Khai mạc Phiên họp thứ Ba mươi bảy của UBTVQH

- Thứ Hai, 06/04/2015, 21:47 - Chia sẻ
* Dự án Luật An toàn thông tin: Rà soát, sửa đổi các quy định còn chung chung, khó thực hiện hoặc có thể dẫn đến việc áp dụng, hướng dẫn tùy tiện để bảo đảm tính khả thi của luật * Dự án Luật Phí và lệ phí: Làm rõ các khái niệm về phí, lệ phí, giá dịch vụ... làm căn cứ phân loại chính xác danh mục phí, lệ phí, giá dịch vụ

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khai mạc Phiên họp thứ Ba mươi bảy Ảnh: Lâm Hiển
Sáng 6.4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ Ba mươi bảy.

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật An toàn thông tin.

Theo Tờ trình dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trình bày, từ thực tế quản lý, điều hành trong lĩnh vực thông tin, truyền thông cho thấy, hành lang pháp lý về an toàn thông tin của nước ta còn thiếu, không đồng bộ và chưa theo kịp sự phát triển của xã hội cũng như hội nhập quốc tế. Các văn bản pháp quy thường được xây dựng tập trung vào nhiệm vụ quản lý của từng lĩnh vực đơn lẻ, chỉ đề cập đến công tác bảo đảm an toàn thông tin ở từng phạm vi hẹp như Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin... mà chưa có một văn bản luật thống nhất điều chỉnh toàn diện công tác bảo đảm an toàn thông tin. Nước ta cũng chưa có một văn bản luật để điều chỉnh toàn diện hoạt động an toàn thông tin trên mạng, bảo đảm môi trường mạng an toàn phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Do đó, việc có các quy định pháp lý về an toàn thông tin để nội luật hóa các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên và phù hợp với thông lệ quốc tế bảo đảm an toàn thông tin, tạo môi trường bình đẳng cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh là cần thiết. Dự án Luật An toàn thông tin gồm 9 chương, 56 điều với các nôi dung cơ bản về: hoạt động an toàn thông tin; đối tượng áp dụng; phát hiện, ngăn chặn và xử lý phần mềm độc hại; bảo đảm an toàn tài nguyên viễn thông; phân loại cấp độ an toàn thông tin của hệ thống thông tin; nhiệm vụ bảo vệ hệ thống thông tin; biện pháp bảo vệ hệ thống thông tin; giám sát an toàn hệ thống thông tin...

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật An toàn thông tin, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành sự cần thiết ban hành Luật nhằm góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về an toàn thông tin, tạo điều kiện phát triển ổn định, bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động, sản xuất, kinh doanh tại nước ta, góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin. Về cơ bản, dự án Luật đã được xây dựng phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin. Cơ bản tán thành với quan điểm của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng, hiện nay nước ta đã có 3 luật là Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử và Luật Công nghệ thông tin, trong khi các nước đều đã ban hành luật về an toàn thông tin. Vì vậy, cần đánh giá rõ hơn các quy định của dự thảo Luật có xung đột với các cam kết quốc tế mà nước ta đã tham gia hoặc các cam kết khi chúng ta hội nhập hay không.

Các Ủy viên UBTVQH cũng cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là quá rộng. Dự thảo Luật đã thể hiện sự lúng túng khi muốn bao quát quá nhiều lĩnh vực an toàn thông tin ở phạm vi điều chỉnh nhưng nội dung chủ yếu lại chỉ quy định về an toàn thông tin mạng; nhiều nội dung rất quan trọng của dự án Luật lại được quy định chung chung. Với cách thức quy định như vậy, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, dự thảo Luật không thể giải quyết được vấn đề bảo đảm an toàn thông tin hiện nay. Cơ bản đồng tình với quan điểm này, các Ủy viên UBTVQH nêu rõ: nên thu hẹp phạm vi điều chỉnh của dự án Luật như đề nghị của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Theo đó, nên đổi tên dự án Luật thành Luật An toàn thông tin mạng và chỉ tập trung quy định về an toàn thông tin mạng, cách thức, chế tài bảo đảm an toàn thông tin mạng. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật, nhất là các quy định còn chung chung, khó thực hiện hoặc có thể dẫn đến việc áp dụng, hướng dẫn tùy tiện để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật đã ban hành như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Giao dịch điện tử, Luật Báo chí...; bổ sung vào dự thảo Luật những quy định cụ thể đã được kiểm nghiệm trong thực tế để có thể áp dụng ngay, bảo đảm tính khả thi của luật.

 Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Phí và lệ phí.

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Pháp lệnh Phí và lệ phí được ban hành trong thời kỳ đầu thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ công, khi đó, cơ bản các dịch vụ đều do cơ quan nhà nước cung cấp. Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa dịch vụ công và cải cách thủ tục hành chính, một số khoản phí, lệ phí đã lạc hậu, không còn phù hợp, cần rà soát hoàn thiện để khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Qua rà soát, Chính phủ đề xuất, trong danh mục sẽ có 69 loại phí, trong đó, giữ lại 54 loại phí hiện hành và bổ sung 15 loại phí để phù hợp với các luật được ban hành trong thời gian qua. Đối với lệ phí, Chính phủ đề xuất đưa vào danh mục 39 loại, chỉ giữ lại 30 loại trong quy định hiện hành và bổ sung thêm 9 loại lệ phí khác. Dự thảo Luật Phí và lệ phí cũng quy định nguyên tắc để xác định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -  Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành sự cần thiết ban hành Luật để tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và thuận lợi trong quản lý thu, nộp và sử dụng phí và lệ phí. Do hiện nay có một số loại phí, lệ phí đang được quy định tại các luật chuyên ngành nên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, cần tiếp tục rà soát, hệ thống hóa đầy đủ các quy định về phí và lệ phí vào dự án luật này. Ngoài ra, một số quy định trong dự thảo Luật còn chung chung, chưa rõ nội hàm như: khái niệm về phí, lệ phí, dịch vụ công, giá dịch vụ... dẫn đến việc chưa rõ ràng trong phân loại giữa phí và lệ phí, giữa phí, lệ phí và giá dịch vụ; các quy định quan trọng về danh mục phí, lệ phí, thẩm quyền của QH, các cơ quan của QH cũng chưa được quy định rõ ràng.

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với việc xây dựng, ban hành Luật Phí và lệ phí để bảo đảm tính pháp lý cho các khoản thu liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần tiếp tiếp tục rà soát để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với các luật liên quan. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý chỉ rõ, dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) đã nhấn mạnh các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác sẽ được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, song dự thảo Luật này lại quy định cơ quan, tổ chức thu phí vẫn được trích lại một phần để phục vụ công tác hành thu - là chưa hợp lý. Tán thành với quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan, tổ chức không nên giữ lại ngay một phần thu từ phí, mà cần chuyển vào cân đối ngân sách, để sau đó, ngân sách sẽ cấp trở lại theo tỷ lệ % tính trên số phí thực nộp vào ngân sách nhà nước. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước và rà soát thực tế để quy định trong luật các nguyên tắc và thời gian phân bổ ngược lại khoản thu này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc giải thích từ ngữ tại dự thảo Luật chưa phân định rõ bản chất của phí, lệ phí do cơ quan nhà nước thực hiện cung ứng dịch vụ công, với các hoạt động có tính giá dịch vụ. Trong khi đó, nếu không xác định bản chất của phí, lệ phí, thì khi tiến hành các giao dịch liên quan đến dịch vụ công, người dân và doanh nghiệp sẽ vẫn tiếp tục loay hoay như hiện nay, không thể tự bảo vệ quyền lợi của mình. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu đề nghị, Chính phủ nghiên cứu, bổ sung, làm rõ các khái niệm về phí, lệ phí, giá dịch vụ... bảo đảm rõ ràng, minh bạch, làm căn cứ phân loại chính xác danh mục phí, lệ phí, giá dịch vụ. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng lưu ý, các nước trong khu vực đều có danh mục phí đơn giản, gọn nhẹ hơn nước ta (Thái Lan chỉ có 6 nhóm phí, trong khi Việt Nam hiện có 12 nhóm phí), nên cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát để danh mục phí và lệ phí bớt cồng kềnh như hiện nay.

P. Thủy - T. Thành