Khai mạc Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

- Thứ Tư, 10/04/2019, 10:34 - Chia sẻ
Sáng 10.4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ 33, diễn ra từ 10 - 18.4, để cho ý kiến với 15 nội dung.

Cùng tham dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ…


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ảnh: Quang Khánh

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Phiên họp thứ 33 của UBTVQH sẽ cho ý kiến với 15 nội dung, trong đó, có việc cho ý kiến với 9  dự án luật gồm: dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; dự án Luật  Luật Thư viện (sửa đổi); dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ…

Bên cạnh 9 dự án luật nêu trên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, Chính phủ sẽ có báo cáo về một số vấn đề về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). “Văn phòng Chính phủ cần lưu ý chuẩn bị tài liệu này theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bởi nước ta cam kết xem xét sửa đổi nội dung của Bộ luật Lao động theo cam kết quốc tế, hiệp định song phương, nên vẫn phải trình ra QH tại Kỳ họp thứ 7” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Bên cạnh nhóm nội dung nêu trên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tại Phiên họp thứ 33, UBTVQH cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của QH; dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020; việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7. UBTVQH cũng cho ý kiến đối với Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018. Ngoài ra, UBTVQH cũng tiến hành xem xét, quyết định danh mục dự án sử dụng dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nguồn ngân sách trung ương; việc bổ sung danh mục mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; việc điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã và giải thể 1 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; thành lập 5 phường thuộc thị xã Long Khánh và thành lập thành phố Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, do chuyển một số nội dung từ phiên họp tháng 3 sang tháng 4, cùng với bổ sung một số nội dung cần thiết theo đề nghị của các cơ quan hữu quan, nên Phiên họp thứ 33 là phiên họp cuối cùng để UBTVQH cho ý kiến với các dự án luật trình ra QH tại Kỳ họp thứ Bảy. Song,  đối với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, ngay sau khi nghe ý kiến của UBTVQH về việc này, cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cần sớm triển khai ngay việc xây dựng hồ sơ dự án Bộ luật. Trong đó, chú ý thể hiện các quan điểm trong 3 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thậm chí chưa ký kết được công ước thì cũng phải thể hiện tính nhân văn, tiến bộ trong quy định pháp luật.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương, khi có sự tiến bộ trong công tác chuẩn bị Phiên họp thứ 33 của UBTVQH, với việc tài liệu cơ bản gửi đến bảo đảm thời hạn được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định. “Một số nội dung mới bổ sung như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, nhưng các cơ quan tích cực phối hợp để trình ngay đầu phiên họp”. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chậm gửi tài liệu, nhất là tài liệu do các Ủy ban của QH chuẩn bị. Do vậy, Chủ tịch QH đề nghị, thành viên của UBTVQH nghiên cứu thấu đáo, để có cách thức mẫu mực, hiệu quả khi xem xét các dự án luật, tập trung vào các vấn đề có ý kiến khác nhau, để bảo đảm các nội dung trình UBTVQH, QH có chất lượng, đủ điều kiện đưa ra. Các Ủy ban của QH phải thể hiện chính kiến ngay từ khâu thẩm tra, nhất là xem đã đủ điều kiện trình ra QH cho ý kiến chưa.

Phương Thủy