Đường nối Hà Giang với cao tốc Hà Nội - Lào Cai:

Khát vọng cho phát triển

- Thứ Năm, 31/05/2018, 08:00 - Chia sẻ
Trong phiên giám sát tối cao của Quốc hội về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DNNN, GS.TS. Nguyễn Anh Trí (ĐBQH TP Hà Nội) đã đặt ra câu chuyện đường sá ở Tây Bắc, Tây Nam bên cạnh dự án “bột nở” nạo vét sông Sào Khê với hàm ý cần tập trung nguồn lực đầu tư cho hệ thống giao thông các vùng này. Tỉnh miền núi phên dậu cực Bắc Hà Giang đang khao khát có con đường nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai để tạo động lực mở toang cánh cửa thoát nghèo.

Hạ tầng đi trước một bước

Đại biểu Nguyễn Anh Trí dẫn chứng cụ thể, cao nguyên đá Đồng Văn và hoa tam giác mạch giờ là thương hiệu mạnh của Hà Giang. 4 huyện vùng cao rất cần nâng cao năng lực giao thông để thu hút khách du lịch, không có lý gì không giúp. Đại biểu cũng cho rằng, cao tốc Hà Nội - Lào Cai cần trở thành dự án giao thông “gốc” để các địa phương Tây Bắc bám vào cùng phát triển.

Cuối năm 2017, sau khi đi thực tế tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất quan điểm về hướng đi chính là nông nghiệp hữu cơ, dược liệu, du lịch và kinh tế cửa khẩu trong tương lai cho địa phương này. Và vượt lên tất cả để nâng đỡ cho quá trình đổi mới, Hà Giang cần có hệ thống hạ tầng đồng bộ, trong đó có giao thông, để giảm thiểu thời gian kết nối từ cảng quốc tế Hải Phòng, Quảng Ninh hay từ Thủ đô Hà Nội. Chính Thủ tướng cũng thúc giục Hà Giang chủ động mọi việc, bởi từ chủ trương đến hiện thực là bước đi không hề dễ dàng.


Lãnh đạo tinh Hà Giang báo cáo Đoàn công tác phương án xây dựng đường nối cao tốc Hà Nội -  Lào Cai trên bản đồ

Mới đây, Đoàn công tác Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã khảo sát thực tế tại điểm đấu nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai tại thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) và một số nội dung liên quan đến Dự án “Đường nối Hà Giang với cao tốc Hà Nội - Lào Cai” theo Văn bản số 615/TB-VPCP, ngày 29.12.2017 của VPCP thông báo Kết luận của Thủ tướng. Lãnh đạo Sở GT - VT Hà Giang cho biết, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (Bộ GT - VT) đã đề xuất 4 phương án và UBND tỉnh cũng thống nhất phương án số 2 để trình Chính phủ.

Tổ trưởng Tổ Tư vấn về kinh tế của Thủ tướng - TS. Vũ Viết Ngoạn nhận định, hệ thống đường cao tốc đang phát huy hiệu quả đối với sự phát triển của cả nước. Trong điều kiện nguồn lực đất nước đang được tính toán kỹ lưỡng như hiện tại, Hà Giang cũng cần nghiên cứu phương án, chọn hướng tuyến khả thi, sao cho chiều dài tuyến được rút ngắn nhất và thuận lợi nhất. Các nút giao liên thông phải được bố trí kết nối với các khu trung tâm hành chính, các khu công nghiệp, cùng với các đường ngang tạo thành mạng lưới giao thông hợp lý, giúp phát triển các khu vực.

