Khẳng định giá trị thương hiệu hồng không hạt Bắc Kạn

- Thứ Ba, 24/09/2019, 08:06 - Chia sẻ
Là cây bản địa, được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, hồng không hạt đã và đang là loại cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thoát nghèo. Hiện, địa phương đang khuyến khích phát triển theo hướng tăng năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị thương hiệu, tạo vùng sản xuất hàng hóa quy mô hơn.

Trồng theo quy trình VietGAP

Được biết đến là địa phương có nhiều cây trồng đặc sản như chè Shan tuyết, lúa bao thai, cam, quýt… Trong đó, hồng không hạt đang là một trong những sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP, với nhiều tiềm năng phát triển để trở thành cây trồng chủ lực tại huyện Chợ Đồn. Thực tế, với lợi thế dễ trồng, giá trị kinh tế cao, nhiều hộ nông dân tại các địa phương này đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng hồng. Cụ thể, khoảng 2 năm trở lại đây, diện tích trồng mới hồng không hạt ở địa phương tăng gần 100ha. Đến nay, toàn huyện đã có gần 300ha trồng hồng không hạt, diện tích cho thu hoạch hơn 100ha…

Theo Chủ tịch UBND huyện Hà Sỹ Huân, năm 2018, Chợ Đồn định hướng phát triển sản xuất theo hướng VietGAP với diện tích 20ha, đồng thời tập trung cải tạo, tăng năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế diện tích hồng không hạt hiện có. “Hiện, đã có hơn 3ha hồng không hạt của HTX Tân Phong tại xã Quảng Bạch được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Hợp tác xã còn ươm giống, cung ứng dịch vụ, bao tiêu quả hồng cho bà con và dự kiến đầu tư dây chuyền chế biến sản phẩm từ hồng không hạt Bắc Kạn. Đây là điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho cây hồng không hạt của địa phương”, ông Huân chia sẻ.

Cũng như huyện Chợ Đồn, nhờ có thổ nhưỡng phù hợp, toàn huyện Ba Bể có hơn 260ha hồng không hạt, trong đó diện tích cho thu hoạch là 205ha, sản lượng ước đạt 820 tấn. Diện tích trồng ban đầu chỉ tập trung ở một số xã như Hà Hiệu, Bành Trạch, Địa Linh, Khang Ninh, nay mở rộng đến các xã Cao Trĩ, Quảng Khê, Đồng Phúc, Hoàng Trĩ... Phó Chủ tịch UBND huyện Lưu Quốc Trung cho biết: So với cây trồng khác, hồng không hạt mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định. Nhờ chuyển đổi cây trồng, đưa các giống hồng năng suất, chất lượng tốt vào trồng đã góp phần đưa huyện ra khỏi danh sách huyện nghèo giai đoạn 2016 - 2020.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa cho biết: Từ việc duy trì giống hồng bản địa gần 100 năm và nỗ lực khôi phục, phát triển cây đặc sản bản địa, năm 2010, hồng không hạt Bắc Kạn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. “Sau khi được công nhận thương hiệu chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hồng không hạt Bắc Kạn tiếp tục khẳng định giá trị thương hiệu, ngày càng được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Năm 2013, được công nhận là sản phẩm nằm trong top 100 nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam do Trung ương Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cùng Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo bình chọn”, bà Hoa thông tin.

Gian hàng giới thiệu hồng không hạt Bắc Kạn tại Hà Nội Ảnh: Thanh Bình

Chắp cánh thương hiệu bay xa

Với mục tiêu đưa hồng không hạt trở thành nông sản có thương hiệu mạnh, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm, chú trọng phát triển loại cây này. Cụ thể, để mở rộng diện tích cây hồng, tỉnh đã triển khai một số đề tài, dự án nhằm đánh giá, tuyển chọn cây đầu dòng, nhân giống, xây dựng mô hình thâm canh, cải tạo, phục tráng hồng, xây dựng được các vườn ươm… Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chia sẻ: Hiện, toàn tỉnh có gần 820ha hồng không hạt, được trồng phân tán chủ yếu ở các huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Ngân Sơn, với sản lượng dự kiến năm 2019 đạt 2.400 tấn. Đây là loại cây dễ trồng, không mất nhiều chi phí, có khả năng chịu hạn khá tốt, ít sâu bệnh và đem lại kinh tế cho người dân, thu nhập tăng từ 6 - 7 so với trồng lúa. “Năm 2018, Bắc Kạn trồng mới 100ha tại Chợ Đồn và Ba Bể (mỗi huyện 50ha) và thực hiện cải tạo, thâm canh, sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận VietGAP 50ha tại các huyện Ngân Sơn, Chợ Đồn và Ba Bể”, bà Hoa cho biết.

Thực tế, để hình thành vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, Nghị quyết số 04 ngày 26.4.2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ ba (Khóa XI) về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2016 - 2020 đã đề ra mục tiêu: Duy trì 500ha hồng không hạt tại các huyện Chợ Đồn, Ba Bể và Ngân Sơn, trong đó có 50ha sản xuất theo quy trình VietGAP… Ngoài ra, tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 651 ngày 24.4.2018 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn. “Đây là cơ sở giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào phát triển sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh đang có lợi thế, tiến tới xuất khẩu như: Hồng không hạt, cam, quýt, mơ, chè…”, đại diện UBND tỉnh chia sẻ.

Bên cạnh đó, để người tiêu dùng nhiều nơi biết đến sản phẩm, Bắc Kạn đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất các mặt hàng nông, lâm sản trên địa bàn xây dựng thương hiệu, nhãn mác hàng hóa, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm hàng hóa, từng bước tham gia thị trường bán lẻ hiện đại… Theo chia sẻ của Phó Giám đốc Sở Công thương Đinh Lâm Sáng, riêng năm 2018, các đơn vị chuyên môn đã cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh đăng ký tham gia hơn 40 chương trình hội chợ thương mại tại các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, cuối năm 2018, tỉnh đã tổ chức thành công sự kiện “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cam, quýt và các đặc sản Bắc Kạn tại Hà Nội năm 2018”. Qua đó, đã quảng bá đến người tiêu dùng, nhất là người dân Thủ đô về các sản phẩm nông sản sạch của Bắc Kạn, tạo lập mạng lưới các điểm bán hàng đặc sản có thế mạnh tại Hà Nội để phục vụ nhu cầu của người dân.

Nhằm nâng cao giá trị thương hiệu, từng bước sản xuất hàng hóa đối với hồng không hạt, bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng, nâng cao năng suất, chất lượng, tỉnh Bắc Kạn đang tiếp tục tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tổ chức các tuần lễ giới thiệu sản phẩm tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là liên kết với các siêu thị lớn như BigC, CoopMart để đưa sản phẩm Hồng không hạt vào hệ thống siêu thị trên toàn quốc… “Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chuyển đổi các đơn vị sản xuất nhỏ phân tán sang sản xuất tập trung quy mô lớn, quản lý chất lượng từ khâu trồng đến vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ; đồng thời, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên kết phát triển sản xuất, thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp hình thành các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn…”, ông Sáng thông tin.

THANH BÌNH