Khám phá thế giới: Nghề làm giấy papyrus của người Ai Cập cổ đại

- Thứ Bảy, 08/08/2009, 00:00 - Chia sẻ
Ai Cập, quốc gia có dòng sông Nile chảy qua, nơi sản sinh ra một trong các nền văn minh sớm nhất thế giới, để lại cho nhân loại các di sản kiến trúc đồ sộ như các kim tự tháp, các kiệt tác về hội họa, điêu khắc hay nghệ thuật ướp xác... Nhiều ngành nghề tại quốc gia này như đánh bắt cá, nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp đã ra đời phát triển thịnh vượng ngay từ hàng nghìn năm trước công nguyên (TCN). Một trong những nghề thủ công tiêu biểu đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với người Ai Cập cổ đại cũng như hiện đại, giúp biến đổi xã hội và nâng nền văn minh lên tầm cao mới đó là nghề làm giấy papyrus (giấy cói).

Người Ai Câp cổ phát minh ra loại giấy này và dùng chúng vào nhiều mục đích khác nhau chẳng hạn giấy sợi thô, rẻ tiền được dùng để gói đồ, còn giấy thượng hạng, đắt tiền được phục vụ cho mục đích tôn giáo, văn chương, nghệ thuật và cả dùng để ướp xác. Về tôn giáo, một trong nhiều cuốn sách viết trên giấy papyrus là cuốn sách “viết cho người chết”. Người Ai Cập cổ đại tin rằng chết chưa phải là kết thúc mà là sự chuyển tiếp sang kiếp khác nên cần phải hướng dẫn cho người chết để họ tiếp tục sống ở kiếp sau. Không chỉ chữ viết, trên các trang sách còn có các hình minh họa dành cho người mù chữ. Bên cạnh đó, nhiều cuốn kinh thánh, bao gồm cả những đoạn kinh của đạo Cơ đốc cổ nhất viết trên loại giấy này cũng được tìm thấy. Trong lĩnh vực văn học, cuốn “Châm ngôn của Ptahoteb” được mệnh danh là “cuốn sách tối cổ của nhân loại” cũng được viết trên giấy papyrus khoảng 2500 năm TCN. Với mỹ thuật, màu ngà và những thớ sậy của giấy papyrus tương đối lý tưởng cho việc hòa sắc trang trí ít màu vì bảng màu Ai Cập cổ không có nhiều màu, chỉ bao gồm trắng, đen, nâu, đỏ, xanh cây, vàng nghệ hoặc vàng dát, xanh chàm.... Người ta còn tìm thấy tấm bản đồ được vẽ trên giấy papyrus được xem như là tấm bản đồ cổ nhất châu âu. Tấm bản đồ này của Artémidore dEphèse, nhà địa lý học nổi tiếng sống vào thế kỷ thứ I TCN. Giấy papyrus còn được sử dụng phổ biến trong công việc ướp xác vì độ bền của nó lên đến cả ngàn năm. Ngày nay, phần lớn các tác phẩm và dữ liệu viết trên giấy papyrus cổ được lưu giữ và trưng bày ở thư viện Alexandria Biblioteca, Ai Cập.

Giấy papyrus được ghi nhận đã được sử dụng lần đầu tiên ở Ai Cập cổ đại, vương triều thứ nhất khoảng 4.000 năm trước công nguyên (TCN). Giấy papyrus có màu ngà, nâu vàng, cứng nhưng có thể uốn cong, và đặc biệt rất bền, được làm từ lõi của một loại cói có tên papyrus, cao khoảng 2-3m mọc hai bên bờ sông Nile. Để hoàn thành sản phẩm giấy papyrus cần trải qua nhiều công đoạn khác nhau, đòi hỏi tay nghề khéo của người thợ. Trước tiên, họ thu hoạch thân cây papyrus và cắt thành những khúc dài, bóc bỏ vỏ xanh phía bên ngoài lấy phần lõi xốp, cán dập phần lõi này càng mỏng càng tốt và ngâm chúng vào trong nước khoảng 3 ngày để khử đường. Sau đó, chúng sẽ được ép hết nước và xếp thành các lớp. Lớp thứ nhất trải san sát, ghế nhẹ các mép lên nhau khoảng 1mm. Lớp thứ hai được trải tương tự nhưng vuông góc với lớp thứ nhất. Hai lớp này sẽ được ép lại với nhau và được chèn dưới một vật có trọng lượng lớn, thông thường là phiến đá to để ép khô trong khoảng 6 ngày. Lượng đường còn lại papyrus sẽ liên kết dính các thớ sợi với nhau. Cuối cùng, khi giấy đã khô, bề mặt giấy được đánh nhẵn bằng vỏ ốc hoặc miếng ngà voi. Chất lượng thành phẩm phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm vị trí trồng cây papyrus, tuổi cây, mùa thu hoạch cây, và quan trọng nhất là lớp lõi trong thân cây. Giấy papyrus đẹp nhất được làm từ lớp phía trong cùng lấy từ cây papyrus mọc ở vùng châu thổ sông Nile.

Không có loại vật liệu nào có thể thay thế được giấy paparus cho đến năm 751, khi người Ả Rập biết cách làm bột giấy nhờ việc thả tự do cho tù binh Trung Quốc để đổi lấy bí quyết làm giấy. Cách làm giấy thông thường đó dễ hơn rất nhiều, nhưng độ bền lại kém xa so với giấy papyrus. Tuy nhiên, sự ra đời của bột giấy ngày càng khiến việc sản xuất giấy paparus bị đình đốn, kết quả là loài cây này dần biến mất khỏi hai bờ sông Nile. Mãi cho tới năm 1969, nghề làm giấy papyrus mới được khôi phục nhờ công của nhà khoa học người Ai Cập có tên là Hassan Ragab. Ông đã giới thiệu lại cây papyrus cho người dân Ai Cập và bắt đầu trồng lại loại cây này gần thủ đô Cairo. Hassan cũng nghiên cứu phương pháp làm giấy paparus. Dẫu kỹ thuật chính xác làm giấy được giữ bí mật và người Ai Cập cổ không ghi chép lại bằng chữ viết, nhưng sau nhiều năm nghiên cứu,  cuối cùng ông đã tìm ra và nghề thủ công truyền thống cho người Ai Cập được khôi phục đến tận ngày nay. Như xưa, các sản phẩm giấy Papyrus vẫn phục vụ đời sống con người trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nghệ thuật và du lịch.

Lê Mai