Khai mạc Phiên họp thứ Ba mươi tám của UBTVQH

- Thứ Hai, 11/05/2015, 22:22 - Chia sẻ
* Tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và những tháng đầu năm 2015: Có nhiều chuyển biến tích cực, khắc phục được tình trạng tăng trưởng thấp nhưng cần lý lẽ thuyết phục hơn vì sao đạt được những chuyển biến tích cực * Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014, triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2015: Cần thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ và thận trọng, phấn đấu tăng thu từ nội địa và các nguồn thu bền vững * Phương án phân bổ số vượt thu ngân sách trung ương năm 2014: Chưa bám sát vào thứ tự xử lý nguồn tăng thu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước * Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động tài chính, thực hiện hiệu quả việc giảm thất thu và tiết kiệm các khoản chi từ NSNN * Cho ý kiến về Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khai mạc Phiên họp thứ Ba mươi tám của UBTVQH
 Ảnh: Lâm Hiển

Ngày 11.5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ Ba mươi tám.

Dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã thảo luận về Báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; phương án phân bổ số vượt thu ngân sách trung ương năm 2014; Quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013; Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014.

Trình bày Báo cáo bổ sung của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt, lần đầu tiên trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP quý I.2015 đạt 6%. Nhận định những khó khăn đối với phát triển kinh tế còn rất lớn, nhất là việc năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh thấp sẽ tạo thách thức lớn với nước ta khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập cuối năm nay, Chính phủ đã đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và trong quý I.2015, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cơ bản nhất trí với những đánh giá nêu trong Báo cáo của Chính phủ và lưu ý một số hạn chế: đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế nhưng tác động vào việc nâng cao trình độ công nghệ cho nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nét; sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, vẫn xảy ra tình trạng được mùa – mất giá, gây thiệt hại và bức xúc cho nông dân; các điều kiện kinh doanh vẫn là rào cản lớn nhất cho quá trình gia nhập thị trường của doanh nghiệp...

Các Ủy viên UBTVQH nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế -xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt đã khắc phục được tình trạng tăng trưởng thấp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, phải làm rõ thêm, thuyết phục hơn vì sao trong tình hình khó khăn mà kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Trước thực tế tình trạng ùn ứ ở cửa khẩu, tiêu thụ khó khăn vẫn loanh quanh ở một số mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long... lặp lại trong nhiều năm qua, Chủ nhiệm UB Phan Trung Lý nêu câu hỏi: Chiến lược phát triển nông nghiệp của Chính phủ là như thế nào, không lẽ để tồn tại mãi tình trạng được mùa – mất giá? Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị, tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội và Chính phủ cần có tiếng nói về vấn đề này, để nông dân thấy sự quan tâm, chia sẻ thực sự từ Nhà nước, cũng như thấy được giải pháp khắc phục mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Theo nhiều Ủy viên UBTVQH, cử tri và ĐBQH đang băn khoăn đặt câu hỏi: liệu nước ta có trở thành công xưởng của thế giới bằng sử dụng lao động giá rẻ, chứ không phải từ việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất? Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu không nâng cao được năng suất lao động, cũng như đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, thì nước ta có nhiều nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.   

Theo Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện trong năm 2014 đạt 863,52 nghìn tỷ đồng, tăng 80,82 nghìn tỷ đồng (10,3%) so dự toán và tăng 17,12 nghìn tỷ đồng so báo cáo QH. Nhờ tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì đà phục hồi tốt, nên thu ngân sách nhà nước trong quý I.2015 đạt khá.

Trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014, triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, thuận lợi đan xen và do tác động ảnh hưởng của giá dầu thô, kết quả thu ngân sách nhà nước vượt so với số đã báo cáo QH cho thấy nỗ lực rất cao trong điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và sự cố gắng nỗ lực của toàn dân. Tuy nhiên, dù thu cân đối ngân sách địa phương vượt dự toán và tăng thêm so với số đã báo cáo QH khá cao, nhưng nếu trừ thu tiền sử dụng đất thì có 11 địa phương hụt thu. Số thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng những năm gần đây luôn tăng so với dự toán, song qua kiểm tra, thanh tra thuế đã phát hiện nhiều sai phạm, gian lận trong công tác hoàn thuế với những thủ đoạn ngày một tinh vi. 

