Khi ca trù...trở thành di sản

- Thứ Bảy, 26/03/2011, 07:44 - Chia sẻ
Theo Quyết định số 4. Com, ngày 14.12.2009 của UNESCO, ca trù đã được ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tuy nhiên, đã 2 năm trôi qua, các giải pháp nhằm bảo vệ ca trù hình như không hề “khẩn cấp”... Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan - người trực tiếp tiến hành khảo sát, nghiên cứu và lập hồ sơ ca trù trình UNESCO cách đây 2 năm cảnh báo: “nếu không nhanh chóng có những hành động, chính sách đối với ca trù và nghệ nhân ca trù thì chẳng bao lâu nữa ca trù chỉ còn lại thời vang bóng”...

Giải pháp bảo vệ ca trù...

Theo Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, ca trù đang đứng trước 3 nguy cơ lớn: thứ nhất là số lượng nghệ nhân không còn nhiều (cả nước chỉ còn 21 nghệ nhân ca trù, trong đó có 12 nghệ nhân còn đủ sức khỏe để tiếp tục truyền dạy), vốn di sản về ca trù cũng theo đó mà rơi rụng; thứ hai là cộng đồng ngày càng ít cơ hội được tiếp cận với môn nghệ thuật này và thứ ba là không gian biểu diễn của ca trù ngày càng mất dần đi...


Nguồn: baodatviet.vn

Trước thực tế đó, cách đây 2 năm, ngay khi ca trù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, ngành VH, TT và DL đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể để bảo vệ ca trù, cụ thể là: tiến hành kiểm kê và hệ thống hóa các tư liệu ca trù ở các địa phương có ca trù; nghiên cứu và xuất bản sách về nghệ thuật hát ca trù; xây dựng giáo trình đào tạo ca trù, đưa nghệ thuật ca trù vào giảng dạy trong các Học viện Âm nhạc ở Việt Nam; dịch thuật gần 4.000 trang các tài liệu Hán Nôm về ca trù, xuất bản cuốn sách: “Tuyển tập các tư liệu Hán Nôm về Ca trù”; phục hồi một số di tích liên quan tới ca trù; tổ chức các liên hoan ca trù toàn quốc và khu vực... 

Bên cạnh đó, ca trù sẽ được tiến hành phục hồi và truyền dạy bằng cách hỗ trợ 12 nghệ nhân ca trù lão thành; tổ chức 14 lớp truyền dạy ca trù chuyên sâu tại 14 địa phương có ca trù... và tổ chức các lớp phổ cập ca trù tại các địa phương; truyền bá và phổ cập nghệ thuật ca trù trong các trường phổ thông và đại học bằng cách xây dựng các chương trình hoạt động ngoại khóa để tìm hiểu, làm quen với nghệ thuật ca trù; biên soạn, in ấn các tài liệu giới thiệu về ca trù phù hợp với các cấp học từ THCS đến đại học...

... vẫn còn trên giấy

Thế nhưng 2 năm sau khi ca trù được ghi danh, thì cũng là thời gian ca trù rơi vào im ắng. Chưa có bất kỳ một chính sách nào từ ngành chủ quản cho ca trù vào cuộc sống. Nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Bùi Trọng Hiền bức xúc: “không hiểu sao đến giờ này, 2 năm rồi mà không có động thái nào cho việc bảo tồn và phát triển ca trù - khi nó đã được liệt vào danh sách cần được bảo vệ khẩn cấp”. Nhiều ý kiến cũng bày tỏ: đành rằng, ca trù không phải là nghệ thuật có thể thương mại hóa hay sinh hoạt phổ dụng như nhiều môn nghệ thuật khác, nhưng không phải là không thể làm, không có người làm. Điều quan trọng là ngành chủ quản có thấy đó là điều khẩn cấp hay không?

