Khen - chê đúng cách

- Thứ Ba, 14/07/2020, 07:42 - Chia sẻ
Một bức ảnh trên mạng (chưa được kiểm chứng là thật hay sử dụng photoshop) với hình ảnh cậu bé "lạc lõng" trong một lớp học mà tất cả các bạn đều giơ giấy khen để ai đó chụp. Lý do vì sao cậu không được nhận giấy khen chưa rõ.

Những dữ liệu của bức ảnh không nhiều. Nhưng bức thư ngỏ của người thầy - một giảng viên cao cấp Khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội (cũng chưa được kiểm chứng) thì đọng lại rất nhiều cảm xúc... Bức thư viết: "Khi xem bức ảnh này, thầy thực sự bị sốc. Thầy buồn không phải vì em không được giấy khen mà vì người chụp ảnh, vì nhà trường chưa làm cho học sinh học giỏi (theo đúng nghĩa thực chất). Thầy mong em đừng buồn vì không được giấy khen. Đối với thầy, tờ giấy khen không có nhiều ý nghĩa, chưa nói lên điều gì lớn lao. Những bạn được giấy khen không hẳn thông minh hơn em. Cuộc sống cho thấy, những người được nhiều giấy khen hồi học phổ thông chưa bảo đảm trong tương lai sẽ thành công hơn những người không được giấy khen. Hồi đi học, thầy cũng ít khi được giấy khen.

 Em đừng so sánh mình với những bạn được giấy khen. Các bạn đó hơn em ở kết quả học tập, nhưng có thể thua em ở lĩnh vực khác. Nếu em tặng cho các bạn đó cái bắt tay, cái ôm chúc mừng chân tình thì thật tuyệt. Em hãy nói, năm học tới tớ sẽ cố gắng và các bạn giúp tớ nhé. Không được giấy khen năm học này, nếu tự tin và cố gắng trong năm học mới, em sẽ thành công!

Con người ta ai cũng thông minh em ạ. Thầy tin rằng, em cũng thông minh. Điều quan trọng là hãy tự nhìn lại năm học qua để thấy bản thân mình đã cố gắng học tập chưa, đã gặp những khó khăn gì và khi gặp khó khăn đã biết hỏi thầy, hỏi bạn, hỏi cha mẹ chưa... Thầy nghĩ, chẳng qua, trong năm học qua, có thể bản thân em chưa cố gắng đúng mức và thầy cô, cha mẹ chưa giúp được em phát triển trí thông minh.

Thầy chúc em năm học tới sẽ được học với thầy cô có tâm và chuyên môn giỏi - đó điều may mắn trong cuộc đời mà không phải ai cũng có được...

Thầy chúc em học tập, rèn luyện tốt trong năm học mới!

Yêu và tin em!"

Còn nhớ, tại một phiên tòa xét xử việc gian lận điểm thi diễn ra mới đây, một bị cáo - trước đây cũng là thầy, là cô đã nói: "Ai cũng gù, mình thẳng lưng là khuyết tật". So sánh trong trường hợp này là khập khiễng nhưng ở chừng mực nào đó lại phản ánh đúng thực trạng về bệnh thành tích hiện nay. Thực trạng này, như ý kiến của một Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ khi trả lời báo chí là từ năm 2006, ngành giáo dục đã nhận diện được và đã đặt vấn đề chống bệnh thành tích nhưng dường như “căn bệnh mãn tính” này không giảm được bao nhiêu và việc chống thành tích còn khó khăn... Vị Phó Chủ nhiệm này nhấn mạnh, đã là bệnh thì không bệnh nào tốt, và đã là bệnh thì sẽ tác động tiêu cực, không có chuyện tác động tích cực. Với giáo dục, nếu chỉ chú trọng thành tích sẽ không quan tâm đúng mức đến thực chất, chỉ quan tâm đến bề nổi; nếu chỉ quan tâm đến những chỉ số nổi thì sẽ không quan tâm đến chất lượng... Nếu không chú trọng thực chất, bản thân giáo dục văn hóa cũng không đạt kết quả như mong muốn vì quá chú trọng đánh giá điểm số, kết quả của các kỳ thi nên không chú trọng xem học sinh có thực sự nắm được kiến thức, có thực sự hiểu, thực sự nhớ lâu hay không, kiến thức đó có vận dụng được vào cuộc sống hay không...

Khen đúng cách đã khó. Chê đúng cách còn khó hơn vạn lần, nhất là đối với con trẻ, nhất là trong lĩnh vực "trồng người". Tấm ảnh - bức thư ngỏ - hy vọng đây chỉ là những sản phẩm của công nghệ.

Linh Trang