Về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014, triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, các Ủy viên UBTVQH nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, vì về cơ bản, thu ngân sách nhà nước vượt so với dự toán và bảo đảm cân đối thu, chi theo dự toán đã được QH quyết định. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cũng cho biết, cử tri đánh giá cao việc Chính phủ đã tập trung nguồn lực để thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt quan trọng là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, nhiều Ủy viên UBTVQH lưu ý, việc bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ vẫn dàn trải, cào bằng, không có điểm nhấn để tạo sự phát triển. Nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép, nhưng chỉ số bội chi lại không giữ được mức trần do QH đưa ra. Vì vậy, các Ủy viên UBTVQH đề nghị, cần thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ và thận trọng; tăng cường kỷ luật tài chính, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước; có biện pháp hữu hiệu huy động vốn trái phiếu Chính phủ theo đúng nghị quyết của QH; bảo đảm kế hoạch triển khai các dự án đầu tư đúng tiến độ; phấn đấu tăng thu từ nội địa và các nguồn thu bền vững. Đồng thời, tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước trong cả nước giai đoạn 2011 - 2015 để rút ra những bài học cần thiết cho giai đoạn tiếp theo.

Năm 2013, dự toán thu NSNN là 816.000 tỷ đồng, quyết toán đạt 828.348 tỷ đồng; tăng 1,5% (12.348 tỷ đồng) so với dự toán. Nguyên nhân là do tăng thu từ dầu thô và tăng thu tiền sử dụng đất; trong đó tăng chủ yếu ở ngân sách địa phương là 16.763 tỷ đồng. Nếu không kể các khoản ghi thu ghi chi và viện trợ sử dụng theo mục tiêu  theo chế độ, thì thu NSNN hụt so với dự toán là 4.797 tỷ đồng, trong đó NSTƯ hụt là 21.560 tỷ đồng. Công tác quản lý thu NSNN có tiến bộ, nhưng vẫn còn tình trạng trốn, lậu thuế ở một số địa bàn. Về chi NSNN, dự toán chi NSNN là 978.000 tỷ đồng, quyết toán là 1.088.153 tỷ đồng, tăng 11,3% (110.153 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu do tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngoài nước, nguồn bổ sung từ dự phòng ngân sách theo chế độ và nguồn năm trước chuyển sang. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện điều hành chi ngân sách bám sát mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Nhìn chung, nhiệm vụ chi NSNN năm 2013 đã được thực hiện theo Nghị quyết của QH, HĐND các cấp. Công tác quản lý NSNN có tiến bộ hơn năm trước, chi chuyển nguồn sang năm sau giảm về quy mô và cơ cấu, các khoản chi chuyển nguồn do triển khai chậm bước đầu đã được khắc phục, giảm cả về số tuyệt đối và tỷ trọng. Tuy nhiên, tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng, Kho bạc Nhà nước cũng đã phát hiện nhiều món chi sai chế độ.

Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2013 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày, cho biết, việc thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, thận trọng, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ, thực hiện miễn, giảm, giãn thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh năm 2013 đã có tác động tích cực, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012 và bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, theo kết quả báo cáo quyết toán NSNN năm 2013 của Chính phủ cho thấy, việc số liệu báo cáo QH tại Kỳ họp thứ Bảy về tình hình thu, chi NSNN năm 2013 chưa thật sát thực tế; việc xử lý nợ quỹ hoàn thuế và tăng chi từ vốn ODA đã làm tăng mức bội chi và đẩy nợ công tăng nhanh so với mức nợ công đã báo cáo QH.

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với các báo cáo nêu trên, đồng thời cho rằng, báo cáo quyết toán NSNN năm 2013 của Chính phủ đã tổng hợp đầy đủ và thuyết minh khá chi tiết nguyên nhân tăng giảm từng khoản chi so với dự toán được giao. Tuy nhiên, quản lý thu chi NSNN vẫn còn nhiều hạn chế như quy mô thanh tra thuế chưa đủ lớn, công tác theo dõi nợ thuế còn thiếu chặt chẽ, quản lý thuế còn sơ hở, tính răn đe trong xử lý vi phạm chưa đủ mạnh nên gây thất thu cho NSNN. Các Ủy viên UBTVQH đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý thu, chi hiện nay; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động tài chính nhằm thực hiện hiệu quả việc giảm thất thu và tiết kiệm các khoản chi từ NSNN. 

P. Thủy – H. Giang