Chính sách và cuộc sống

Khát vọng bứt phá!

- Thứ Bảy, 14/09/2019, 07:44 - Chia sẻ
Kinh tế tăng trưởng, đất nước đi lên bền vững là mục tiêu phải hướng đến để một Việt Nam thịnh vượng hùng cường đi nhanh vào hội nhập, không thua bạn, kém bè!

Nói đến phát triển bền vững là nói đến tư duy, lý luận phải quyện chặt trong chiến lược của một tầm nhìn xa dài gắn với thực tiễn. Tầm xa ấy phải bắt đầu từ những gì đang làm từ hôm nay để hoạch định cho ngày mai. Đó chính là câu chuyện quy hoạch  tổng thể quốc gia phải đi trước. Chính phủ vừa giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu soạn thảo văn bản để Chính phủ ban hành nghị quyết về phát triển bền vững. Nhìn lại thì đâu có thiếu những hội nghị, hội thảo, những văn bản, chính sách đã nói đến hai tiếng “bền vững”. Nhưng vấn đề đặt ra chính là việc các bộ, ngành phải tự soi lại trách nhiệm quản lý nhà nước ở lĩnh vực được trao đã tròn trách nhiệm chưa? Nói đến phát triển bền vững trước hết phải nói đến quy hoạch tổng thể quốc gia, nói đến quy hoạch từng vùng, từng tỉnh, thành phố, từng lĩnh vực thế nào? Quy hoạch bị nắn vuốt, bị chỉnh sửa, thậm chí có nơi bị băm nát cũng vì không có quy hoạch tử tế. Một thời mở dự án, chạy dự án loạn xạ, bạc tiền Nhà nước đầu tư vào nhiều chỗ không hiệu quả đang là gánh nặng cho đất nước. Nhưng nóng hơn cả vẫn là việc quản lý sử dụng bạc tiền nhà đất công sản quốc gia còn những lỗ hổng không nhỏ. Nhìn những khu đất vàng ở các thành phố lớn lọt vào tay tư nhân trong những ký kết sang nhượng bán mua trái luật không thể không xa xót.

Nhìn thẳng về những bất cập đang cản lại bước đi lên bền vững, Bộ Chính trị đã chỉ đạo phải có chiến lược mới, cách làm mới trong thu hút đầu tư FDI. Rõ ràng một thời tỉnh này, thành phố kia đua nhau trải thảm vẫy gọi, nhưng thiếu chọn lọc, thẩm định, bây giờ cũng đang gánh trên vai những hệ lụy không hề nhỏ. Rõ ràng không thể hào phóng trao quá nhiều đất cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư, mà không biết hiệu quả ra sao.

Chuyện đi vay vốn nước ngoài về cho các dự án ở các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố cũng cần tỉnh táo không thể để cho đối tác cho vay vốn áp đặt phải mua thiết bị của họ, phải chỉ định thầu cho họ làm với những cam kết hớ hênh. Và, cuối cùng chúng ta là những người “nắm dao đằng lưỡi” như những dự án  đội vốn quá khủng, thi công ỳ ạch như rùa kia.

Không bền vững chính là ở những tư duy chưa đủ tầm đủ độ, ở cách làm còn hớ hênh, cách quản lý, giám sát còn quá lỏng. Cần chỉ thẳng đó là sự phối hợp của các bộ, ngành chưa tròn trách nhiệm. Hãy nhìn về những việc cần sự phối hợp liên bộ, ngành. Có không tư tưởng đùn đẩy. Có không tâm thế chờ đợi nhau. Có không việc to nhỏ gì cũng dồn lên Thủ tướng? Phát triển chưa bền vững, nhìn với nhiều góc độ còn là những chính sách ban ra như còn “đá chân nhau”. Có cả những quy định của luật pháp mà văn bản pháp quy chưa thống nhất, rõ ràng mỗi nơi hiểu theo một kiểu, làm theo một cách.

Phát triển chưa bền vững đừng đổ thừa cho khách quan mà không chịu soi vào chính mình, nhìn thẳng vào chính mình với những tư duy còn xa thực tế. Mọi việc đều do con người, từ con người, vậy các bộ, ngành, các cấp chính quyền hãy rà soát lại việc chọn người ở từng lĩnh vực đã chọn đúng người xứng tầm chưa? Vì sao có chuyện bóp méo quy hoạch, vì sao có chuyện những ký tá vội vàng buổi hoàng hôn? Có không những dự án vẽ ra vì chạy theo tư duy nhiệm kỳ? Có không đây đó lãnh đạo các tỉnh, thành phố còn bị mối quan hệ của lợi ích nhóm vụ lợi chi phối, bị các doanh nghiệp đại gia dắt tay.

Bền vững một quốc gia hơn hết vẫn là  sự bền vững trong lòng dân, nhìn từ niềm tin của người dân! “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”! Nghị quyết về sự bền vững của đất nước xa dài mà Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo cũng phải từ bài học lấy dân làm gốc, từ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia bài bản và khoa học đừng để chậm trễ nữa. Phải có tâm thế đĩnh đạc, chủ động nắm bắt thời cơ hội nhập với cách nhìn xa dài.

Phía trước là một Việt Nam đang khát vọng bứt phá nhanh hơn!

Đăng Quang