Tổng tuyển cử ở Singapore

Khi cử tri đắn đo

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 08:20 - Chia sẻ
Hôm nay, 10.7, cuộc tổng tuyển cử năm 2020 của đảo quốc sư tử chính thức diễn ra với sự đua tranh của 11 chính đảng. Trong bối cảnh toàn thế giới đang gồng mình chống dịch Covid-19, khá nhiều tâm tư đè nặng lên cử tri Singapore khi họ quyết định đi bỏ phiếu.

Tờ The Straits Times vừa liệt kê một số vấn đề có thể ảnh hưởng đến tâm trí cử tri Singapore trong cuộc bầu cử.

Sức mạnh của đảng cầm quyền

Đảng Hành động Nhân dân cầm quyền (PAP) đang kêu gọi sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Singapore để đưa đảo quốc sư tử vượt qua “cuộc khủng hoảng thế hệ” với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, trong khi các đảng phái đối lập dấy lên lo ngại về một khả năng “xóa sổ” tiềm tàng.

Vậy quan điểm nào có nhiều khả năng ảnh hưởng đến cử tri?

Hôm đầu tuần, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, PAP đã liệt kê những thách thức mà Singapore đang phải đối mặt và kế hoạch của đảng nhằm vượt qua chúng. Theo ông, các nhà đầu tư, bạn bè cũng như địch thủ của Singapore cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng kết quả bầu cử và hành động theo kết luận của họ. Ông nói: “Chúng ta có thể biến tất cả kế hoạch này thành hiện thực hay không? Điều đó phụ thuộc vào việc bạn có trao nhiệm vụ điều hành đất nước cho tôi và đảng PAP nữa hay không”.

Tuy nhiên, các đảng đối lập, đáng chú ý nhất là lãnh đạo đảng Lao động (WP) Pritam Singh lại cảnh báo về “sự xóa sổ” phe đối lập có thể xảy ra. Ông cho rằng, việc tổ chức bầu cử giữa tâm điểm khủng hoảng Covid-19 có thể khiến cử tri ủng hộ đảng cầm quyền đương nhiệm. Nhà lãnh đạo này nhận định, ngay cả khi PAP mất 1/3 trong số 93 ghế được bầu tại Quốc hội, quyền lực của đảng này vẫn rất mạnh.

Tác động của Covid-19

Trong bối cảnh, dịch viêm đường hô hấp cấp lây lan mạnh trên toàn thế giới, không chừa đảo quốc sư tử, nhiều người đặt ra câu hỏi, đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn của cử tri Singapore tại các hòm phiếu ra sao?

Các đảng đối lập luôn chỉ trích cách xử lý khủng hoảng của Chính phủ Singapore, đồng thời đặt câu hỏi về quyết định tổ chức tổng tuyển cử hiện nay. Một số vấn đề nóng có thể kể đến là số ca nhiễm tăng cao ở các khu chung cư dành cho người lao động nhập cư nước ngoài hay việc Bộ Y tế trở lại lời khuyên trước đó với người dân rằng chỉ những ai dương tính với Covid-19 mới phải đeo khẩu trang… Lâu nay, Singapore luôn được đánh giá là quốc gia có hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới. Trên thực tế, trong thời gian đầu dịch bệnh bùng phát, các cơ quan chức năng Singapore đã đối phó với dịch rất tốt. Tuy nhiên, dịch bất ngờ tái bùng phát và tăng nhanh từ tháng 3 đã phá hỏng gần như hoàn toàn thành quả, thậm chí ảnh hưởng nặng nề tới uy tín của Chính phủ Singapore do PAP lãnh đạo. 

Tuy nhiên, PAP giải thích rằng, kể từ đầu năm chính quyền đã bảo đảm nguồn cung cấp khẩu trang, tăng cường xét nghiệm và huy động mọi nguồn lực để đối phó với các ca lây nhiễm trong khu chung cư của người lao động nhập cư. Vì vậy, một số nhà quan sát nhận định, cử tri nhiều khả năng sẽ chọn “chuyến bay an toàn” trong bối cảnh Singapore sắp phải đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế. Trước đó, chính phủ hai lần phải viện tới các khoản dự trữ ngân sách quốc gia để hỗ trợ nền kinh tế.

