Khi chúng ta ở một nơi tĩnh lặng

- Chủ Nhật, 19/05/2019, 07:49 - Chia sẻ
Một đời người tưởng dài vô tận nhưng thực ra là rất ngắn ngủi, có khi chỉ như một chuyến đi ngắn ngày, tưởng thế gian quá rộng lớn nhưng chỉ có vài nơi chốn cho mình, tưởng có cả mấy tỷ người nhưng tri âm, tri kỷ thật quá ít ỏi...

1. Boston tháng 5 này lạnh hơn mọi tháng 5 trước khi tôi đến đây. Buổi sáng thức dậy lúc 5 giờ và ra ban công tầng 2 ngôi nhà của nhà thơ, dịch giả Nguyễn Bá Chung. Ban công này là nơi tôi vẫn ngồi uống cà phê và hút thuốc. Một nơi uống cà phê lý tưởng vì yên tĩnh vô cùng. Dưới vườn những con thỏ nâu dậy sớm đi ăn cỏ và sóc đuôi bông chạy nhảy vui vẻ trên cây. Lý tưởng hơn vì không có điện thoại, không có tiếng xe máy, không có công việc cơ quan, không công văn giấy tờ, không phải làm gì ngoài ngồi một mình yên tĩnh và nghĩ về mọi thứ. Hóa ra mình thật may mắn vì ở trên thế giới mênh mông và xa xôi này vẫn có một nơi chốn nào đó cho mình dù chỉ là một cái ban công nhỏ. Rồi đến một ngày mình chẳng còn cơ hội đến đây nữa. Đó là lúc mình đã già không thể đi xa được nữa hoặc mình đã khuất bóng trên thế gian này. Hoặc có thể đến một ngày nào đó mình trở lại đây mà chẳng có cơ hội đến ngồi trên cái ban công này mỗi sáng vì chủ nhân của ngôi nhà đã đổi thay hoặc đã đi về một chốn xa vời…


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tới thăm nhà thơ Kevin Bowen trong bệnh viện

“Qua những chuyến đi, tôi nhận thấy rằng: Khi mình ở một nơi đất khách quê người và trong tĩnh lặng tưởng như tột cùng ấy, mình mới nhận ra mình có những gì trong cuộc đời này và mình cần những gì cho cuộc sống của mình...”

Một đời người tưởng dài vô tận nhưng thực ra là rất ngắn ngủi, có khi chỉ như một chuyến đi ngắn ngày, tưởng thế gian quá rộng lớn nhưng chỉ có vài nơi chốn cho mình, tưởng có cả mấy tỷ người nhưng tri âm, tri kỷ thật quá ít ỏi. Đêm xuống, ngồi nói chuyện tới khuya với nhà thơ, dịch giả Nguyễn Bá Chung và nhà thơ, tiến sỹ Văn Cầm Hải. Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Bá Chung đã sống và làm việc ở Mỹ 48 năm; nhà thơ, tiến sỹ Văn Cầm Hải đã ở Mỹ hơn 10 năm. Thế nhưng mọi câu chuyện của chúng tôi lại chỉ là văn chương và mọi tình cảm và suy ngẫm lại trở về với cố hương cùng trăm ngàn những buồn vui, thất vọng và hy vọng.

Qua những chuyến đi, tôi nhận thấy rằng: Khi mình ở một nơi đất khách quê người và trong tĩnh lặng tưởng như tột cùng ấy, mình mới nhận ra mình có những gì trong cuộc đời này và mình cần những gì cho cuộc sống của mình. Lúc đó, nhiều thứ ở quê nhà đã xa vời. Cái mình cần ở chốn tĩnh lặng này không là danh tiếng, không là xe hơi nhà lầu, không là quyền chức… và ở một nơi chốn tĩnh lặng ấy, mọi ngờ vực, mọi tính toán, mọi đố kỵ, mọi hận thù… trở nên vô nghĩa. Chỉ còn nỗi nhớ những người thương yêu của mình là hiện hữu trọn vẹn, là da diết không nguôi và một thiên nhiên bao bọc và chia sẻ với mình.

