Khám phá vũ trụ học và các hành tinh ngoài hệ mặt trời

- Thứ Sáu, 19/06/2020, 12:29 - Chia sẻ
Sáng 19.6, Hội Vật lý Việt Nam cùng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Trung tâm Thông tin - Tư liệu và Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức hội thảo phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ về quá trình khám phá các hành tinh mới ngoài hệ mặt trời, vũ trụ học và vật lý thiên văn.

Sự kiện được tổ chức nhân dịp giải thưởng Nobel về Vật lý năm 2019 được trao cho các nhà thiên văn - vũ trụ học vì thành tựu xây dựng nền tảng lý thuyết của vũ trụ học và sự phát hiện ra ngoại hành tinh quay quanh ngôi sao giống Mặt trời.

Tại hội thảo, Viện trưởng Viện Vật lý, PGS.TS Đinh Văn Trung đã trình bày về lịch sử quá trình tìm kiếm hành tinh ngoài hệ Mặt trời, các nguyên lý vật lý và phương pháp được sử dụng hiện nay như hiệu ứng Doppler, hiện tượng thiên thực, hiệu ứng vi thấu kính hấp dẫn cũng như các đối tượng được quan sát như sao giống với Mặt trời, sao lùn.

Các xu hướng nghiên cứu trong tương lai cũng được đề cập, bao gồm tìm kiếm các ngoại hành tinh tương tự Trái đất, tìm kiếm chỉ dấu của hoạt động sinh học.

Theo các nhà khoa học, còn rất nhiều bí ẩn chưa được khám phá trong vũ trụ mênh mông

Theo PGS.TS Đinh Văn Trung, trong quá trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất, việc phát hiện và quan sát các hành tinh ngoài hệ Mặt trời - nơi tồn tại các điều kiện phù hợp cho sự sống hình thành và phát triển - là bước đi đầu tiên vô cùng quan trọng nhưng cũng đầy thách thức. Đó là lý do con người phải tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất, tìm hiểu các phân tử liên quan đến quá trình sống...

“Hai mươi lăm năm trước đây Michel Mayor và Didier Queloz đã phát hiện được ngoại hành tinh đầu tiên quay quanh ngôi sao tương tự Mặt trời là 51 Pegasi trong chòm sao Phi Mã. Phát kiến quan trọng này đảo lộn mọi lý thuyết vật lý về sự hình thành và phát triển của hành tinh và M. Mayor cùng D. Queloz đã được trao giải Nobel về Vật lý năm 2019”, ông Trung cho biết.

Lý thuyết về các hành tinh, vũ trụ học và vật lý thiên văn luôn thú vị và hấp dẫn  

TS Đỗ Quốc Tuấn, Trường ĐH Phenikaa tổng kết ngắn gọn những kết quả nghiên cứu quan trọng con người đã và đang đạt được trong kỷ nguyên vàng này, thành tựu mà loài người đã đạt được trong thế kỷ XX.

Nghiên cứu về sóng hấp dẫn đoạt giải Nobel Vật lý năm 2017

Ông cho biết, vũ trụ học là một lĩnh vực của thiên văn cũng như vật lý, nghiên cứu sự hình thành và phát triển của vũ trụ ở các thang khoảng cách rộng lớn nhất. Nhờ vào sự phát triển của khoa học - công nghệ, đặc biệt là vật lý, hiểu biết của con người về vũ trụ ngày càng trở nên rõ nét và chính xác. Thuyết tương đối rộng của Einstein là công cụ lý thuyết tuyệt vời, đã và đang giúp cho các nhà vật lý cũng như vũ trụ học đạt được những thành tựu nghiên cứu về vũ trụ học rất đáng kinh ngạc trong suốt thế kỷ XX và những thập niên đầu thế kỷ XXI.

“Có những kết quả nghiên cứu đã làm thay đổi hoàn toàn cách con người quan sát, tưởng tượng về vũ trụ. Có thể nói rằng chúng ta đang sống trong kỷ nguyên vàng của vũ trụ học. Các giải thưởng lớn nhất về vật lý như giải Nobel hay huy chương Dirac gần đây đều đã được trao cho các nhà vũ trụ học”, TS Đỗ Quốc Tuấn khẳng định.

PGS.TS. Phạm Ngọc Điệp, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã giải đáp nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề về thiên văn học, một trong những ngành khoa học ra đời sớm nhất loài người tưởng chừng như đã già cỗi.

PGS.TS. Phạm Ngọc Điệp, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, giải đáp các câu hỏi liên quan đến thiên văn học, vật lý thiên văn

PGS.TS Phạm Ngọc Điệp cũng giải thích các vấn đề liên quan đến vật lý thiên văn, sự chênh lệch giữa mật độ năng lượng của vũ trụ và kết quả suy ra được từ sự giãn nở của nó (năng lượng tối); chênh lệch giữa trọng lực và chuyển động của các vì sao trong các quần sao (clusters) với các vì sao trong các thiên hà (vật chất tối); cơ chế giãn nở theo cấp số nhân xảy ra ngay sau Big Bang và mối quan hệ với lý thuyết thống nhất lớn, sự phá vỡ đối xứng tự phát và sự hình thành khối lượng...

Hồng Hà