Thế hệ lãnh đạo thứ 3 và thứ 4

Cử tri sẽ phản ứng thế nào với sự bảo đảm của Thủ tướng Lý Hiển Long rằng giới lãnh đạo cấp cao của PAP sẽ ở lại để giúp Singapore vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19?

Đối với PAP, cuộc bầu cử năm nay đánh dấu sự chuyển giao quyền lực sang thế hệ lãnh đạo thứ 4 (hay còn gọi là thế hệ lãnh đạo 4G) với nhiều gương mặt trẻ do Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt dẫn đầu. Thủ tướng Lý Hiển Long (thế hệ lãnh đạo thứ 3) từng tuyên bố sẽ nghỉ hưu sau cuộc bầu cử này, mở đường cho Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt lãnh đạo đất nước. Ngoài ra, một loạt chính trị gia lão luyện của PAP như cựu Thủ tướng Goh Chok Tong, Bộ trưởng Điều phối về cơ sở hạ tầng Khaw Boon Wan, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Yaacob Ibrahim hay cựu Bộ trưởng Nhân lực Lim Swee Say… cũng nhường lại sân khấu chính trị cho các gương mặt trẻ tuổi hơn. Năm nay, PAP ghi nhận tới 27 gương mặt ứng cử viên lần đầu tiên tham gia tranh cử.

Tuy vậy, Thủ tướng Lý Hiển Long cam kết, ông và các nhà lãnh đạo lão luyện khác sẽ vẫn sát cánh với Singapore vượt qua khó khăn thời gian tới, trong đó có những bộ trưởng thâm niên như Bộ trưởng Điều phối an ninh quốc gia Teo Chee Hean hay Bộ trưởng Điều phối chính sách xã hội Tharman Shanmugaratnam. Mặc dù các nhà lãnh đạo thế hệ 4G đã nổi lên trong vài tháng qua, một số cử tri Singapore vẫn có thể cảm thấy yên tâm hơn khi biết rằng những chính trị gia kinh nghiệm nhất đang “ở trên tàu”.

Thủ tướng Lý Hiển Long trong một chiến dịch tranh cử

Câu hỏi về nghị sĩ không qua bầu cử

Cuộc tranh luận về chương trình nghị sĩ phi tuyển khu (NCMP) sẽ xuất hiện trong tâm trí cử tri như thế nào? Như đã biết, thành viên Quốc hội Singapore bao gồm các thành viên đắc cử (được bầu thông qua các đơn vị bầu cử), các thành viên phi tuyển khu (không được bầu qua các đơn vị bầu cử) và các thành viên được chỉ định.

Thực tế, kế hoạch NCMP là chủ đề tranh luận gay gắt trong cuộc tổng tuyển cử năm nay. Thậm chí, các đảng đối lập còn chỉ trích nó là mưu đồ lôi kéo cử tri bỏ phiếu cho PAP. Trong khi đó, đảng cầm quyền phản bác rằng, chương trình này bảo đảm “sự hiện diện đáng kể cho phe đối lập” tại Quốc hội, bất kể điều gì xảy ra trong cuộc tổng tuyển cử. Vì thế, Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi cử tri Singapore không nên bỏ phiếu cho “ứng cử viên thỏa hiệp”.

Hiến pháp Singapore bảo đảm có ít nhất 12 thành viên thuộc phe đối lập, với quyền biểu quyết ngang với các nghị sĩ được bầu trong Quốc hội theo chương trình NCMP. Nghĩa là những ứng cử viên đối lập thất cử có số phiếu bầu cao nhất sẽ có cơ hội được dành ghế nghị sĩ nhằm bảo đảm con số trên.

Linh Anh