Sửa đổi Luật Xây dựng 2014

Khắc phục những bất cập trong thực tiễn

- Thứ Hai, 11/11/2019, 08:19 - Chia sẻ
Sáng nay, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014 sẽ được trình Quốc hội. Quá trình tổng kết thi hành và ý kiến tại phiên họp của UBTVQH cho thấy, Luật Xây dựng 2014 đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và lĩnh vực xây dựng; đồng thời cũng đứng trước yêu cầu phải sửa đổi kịp thời nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn đầu tư xây dựng và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Nhiều đóng góp quan trọng

Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực từ ngày 1.1.2015 chứa đựng nhiều nội dung đổi mới. Sau hơn 4 năm thực hiện, Luật “đã có những đóng góp rất quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước”, Báo cáo tổng kết thi hành Luật của Bộ Xây dựng nhận định.

Thực hiện Luật Xây dựng 2014 và Nghị định 100/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, đã có 89 điều kiện (41,3%) được bãi bỏ, 94 điều kiện (43,7%) được đơn giản hóa; 32 điều kiện (15%) được giữ nguyên trên tổng số 215 điều kiện. Tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa đạt 85%, vượt 35% so với yêu cầu tối thiểu cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh theo Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng.

Cụ thể, quy định về lập, thẩm định dự án và quyết định đầu tư xây dựng công trình đã cơ bản giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Chất lượng thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế và dự toán được nâng cao hơn. “Thông qua thẩm định, đặc biệt với dự án sử dụng vốn nhà nước, các công trình quy mô lớn, phức tạp, cơ quan chuyên môn về xây dựng đã phát hiện ra nhiều rủi ro tiềm ẩn về chất lượng và an toàn công trình; hạn chế thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư”, ông Hoàng Quang Nhu, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng cho biết. Theo số liệu các bộ, ngành, địa phương gửi về Bộ Xây dựng, tỷ lệ cắt giảm giá trị tổng mức đầu tư sau thẩm định năm 2015 là 1,8%, năm 2016 là 0,97%, năm 2017 là 3,67%, năm 2018 là 1,29%. Cũng trong các năm này, tỷ lệ cắt giảm giá trị dự toán sau thẩm định lần lượt là 5,02%; 5,87%; 3,8%; 3,91%. Chất lượng các công trình xây dựng trên cả nước cơ bản được bảo đảm.

Cũng theo báo cáo tổng kết thi hành Luật, trước đây có thời điểm tổng số Ban quản lý dự án của một địa phương dao động từ 36 - 125 ban. Thực hiện Luật Xây dựng 2014, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã sắp xếp lại và đến cuối năm ngoái chỉ còn 912 Ban quản lý chuyên ngành, khu vực. Việc này không chỉ giảm số lượng ban quản lý mà kết quả quan trọng hơn là nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp trong quản lý dự án. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính trong cấp giấy phép xây dựng được thực hiện công khai, minh bạch. Một số địa phương đã cải cách quy trình, thủ tục, rút ngắn thời hạn cấp giấy phép xây dựng theo quy định từ 30 ngày xuống còn 15 - 20 ngày, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, điển hình như Bình Dương, Cần Thơ 15 ngày; Vĩnh Long, Long An, Đà Nẵng 15 - 20 ngày. Vi phạm trật tự xây dựng giảm đáng kể, số công trình không có giấy phép năm 2015 giảm khoảng 4,3% so với năm 2014, năm 2017 giảm 1,85% so với năm 2016. Công trình xây dựng sai với giấy phép năm 2015 giảm 1% so với năm 2014, năm 2017 giảm 5,1% so với năm 2016…

Liên quan đến chi phí xây dựng, Bộ Xây dựng đã rà soát toàn bộ 14.738 định mức do Bộ công bố và loại bỏ 1.005 định mức quá lạc hậu, sửa đổi 3.289 định mức, bổ sung 1.786 định mức cho các công việc, công nghệ, thiết bị thi công mới, góp phần khắc phục thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Sửa đổi để đồng bộ hệ thống pháp luật

Tuy nhiên, cùng với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế, xã hội trong nước và tác động hội nhập quốc tế, một số nội dung của Luật Xây dựng 2014 đã bộc lộ hạn chế.