Sáng ra, những con thỏ nâu và những con sóc nhìn tôi rất lâu và tiến gần đến tôi. Phải chăng chúng nhận ra tôi là người quen cũ và nhận ra sự không nguy hiểm đến từ tôi? Tôi cố tình đập mạnh tay vào ban công để xem những con vật kia phản ứng như thế nào. Nhưng không hề có sự giật mình từ chúng. Và tôi nhớ về những con vật như thế ở đất nước mình, những con vật luôn ngờ vực và cảnh giác trước con người và luôn giật mình bởi một tiếng động khác lạ nào đó. Chúng luôn ở trong tư thế chạy trốn và tẩu thoát. Và tôi lại nhớ những câu chuyện cổ tích nói về một thế giới mà người và nuông thú có cùng ngôn ngữ và sống chan hòa nhau. Nhưng những câu chuyện đó không phải là chuyện hoang đường mà là những câu chuyện có thật. Bởi ngay buổi sáng nay nếu kéo dài thêm và thêm nữa thì tôi và những con thỏ nâu, những con sóc kia sẽ bắt đầu trò chuyện với nhau cùng một ngôn ngữ. Nhưng con người đã giết chết sự kéo dài của những buổi sáng thanh bình và không dấu vết nào của sự nguy hiểm đã từng tồn tại trên thế gian này và đẩy đời sống con người vào những đau buồn và bao nỗi kinh hoàng.

2. Sáng 15.5.2019, nhà thơ, dịch giả Nguyễn Bá Chung và tôi vào thăm nhà thơ Kevin Bowen ở một trung tâm phục hồi chức năng sau cuộc phẫu thuật nguy hiểm của ông. Cuộc phẫu thuật lần một thất bại và ông bị đột quỵ. Ngay sau đó, các bác sỹ làm cuộc phẫu thuật lần hai. Ông đã vượt qua cái chết nhưng liệt nửa người. Bây giờ ông đã tỉnh và đã nói chuyện được nhưng đôi lúc giọng méo và có lúc phát âm rất khó khăn.

Nhìn ông nằm trên giường, tôi không tin đó là người đã bền bỉ đi gần hết cuộc đời mình trên con đường sáng tạo văn chương và lấy văn chương để kêu gọi con người xóa bỏ hận thù. Kevin Bowen là bạn thân của cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Nhớ thời John Kerry tranh cử Tổng thống Mỹ, có những chuyến đi đến một số bang để tranh cử, Kevin đã đi cùng John Kerry. Thi thoảng Kevin lại viết thư cho tôi  và nói ông đã đi cùng John Kerry đến bang nào. Và lúc nào Kevin cùng mong John Kerry trở thành Tổng thống Mỹ vì theo ông nghĩ “sẽ rất có lợi cho quan hệ hai nước Việt Nam và Mỹ’’. Tôi cũng mong như thế và nửa đùa nửa thật nói với Kevin rằng, nếu vậy tôi sẽ viết thư cho John Kerry kêu gọi ông cử Kevin Bowen làm Đại sứ của Mỹ tại Việt Nam để thi thoảng ngài Đại sứ Kevin lái xe vào Hà Đông quê tôi uống cà phê và bàn luận văn chương với chúng tôi.

Những năm tháng quan hệ Mỹ và Việt Nam còn băng giá, Kevin đã nỗ lực hết sức để cùng các trí thức và nhân dân Mỹ kêu gọi chính phủ Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam. Có những cựu binh Mỹ ủng hộ chính phủ Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã viết thư cho Kevin nói rằng nếu Kevin tiếp tục ủng hộ xóa bỏ cấm vận Việt Nam họ sẽ hãm hại vợ ông. Kevin đã phải đổi điện thoại, chuyển nhà để bảo đảm an toàn cho vợ con ông. Nhưng ông không khuất phục. Ông tin vào con đường ông đã chọn. Năm 2017, Kevin được thành phố Boston, thủ phủ bang Massachusetts tôn vinh ông với một ngày gọi là “Ngày Kevin Bowen’’. Một trong những lý do mà Kevin được chọn ghi rõ trong quyết định của Thị trưởng thành phố Boston là: “Bởi ông (nhà thơ Kevin Bowen) đã làm cho người Mỹ hiểu sâu sắc hơn nền văn hóa Việt Nam”.

