Nga - Ấn Độ

Khả năng tạo trục mới ở châu Á

- Thứ Hai, 09/09/2019, 08:09 - Chia sẻ
Hội nghị Thượng đỉnh thường niên Ấn Độ - Nga diễn ra ở Vladivostok cách đây chưa đầy một tuần, chắc chắn dư âm của nó còn kéo dài, bởi lợi ích của hai nước thể hiện rất rõ qua những cái bắt tay chặt của các lãnh đạo cũng như khả năng tạo ra trật tự địa chính trị mới ở châu Á.

Mối quan hệ êm ấm

Theo The Diplomat, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nga xưa nay tương đối yên ả, ít khi vướng phải khúc mắc chính trị. Có thể nói không ngoa rằng, đây là mối quan hệ đối ngoại hiếm có, đứng vững trước thử thách thời gian. Thậm chí vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar đã nhấn mạnh, quan hệ Ấn - Nga là một yếu tố tương đối ổn định trong quan hệ quốc tế, hơn bất kỳ mối quan hệ quan trọng nào khác kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Thực tế, hai quốc gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao chỉ vài tháng trước khi quốc gia Nam Á này chính thức giành được độc lập khỏi đế quốc Anh vào tháng 8.1947. Thậm chí, sự khăng khít được duy trì đến mức New Delhi từng là đồng minh của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Sau khi Liên Xô sụp đổ, quan hệ đối tác kéo dài hàng thập kỷ đã chuyển sang quan hệ đặc biệt. Ngày nay, Nga và Ấn Độ hợp tác dưới nhiều thể chế khác nhau, từ khối BRICS đến hợp tác ba bên với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cả hai cũng nỗ lực tăng cường hợp tác kinh tế. Bằng chứng rõ nhất là việc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tham dự với tư cách khách mời chính tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) nhằm thúc đẩy đầu tư và kinh doanh của Ấn Độ tại vùng Viễn Đông Nga. Trong bài phát biểu tại EEF, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết sẽ cung cấp khoản vay trị giá 1 tỷ USD để phát triển vùng Viễn Đông của Nga. Đây là lần đầu tiên nước này cung cấp các khoản vay tín dụng cho một khu vực cụ thể của một quốc gia. Ông Modi cũng mời 11 Thống đốc của vùng Viễn Đông Nga đến thăm Ấn Độ để tăng cường quan hệ kinh tế song phương. Ngoài ra, hai nước còn công bố một thỏa thuận hợp tác năng lượng toàn diện, đề ra mục tiêu xây dựng một tuyến thay thế vận chuyển dầu mỏ, khí đốt và than đá từ vùng Viễn Đông. Chưa hết, Tổng thống Putin và Thủ tướng Modi tuyên bố sẵn sàng tăng cường hợp tác công nghiệp, “tạo lập quan hệ đối tác công nghệ và đầu tư mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao tiên tiến” để đưa kim ngạch thương mại giữa Moscow và New Delhi lên mức 30 tỷ USD vào năm 2025.

Vì lẽ trên, ngày càng nhiều người thừa nhận, sợi dây kinh tế Ấn - Nga có khả năng vượt qua hợp tác quốc phòng. Thực tế, New Delhi phụ thuộc khá nhiều việc nhập khẩu trang thiết bị quốc phòng từ Moscow. Theo thống kê, Nga cung cấp cho Ấn Độ hơn 60% trong tổng số vũ khí hạng nặng của quốc gia này. Mới đây lãnh đạo hai nước đã ký hợp đồng để Nga cung cấp vũ khí và kỹ thuật quân sự cho Ấn Độ trị giá 14,5 tỷ USD. Theo Giám đốc Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga Dmitry Shugaev, năm ngoái, bất chấp sức ép nặng nề từ phía Mỹ, Ấn Độ vẫn đặt hàng Nga hệ thống tên lửa phòng không S-400.

