Khẩn trương ban hành quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam

- Thứ Năm, 07/11/2019, 12:23 - Chia sẻ
Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết thúc phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Công thương

Tại phiên chất vấn này, đã có 45 đại biểu đặt câu hỏi và 9 đại biểu tranh luận; có 10 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi nhưng chưa được trả lời, có 15 đại biểu đăng ký nhưng chưa có thời gian đặt câu hỏi, xin gửi câu hỏi tới Bộ trưởng. Đề nghị Bộ trưởng trả lời bằng văn bản cho các đại biểu.

Cùng với Bộ trưởng Công thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã tham gia trả lời những nội dung có liên quan.

Tiếp nối không khí của phiên chất vấn trước, phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Công thương đã diễn ra sôi nổi; các ĐBQH đã đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung chất vấn. Tuy nhiên, do là lĩnh vực rộng, nhiều vấn đề lớn, nên được nhiều đại biểu quan tâm tranh luận để làm rõ vấn đề.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Công thương

Đây là lần thứ hai trả lời chất vấn trước QH, Bộ trưởng đã trả lời rõ ràng, lưu loát, nắm chắc vấn đề trong công tác quản lý, điều hành của ngành; đồng thời, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian qua, đối với công tác quy hoạch phát triển điện, trong đó có điện khí và năng lượng tái tạo.

Công thương là lĩnh vực có phạm vi rất rộng, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như sinh hoạt hàng ngày của Nhân dân. Sự phát triển của ngành công thương cũng chính là sự phát triển của đất nước, gắn với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Việt Nam thành nước phát triển. Thời gian qua, với sự cố gắng, nỗ lực của Bộ, lĩnh vực công thương đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận, bộ mặt đất nước có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần tiếp tục triển khai, đòi hỏi phải nỗ lực quyết liệt hơn nữa để có chuyển biến tích cực. Những nội dung được QH chất vấn hôm nay có những nội dung không mới, đã được chất vấn, thảo luận về kinh tế - xã hội, có những vấn đề đã diễn ra nhiều năm, có những nội dung đã được QH giám sát, chất vấn, như: công tác hỗ trợ xuất khẩu, công tác quản lý thị trường, phòng chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại….

Để có những chuyển biến tích cực, khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của ĐBQH, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn, tập trung vào một số vấn đề sau:

Năm 2020, hoàn thành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện VIII) và Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch bảo đảm phát triển cân đối giữa các vùng, miền, cân đối giữa nguồn và phụ tải; rà soát, xử lý vấn đề phát sinh trong quy hoạch, vận hành các dự án điện, điện khí, mặt trời, điện gió; huy động các nguồn lực, giải pháp về công nghệ để xây dựng hệ thống truyền tải điện, nâng cấp trạm biến áp, tăng cường đầu tư hệ thống truyền tải để giải tỏa nguồn điện; nghiên cứu cơ chế mới để huy động nguồn xã hội hóa cho việc xây dựng hệ thống truyền tải điện; tiếp tục mở rộng thị trường cạnh tranh bán buôn điện, thí điểm để các nhà máy điện gió và mặt trời bán điện trực tiếp cho khách hàng mua điện tiến tới hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2023.

Tiếp tục huy động nguồn lực triển khai Đề án điện nông thôn, miền núi, hải đảo; nghiên cứu sửa đổi cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ bình quân, sửa đổi quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; rà soát, đẩy nhanh tiến độ, xử lý các tồn tại, phát sinh của các công trình, các dự án điện trọng điểm như đối với dự án điện Bạc Liêu, Long Phú, Ô Môn, Thái Bình 2 và các dự án điện khác đã được ĐBQH chất vấn để đảm bảo nhu cầu sử dụng điện trong năm 2020 và các năm tiếp theo, bảo đảm an ninh năng lượng, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt điện cho sản xuất, kinh doanh.

Triển khai hiệu quả Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, các chương trình, đề án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng đối với sản phẩm xuất khẩu; rà soát, hoàn thiện quy định về tạm nhập, tái xuất, quản lý hàng hóa tại các kho ngoại quan; đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đối với hàng hóa xuất khẩu; nâng cao hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hạn chế tình trạng phụ thuộc thương mại, nhập siêu; tăng cường xây dựng thương hiệu Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trên thị trường quốc tế; triển khai các quy định về phòng vệ thương mại, nhất là hỗ trợ xử lý các tranh chấp thương mại, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu; tiếp tục đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính trong hoạt động xuất, nhập khẩu; hoàn thiện môi trường kinh doanh, tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Rà soát hoàn thiện pháp luật về quản lý thị trường, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phối hợp các lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; rà soát, xây dựng đầy đủ quy định pháp luật về quy tắc xuất xứ phù hợp với thông lệ quốc tế; khẩn trương ban hành quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; có các giải pháp để giám sát, kiểm soát việc nước ngoài lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ 3; chủ động xây dựng các hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế để bảo vệ doanh nghiệp, thị trường trong nước; quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp, hoạt động mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả, vai trò của lực lượng quản lý thị trường, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, tiếp tay cho buôn lậu; xử lý nghiêm trách nhiệm để xảy ra các sai phạm trong việc nhập khẩu các hàng hóa có hình ảnh vi phạm chủ quyền Quốc gia.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại điện tử; xây dựng hệ sinh thái cho thương mại điện tử và kinh tế số. Năm 2020, ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của thị trường thương mại điện tử Việt Nam; có giải pháp để quản lý, giám sát và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử; giám sát việc quảng cáo, chất lượng hàng hóa trên mạng.

Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ, phát triển cơ khí chế tạo; tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả các dự án sản xuất sản phẩm cơ khí chế tạo, linh kiện, máy nông nghiệp và sản phẩm phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu; nâng cao khả năng của các doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ.

--------------------
Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

Nguyễn Bình ghi
Ảnh: Quang Khánh