Trong rất nhiều năm trước kia, cứ vào mùa hè, ngôi nhà của Kevin lại đón các nhà văn Việt Nam đến dự hội thảo văn học tại trường Đại học Massachusetts. Các nhà văn đến đều ở trong ngôi nhà của Kevin. Và trong suốt một tháng trời, ngôi nhà của một người Mỹ đầy mùi thuốc lào và mùi nước mắm nấu ăn của các nhà văn Việt Nam. Họa sỹ Lê Thiết Cương đã có một câu nói rất hay về mùi súng đạn trong chiến tranh và mùi nước mắm, thuốc lào trong thời bình ở ngôi nhà của nhà thơ, cựu binh Mỹ Kevin Bowen. Chỉ như thế thôi đã thấy Kevin yêu những người Việt Nam đến nhường nào. Một tình yêu mà tôi chứng kiến và tìm cách trả lời nhưng chẳng bao giờ thỏa đáng.

Tôi đã đến thăm Kevin nhiều lần trong những năm tháng trước kia nhưng đây là chuyến đến thăm khó khăn nhất và khó diễn tả nhất của tôi từ khi tôi quen biết ông từ năm 1990. Ông nằm trên giường và khi thấy tôi, người ông rướn lên như muốn ngồi dậy. Nhưng ông bất lực. Ông khẽ kêu tên tôi và đôi mắt như đã khóc từ rất lâu. Tôi ôm lấy ông và chỉ biết nói: “Anh phải khỏe, anh phải trở lại bình thường”. Tôi nhấn mạnh chữ “Phải” và Kevin run rẩy nhắc lại “Phải. Tôi chuyển thư của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam do nhà thơ Hữu Thỉnh viết và quà của Hội Nhà văn cho Kevin, rồi quà của thi sỹ Nguyễn Quyến, quà của nghệ sỹ Chu Lượng, quà của anh Trịnh Hữu Sỹ (đó là những người bạn Hà Đông của ông). Và tôi lại nhớ tới lá thư ông viết cho tôi hơn mười năm trước: “Thiều thân mến, chiều qua tôi và con gái tôi trèo lên một quả đồi và tôi nghe thấy tiếng chó sủa ở Hà Đông’’. Ông hay nói đến tiếng chó sủa vì đó là tiếng chó sủa trăng trong một bài thơ của tôi mà ông rất thích. Kevin giữ chặt những lá thư và những món quà trên ngực ông. Ông im lặng một hồi lâu. Ký ức ông đang trở về năm tháng xưa với những người bạn Việt Nam mà ông tôn trọng và yêu quý.

Và lúc này, trong tôi lại vang lên những câu thơ của ông về trà sen Hà Nội:

“Đêm nay đêm trà sen
Dâng chén, dâng ngang mày
Gương mặt người ẩn hiện
Trong hương trà mờ bay”

Và những câu thơ về tiếng hát, tiếng đàn trên sông Hương của kinh thành Huế :

“Một người già tóc bạc
Cười vào trong tiếng đàn
Và một nàng ca sỹ
Hát những lời mênh mang
Nàng đẹp hơn tiên nữ
Làm vầng trăng tối sầm”

Kevin không phải là người Việt Nam nhưng ông đã yêu Việt Nam hơn nhiều người Việt Nam. Và tôi nhớ đến câu chuyện tôi không nghĩ ra tên cho tập tuyển thơ Việt Nam mà tôi cùng Kevin và nhà thơ, dịch giả Nguyễn Bá Chung tham gia dịch thì Kevin đã đặt tên cho tập thơ là “SÔNG NÚI” với lời giải thích rằng bài thơ thần (được cho là của Lý Thường Kiệt) là bản tuyên ngôn bất diệt của người Việt Nam với những đội quân xâm lược: “Sông núi nước Nam vua Nam ở’’….

Tùy bút của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (từ Mỹ)