Giảm bớt phụ thuộc, xây dựng trật tự mới

 Tuy nhiên, quan trọng nhất là cả Ấn Độ và Nga có mối quan tâm chung nhằm giảm bớt phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng mang tầm khu vực. Trong khi Ấn Độ đang bị Mỹ thúc ép tăng cường quan hệ đối tác quân sự thông qua các sáng kiến khác nhau, điển hình như Đối thoại An ninh Tứ giác (Quad - vốn là diễn đàn an ninh phi chính thức gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ), thì sự gần gũi chiến lược hiện nay của Nga với Trung Quốc cũng không rõ có được bảo đảm lâu dài.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, mối hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa New Delhi và Moscow không thể bỏ qua. Thực sự, cả hai có thể được hưởng lợi rất nhiều nhờ liên kết chiến lược trước thế cạnh tranh địa chính trị hiện nay giữa Bắc Kinh và Washington tại châu Á. Trong khi Trung Quốc có rất ít lý do để rút bớt hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Mỹ tiếp tục cố gắng tập hợp các quốc gia có cùng chí hướng để theo dõi động thái của Bắc Kinh.

Là một bên liên quan quan trọng tại châu Á, theo một số nhà bình luận, Ấn Độ có lợi ích hiển nhiên khi chứng kiến Trung Quốc rơi vào thế bất lợi. Tuy nhiên, nước này vẫn rất thận trọng với ý tưởng ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới thường tỏ thái độ thận trọng khi né tránh công khai phản đối Trung Quốc tại khu vực. Đồng thời, New Delhi cũng không muốn theo sau Mỹ vì lo ngại quyền tự chủ chiến lược của mình bị tổn hại. Vì vậy, đối với Ấn Độ, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương phần lớn là hợp tác hoặc tương tác miễn cưỡng.

Trong khi đó, Nga nhận ra rằng, nhu cầu hồi sinh các mối quan hệ Á - Âu có thể làm phức tạp quan hệ chiến lược khăng khít với Trung Quốc, nhất là khi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của đất nước gấu trúc đang tỏ rõ những chồng chéo trong phạm vi ảnh hưởng truyền thống. Đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Nga đang phải chơi những quân cờ khéo léo, xem xét tạo dựng quan hệ với nhiều chủ thể khác nhau. Thực tế, với mục tiêu phát triển vùng Viễn Đông, đương nhiên Nga có có quyền lợi riêng trong việc tạo mối liên kết giữa Ấn Độ Dương và Bắc Thái Bình Dương.

Khi Ấn Độ bày tỏ quan tâm đến việc bảo vệ nguồn cung năng lượng từ vùng Viễn Đông Nga, quan hệ song phương càng trở nên gắn bó, đạt đến mức hội tụ chiến lược liên quan đến các vấn đề khu vực. Chẳng hạn, đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Ấn Độ và Nga đã đưa ra chiến lược độc đáo nhằm thực hiện các chính sách của mình. Theo nhiều nhà quan sát, trong khi New Delhi tìm cách thoát khỏi sự cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Á, thì Moscow đưa ra một chiến lược đầy hấp dẫn dưới hình thức EEF nhằm củng cố và tăng cường quan hệ với các quốc gia châu Á ngoài Trung Quốc như Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia… thay vì chỉ bắt tay với Bắc Kinh trong các vấn đề liên quan đến Viễn Đông, Trung Á và châu Á nói chung.

Những kịch bản như vậy mở rộng phạm vi cho một trật tự thứ ba tập trung vào quan hệ Ấn - Nga. Trật tự thứ nhất do Mỹ lãnh đạo, được gói gọn ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, Afghanistan và chiến lược Trung Quốc (chiến tranh thương mại), đã dẫn đến nhiều gián đoạn tại châu Á. Trong khi đó, trật tự thứ hai do Trung Quốc lãnh đạo cũng làm nảy sinh những căng thẳng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương như tranh chấp Biển Đông, Afghanistan (đòn bẩy chiến lược đối với Pakistan) hay chiến lược đối với Mỹ của Bắc Kinh (cũng thông qua chiến tranh thương mại).

Do vậy, theo nhiều nhà quan sát, trật tự thứ ba không chỉ cần phản ánh thực tế địa chính trị trong khu vực mà còn nên dựa trên khuôn khổ đa cực cũng như quy tắc các bên cùng có lợi. Nếu làm được như vậy, quan hệ song phương giữa xứ sở Bạch Dương và cái nôi của văn minh sông Hằng không chỉ được nâng lên một tầm cao mới mà còn mang đến viễn cảnh mới mẻ về cách giải quyết các vấn đề trong khu vực.

Ngọc Minh