Khai thác văn hóa truyền thống theo tư duy mới

- Chủ Nhật, 21/09/2014, 08:40 - Chia sẻ
Giải thưởng Doanh nhân sáng tạo trẻ trong lĩnh vực thiết kế/thời trang - YCE 2014, một trong những sáng kiến toàn cầu của Hội đồng Anh, đã được trao cho các doanh nhân Việt Nam biết khai thác, áp dụng văn hóa truyền thống để góp phần tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.

Giải thưởng Doanh nhân sáng tạo trẻ tìm kiếm những doanh nhân với tinh thần sáng tạo và kỹ năng doanh nghiệp để vận hành kinh doanh thời trang và thiết kế theo những mô hình mới lý thú. Trong 10 năm qua, giải thưởng đã tôn vinh và kết nối 376 doanh nhân sáng tạo đến từ 54 quốc gia trong những chuyến đi tới Vương quốc Anh. Theo Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam Cherry Gough: ngành công nghiệp sáng tạo không hẳn chỉ là nghệ thuật như chúng ta vẫn nghĩ, mà còn gồm thời trang, trò chơi, thiết kế, hoạt hình… Tại Vương quốc Anh, các ngành này đang đóng góp 6% GDP, và đem lại việc làm cho hơn 2 triệu người. Đây thực sự là con số ấn tượng, trong tương quan so sánh với ngành xây dựng đem lại 7% GDP, bán lẻ 5,7% và sản xuất công nghiệp chỉ chiếm 8,2%. Giải thưởng Doanh nhân sáng tạo trẻ là một trong các hoạt động trọng tâm của dự án Kinh tế sáng tạo của Hội đồng Anh tại Việt Nam. Thông qua phát hiện các tài năng doanh nhân sáng tạo và mang tới cho họ cơ hội lý tưởng để phát triển sự nghiệp, giải thưởng đã và đang đóng góp vào sứ mệnh của dự án, đó là hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành kinh tế sáng tạo và tối ưu hóa tác động của ngành đến tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội - bà Cherry Gough cho biết.


Mẫu thiết kế của thương hiệu Kilomet 109
Với mong muốn chia sẻ thành công của ngành công nghiệp sáng tạo tại Vương quốc Anh tới các quốc gia khác, giải thưởng đề cao tinh thần sáng tạo, bên cạnh tiêu chí phát triển khả năng kinh doanh trong mỗi doanh nhân trẻ, cụ thể là khả năng vận hành doanh nghiệp thành công. Giải thưởng Doanh nhân sáng tạo trẻ tại Việt Nam năm 2014 được trao cho nhà thiết kế thời trang Vũ Thảo - người sáng lập thương hiệu Kilomet 109 và chuyên gia thiết kế sáng tạo Tạ Minh Trãi  - người sáng lập ADC Academy. Bắt đầu thiết kế thời trang năm 2006, Vũ Thảo từng làm việc với các hãng thời trang của Anh, Đức. Cô nhận ra rằng, yếu tố độc đáo trong các sản phẩm giới thiệu ra thị trường quốc tế chính là văn hóa, đặc biệt là việc thể hiện nó một cách sống động. Chính vì vậy, Vũ Thảo quyết định khai thác, áp dụng và phát triển yếu tố văn hóa truyền thống dân tộc trên từng sản phẩm của mình, kết nối với lao động nữ dân tộc thiểu số. Kilomet 109 trở thành nhãn hiệu đặc trưng cho kỹ thuật dệt, nhuộm và in sáp ong truyền thống của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Mai Châu, Hòa Bình và Cao Bằng. Sản phẩm của Vũ Thảo cần nhiều thời gian cho mỗi công đoạn thủ công, do đó giá thành cao. Đại diện Ban giám khảo Giải thưởng Doanh nhân sáng tạo trẻ  2014, nhà thiết kế thời trang Anh May Cortazzi nhận xét: Với những thiết kế đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, sản phẩm của Vũ Thảo đạt tới sự hoàn hảo và định hướng phân khúc thị trường rõ ràng tại Việt Nam. Cô cũng hợp tác hiệu quả và chặt chẽ với các nhà thiết kế, nghệ sỹ và người sản xuất.

Á quân của Giải thưởng, chuyên gia thiết kế sáng tạo, doanh nhân Tạ Minh Trãi, giới thiệu mô hình ADC Academy - không gian hợp tác và đào tạo, tập trung vào lĩnh vực thiết kế và nghệ thuật thị giác, thiết kế đồ họa, thiết kế sản phẩm và tư duy thiết kế. Mô hình không gian sáng tạo, kết nối các chuyên gia và doanh nhân sáng tạo này đang phát triển tại TP Hồ Chí Minh. ADC vừa đào tạo nhà thiết kế vừa đào tạo kiến thức và kỹ năng kinh doanh, giúp học viên và người sáng tạo rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế ngành công nghiệp này. ADC Academy phát triển theo hình thức xưởng hợp tác để kết nối với các doanh nghiệp nhằm đem lại lợi nhuận cho học viên trực tiếp thực hành. Học viên ADC Academy cũng phát triển kinh nghiệm chuyên môn và mang lại nguồn thu cho trung tâm. Tạ Minh Trãi chia sẻ: Chúng tôi đào tạo kiến thức, kỹ năng, tạo nền tảng sau đó bắt đầu tạo ra sản phẩm, kết nối với các chuyên gia để thương mại hóa sản phẩm…

Quán quân của giải thưởng các năm trước đã tạo ra nhiều kết nối, hợp tác quốc gia và quốc tế, trong đó có sáng kiến như: The Digital Minds Network, Jakarta Fashion Week 2013, Slovak Fashion Council, Sri Lankan Design Festival… Tại Việt Nam, từ năm 2010, cuộc thi đã kết nối mạng lưới doanh nhân sáng tạo trẻ với hơn 300 thành viên, mang lại cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động. Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH, TT và DL Nguyễn Phương Hòa tin tưởng: ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đang trở thành một trong những ngành kinh tế chủ chốt, tạo sự cạnh tranh cũng như định vị thương hiệu quốc gia với tốc độ tăng trưởng cao. Bộ VH, TT và DL luôn đồng hành với Hội đồng Anh tôn vinh những tài năng doanh nhân trẻ biết khai thác, áp dụng văn hóa truyền thống, kết hợp khả năng sáng tạo theo tư duy mới, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.

Hương Sen