Quá trình tổng kết thi hành Luật cho thấy, một số quy định về nội dung, phạm vi, thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước, người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn… chưa phù hợp với nguyên tắc: Cơ quan quản lý nhà nước chỉ kiểm soát nội dung thuộc chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, kiểm soát sự phù hợp với quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn, phương pháp tính định mức, đơn giá của các dự án, thiết kế xây dựng. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, cơ quan tư vấn phải tự chịu trách nhiệm về các nội dung cụ thể của dự án, thiết kế xây dựng. Nội dung, thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng và cấp giấy phép xây dựng còn một số điểm trùng lặp như đánh giá về an toàn công trình, an toàn môi trường, phòng, chống cháy nổ... Điều kiện cấp giấy phép xây dựng chưa phù hợp với một số loại công trình và thời gian cấp giấy phép còn dài.

Bên cạnh đó, một số bộ, cơ quan ngang bộ có rất ít dự án hoặc dự án quy mô nhỏ, vì vậy khó duy trì Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực do không đủ kinh phí. Hơn nữa, các tập đoàn, tổng công ty đầu tư xây dựng theo nhiều hình thức và việc bắt buộc quản lý dự án thông qua Ban chuyên ngành, khu vực làm giảm tính chủ động của họ.

Một vướng mắc khác là quy định về việc phân chia dự án thành phần được thể hiện tại quyết định đầu tư. Bởi lẽ, cần phải lập, phê duyệt dự án tổng thể mới có thể phân chia dự án. Trong khi đó, nội dung này có thể được xem xét khi quyết định chủ trương đầu tư để thực hiện lập và quản lý theo các dự án thành phần hoặc quy định phân kỳ đầu tư khi phê duyệt dự án.

Đặc biệt, cả nước hiện có gần 4.500 dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở với quy mô diện tích 110,3 nghìn hecta và tổng mức đầu tư khoảng 4,8 triệu tỷ đồng, chủ yếu sử dụng nguồn vốn xã hội, tuy nhiên loại dự án này đang còn thiếu một số quy định điều chỉnh.

Theo Hội Kinh tế Xây dựng Việt Nam, hoạt động đầu tư xây dựng có phạm vi ảnh hưởng rất rộng và chịu sự điều tiết của nhiều luật. “Quá trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng còn nhiều bất cập, mà ngoài lý do về tính chất phức tạp của dự án còn do sự chồng chéo, không thống nhất giữa các quy định của pháp luật”, đại diện Hội phản ánh. Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng Tống Thị Hạnh cho biết, sau khi Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực, có một số luật liên quan được ban hành mới như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Kiến trúc, và nhiều luật khác được sửa đổi. Trước thực tế này, Hội Kinh tế Xây dựng Việt Nam kiến nghị cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung một số quy định của Luật Xây dựng 2014 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Ông Hoàng Quang Nhu, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng nhấn mạnh, việc sửa Luật càng trở nên cần thiết khi đặt trong bối cảnh Đảng, Nhà nước có một số định hướng, chủ trương về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện pháp luật về đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính… đòi hỏi phải thể chế hóa kịp thời.

Đứng trước những đòi hỏi từ thực tiễn, tại Kỳ họp thứ Bảy (tháng 6.2019), Quốc hội đã bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Khi cho ý kiến vào dự án Luật này tại phiên họp tháng 9 vừa qua, nhiều ý kiến trong UBTVQH khẳng định cần thiết phải sửa Luật Xây dựng 2014. “Chúng tôi cho rằng việc sửa đổi là cần thiết nhưng phải xác định những nội dung cấp bách để sửa”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói. Cũng tại phiên họp này, “UBTVQH nhất trí cho rằng dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết.

Hà Lan