 Một trong những vẫn đề cấp thiết khi ca trù thành di sản văn hóa nhân loại là việc tôn vinh những nghệ nhân, đồng thời phải tạo được cơ hội để các nghệ nhân truyền dạy di sản cho nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ... Theo thống kê, cả nước hiện chỉ còn 21 nghệ nhân ca trù, trong đó có 12 nghệ nhân còn đủ sức khỏe để tiếp tục truyền dạy. Nếu không sớm có những chính sách và giải pháp cụ thể, nguy cơ thất truyền của ca trù không còn là cảnh báo nữa. Được biết, ngành chủ quản đang soạn thảo những văn bản, chính sách về việc công nhận nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể và xây dựng các chính sách ưu đãi để sớm tôn vinh các nghệ nhân, đặc biệt là nghệ nhân cao tuổi. Tuy nhiên, việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú (theo kế hoạch) phải chờ đến 2.9 năm nay mới tiến hành công nhận đợt 1...

Bên cạnh đó, điều vô cùng quan trọng là cần phải tạo “đất sống” cho ca trù... Theo thống kê, trước khi ca trù được công nhận là di sản văn hóa nhân loại, có 22 CLB ca trù đang hoạt động. Trong đó phải kể đến: CLB ca trù Thái Hà với địa điểm diễn ở Thụy Khuê, Văn Miếu; CLB ca trù Hà Nội diễn ở Bích Câu; CLB Thăng Long ở đình Giảng Võ; CLB ca trù UNESCO ở Bảo tàng Dân tộc học; Trung tâm Văn hóa ca trù Thăng Long diễn tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam... Rồi một lớp ca trù do ca nương Phạm Thị Huệ khởi xướng trong sự truyền dạy của kép đàn Nguyễn Phú Đẹ và nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc được Quỹ Ford tài trợ. Tất cả những người sáng lập, cũng như các đào nương ở các CLB, các trung tâm đều có chung tâm nguyện đưa ca trù trở thành một loại hình nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp...

Thế nhưng 2 năm sau khi ca trù được ghi danh, thì hầu hết các CLB ca trù lịch diễn cầm chừng; lớp học ca trù của Quỹ Ford kết thúc dự án; Trung tâm Văn hóa ca trù Thăng Long gần như giải thể với lý do vắng khách... Hiện đang có một thực tế là các đào nương vì chạy theo thu nhập nên đã bỏ các CLB, trung tâm để chạy sô theo các tua du lịch, lễ hội. Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi của CLB ca trù Thái Hà cho biết: khi ca trù được công nhận là di sản thì cũng là lúc tần xuất diễn của CLB ca trù gia đình ông giảm đi và hầu hết các CLB ca trù khác cũng rơi vào tình trạng như vậy...

Tới đây, xin mượn lời một chuyên gia về lĩnh vực văn hóa để kết thúc cho bài viết này: cần nhớ rằng, khi các di sản được UNESCO vinh danh kèm theo khuyến cáo “cần được bảo vệ khẩn cấp” thì niềm vui và nỗi buồn ngang nhau. Vui thì đã rõ, và buồn vì nó là của ta, mà lại để người ta nhắc nhở cần bảo vệ khẩn cấp, nếu không khẩn cấp, nó sẽ tuột khỏi tay ta...

Điều quan trọng nhất là quốc gia và cộng đồng cần có trách nhiệm

Di sản cần được bảo vệ khẩn cấp là do các những điều kiện khách quan của lịch sử, di sản đó đã bị mai một, mất mát. Đây là một sự ưu tiên của UNESCO để di sản được quan tâm hơn và được ưu tiên bảo vệ tốt hơn…

Theo Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH, TT và DL Lê Thị Minh Lý: đối với những di sản cần được bảo vệ khẩn cấp, thì chúng ta có thể sẽ xin được hỗ trợ, nhưng có lẽ là không nhiều bởi UNESCO là tổ chức phi chính phủ, chỉ có làm nhiệm vụ liên kết thôi. Còn việc giúp chúng ta tìm nguồn tài trợ thì chúng ta phải đề xuất, thể hiện ở các dự án. Nếu các dự án đó đáp ứng được yêu cầu của nhà tài trợ thì có thể chúng ta sẽ xin được nguồn tài trợ để bảo tồn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là quốc gia và cộng đồng cần có trách nhiệm.

Mỹ Thuần