhằm kịp thời phát hiện những sự thay đổi của thực tế giao thông, đề ra giải pháp kịp thời nhằm ngăn chặn các yếu tố liên quan có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông.

Để thực hiện được điều này, từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó quy định Bộ Giao thông - Vận tải là đơn vị quyết định và tổ chức thực hiện thẩm định an toàn giao thông đối với quốc lộ, đường cao tốc.

Năm 2015, Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục phê duyệt Đề án Tăng cường công tác thẩm định an toàn giao thông trên hệ thống Quốc lộ và đường bộ cao tốc. Theo đó, đến hết năm 2016, tất cả tuyến cao tốc đang khai thác phải được thực hiện thẩm định an toàn giao thông ít nhất một lần, tính từ khi bắt đầu thực hiện dự án.

Như vậy, theo quy định, những tuyến quốc lộ đang khai thác bắt buộc phải thẩm định an toàn giao thông khi lưu lượng phương tiện tăng 30% và tốc độ đô thị hóa tăng 20% so với với thời điểm đưa công trình vào khai thác. Nhưng thực tế, đến nay vẫn có gần 90% dự án đường bộ chưa một lần được thẩm định an toàn giao thông dù lưu lượng phương tiện đã tăng gấp nhiều lần, nhất là những dự án đưa vào khai thác trước năm 2015.

Đã đến lúc ngành giao thông vận tải cần xem xét một cách nghiêm túc các tiêu chí đánh giá điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, các quy chuẩn bắt buộc phòng hộ bằng hộ lan cứng, hộ lan mềm mà hiện nay chưa có; cũng như có những ưu tiên trọng điểm về việc rà soát lại toàn bộ các vấn đề có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến đường, đặc biệt những xe có nhiều người đi để có căn cứ đánh giá tổng thể và đưa vào các danh mục để làm ngay. Đồng thời, phải có những tiêu chí rõ ràng hơn về hạ tầng như thế nào là đạt được an toàn để được khai thác.

Hiểu Lam