Theo phương số 2, Dự án đường nối Hà Giang với cao tốc Hà Nội - Lào Cai được đề xuất có điểm đầu là nút giao IC14, Km 149 + 705 (cao tốc Hà Nội - Lào Cai) ở khu vực Thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên, Yên Bái) và điểm cuối giao với Quốc lộ 2 tại lý trình Km235 + 700 thị trấn Việt Quang (huyện Bắc Quang, Hà Giang) với tổng chiều dài 83km. Tuyến đi qua các điểm khống chế như cầu vượt sông Hồng, qua đèo (hoặc hầm) Tân Nguyên, cầu vượt sông Chảy với các nút giao với thị trấn Yên Thế, Lục Yên, Yên Bái, nút giao với Quốc lộ 70...

Cấp bách phá thế cô độc

“Hà Giang cần thể hiện quyết tâm bằng cách thành lập ngay một tổ công tác đặc biệt, đồng thời tổ chức các mũi bám sát bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ dự án nối Hà Giang với cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Chúng ta mất 15 năm mới hoàn thành cao tốc Hà Nội - Lào Cai, vậy Hà Giang phải bắt tay vào công việc với sự phân công rất cụ thể, nếu không bỏ lỡ kế hoạch đầu tư công trung hạn như luật định”.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư BÙI QUANG VINH

Quả thật, trong các địa phương miền núi phía Bắc, Hà Giang, Lai Châu và Cao Bằng có lẽ vẫn là những tỉnh khó khăn nhất, đặc biệt là về giao thông. Một nguyên lãnh đạo tỉnh Hà Giang chia sẻ, lâu nay con đường huyết mạch từ Hà Giang xuống dưới xuôi chính là Quốc lộ 2 với quy mô hai làn xe. Nếu như trước đây mỗi ngày chỉ có khoảng 10 xe container đi qua đây, thì nay có hàng trăm xe trở các loại nông, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhờ đó, thu ngân sách của tỉnh năm 2017 đạt mức kỷ lục 1.900 tỷ đồng. Và dự kiến, kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu Thanh Thủy năm nay có thể lên tới 4 tỷ USD. Chưa kể xe tải cỡ lớn vận chuyển nông sản của Hà Giang xuống Hà Nội cũng chạm số lượng tương tự.

“Có một thực tế là vì container quá nhiều nên Hà Giang đang vô tình mất đi rất nhiều khách du lịch. Vì sao? Vì họ ngại đồng hành hoặc tham gia giao thông ngược chiều trên cung đường quanh co với phương tiện tải trọng lớn. Ngay cả chúng tôi là nhà đầu tư mỗi lần lên Hà Giang cũng e ngại thực trạng trên. Như Thủ tướng đồng tình, rằng Hà Giang cần tập trung cho biên mậu, tiêu thụ nông sản và du lịch, cũng rất mong Thủ tướng có quyết sách sớm để hạ tầng giao thông Hà Giang tăng nhanh năng lực” - một nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch ở Cao nguyên đá Đồng Văn chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, tỉnh đã mời nhà tư vấn quốc tế Mc Kinsey và Đại học Fulbright nghiên cứu tư vấn về địa bàn phát triển kinh tế, và riêng cho du lịch tại 4 huyện vùng cao là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Trên cơ sở đó, hàng loạt nhà đầu tư lớn như TH, Thiên Minh, Sun Group, Tonkin… đã lên và được tạo điều kiện để tiến hành khảo sát, thậm chí đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án theo cam kết sau đó. Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện các định hướng hạ tầng còn yếu nên rất khó để tỉnh thu hút đầu tư, tạo hình ảnh và chuỗi giá trị tổng thể, thống nhất.

“Đối với vấn đề giao thông, Hà Giang tha thiết đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ dự án đường nối Hà Giang - cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Khi dự án giao thông này hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội lên Hà Giang từ 6 tiếng xuống còn 3 tiếng rưỡi, mở toang các vùng nông sản trọng điểm của Hà Giang ra bên ngoài và kéo khách du lịch, nhà đầu tư đến với địa phương. Nói trao đường cũng chính là trao cơ hội cho Hà Giang chính là như vậy” - Chủ tịch Nguyễn Văn Sơn kiến nghị.

LÊ TÙNG