Australia

Kêu gọi minh bạch hóa quyền sở hữu nguồn nước

- Thứ Ba, 14/07/2020, 08:04 - Chia sẻ
Khi mối quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh xấu đi và những lo ngại về hạn hán, thiếu nước đã khiến nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát nguồn nước của Australia. Các chuyên gia ở nước này cũng kêu gọi minh bạch hóa về quyền sở hữu nguồn nước của họ.

Khi nước trở thành ngành công nghiệp tỷ đô

Nước lần đầu tiên trở thành hàng hóa có thể giao dịch ở một số vùng của Australia vào những năm 1980, nhưng qua nhiều năm, thị trường này đã phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá 3 tỷ AUD (2,08 tỷ USD) mỗi năm - lớn nhất thế giới.

Ở Australia, lục địa khô cằn nhất trên Trái đất, nông dân sở hữu đất đai cũng được cấp quyền sở hữu nước để giao dịch trên thị trường và bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, bao gồm các thực thể nước ngoài, đều có thể đầu tư vào thị trường này. Mặc dù Chính phủ Australia có cơ quan đăng ký quyền sở hữu nước ngoài đối với các quyền sở hữu nước, nhưng chi tiết về các khoản đầu tư không được công khai và báo cáo cho thấy những nhà đầu tư này có thể không phải lúc nào cũng minh bạch.

Tháng trước, báo cáo cập nhật đăng ký quyền sở hữu nước ngoài đối với nguồn nước của Australia cho thấy Trung Quốc là chủ sở hữu nước ngoài lớn nhất đối với nguồn nước tại Australia, theo sau là Mỹ. Tính đến tháng 6 năm ngoái, các nhà đầu tư Trung Quốc sở hữu 765 gigalít (1 gigalít là 1 tỷ lít nước), chiếm 1,9% số lượng nước được giao dịch trên thị trường. Trong khi đó Mỹ, sở hữu 713 gigalít, tương đương 1,85% số nước của Australia trên thị trường. Chủ sở hữu tiếp theo là Anh với 394 tỷ lít nước. Canada, Singapore, Pháp, Thụy Sỹ, Hong Kong (Trung Quốc), Bỉ và Hà Lan chia nhau top 10 chủ sở hữu nước ngoài nguồn nước của Australia. Khoảng 10,5% số lượng nước ở Australia thuộc sở hữu nước ngoài, tăng từ 10,4% hồi tháng 6.2018.

Bên cạnh đó, khoảng 10,5% hệ thống sông lớn nhất Australia và lưu vực sông Murray Darling hiện thuộc sở hữu nước ngoài. Gần 1/3 bề mặt nước ở phía Bắc của lưu vực đã được bán cho chủ sở hữu quốc tế.

Hạn hán nghiêm trọng ở Australia 

Mối lo ngại về an ninh

Báo cáo chi tiết mới nhất về quyền sở hữu nước của các nhà đầu tư nước ngoài đã châm ngòi cho làn sóng chỉ trích Trung Quốc trên truyền thông Australia. Một trong những tờ báo lớn nhất Australia còn lên trang nhất bài viết có tiêu đề: “Trung Quốc và đòn tra tấn bằng nước”. Hơn một chục tờ báo khác trên khắp Australia cũng đào bới vấn đề này và những âm mưu liên quan đến Trung Quốc và an ninh của nước Australia. Người dẫn chương trình buổi sáng trên đài phát thanh nổi tiếng của Australia thậm chí nói rằng Trung Quốc đã “thò cả hai tay vào nguồn nước của chúng ta” và “nông dân của chúng ta đang bị cướp đi” thứ cốt yếu nhất.

Tuy nhiên, GS. Quentin Grafton, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Môi trường và Chính sách của ĐH Quốc gia Australia cho rằng, kinh doanh nước mang lại lợi ích đáng kể, quyền sở hữu nước ngoài đối với nguồn nước của Australia không phải là vấn đề. Chuyên gia này nhận định, việc tập trung vào quyền sở hữu nước của Trung Quốc làm phân tâm những vấn đề cần được quan tâm hơn như khai thác quá mức nguồn nước và thiếu minh bạch về quyền sở hữu nước. “Quan trọng hơn là biết ai sở hữu nước, chúng ta cần biết chính xác lượng nước đó là bao nhiêu và ở đâu, nó đang được sử dụng cho mục đích gì”, GS. Quentin Grafton nói.

GS. Quentin Grafton khẳng định: “Về quy mô của thị trường nước, tính chất cạnh tranh của thị trường và số lượng giao dịch, Australia thực sự nổi bật, vì vậy điều chúng ta thực sự cần là thông tin minh bạch trong thời gian lưu trữ của nước. Điều này sẽ cho phép chúng ta quản lý nước một cách hiệu quả”.

Cần sự minh bạch

Theo thống kê, lượng nước có sẵn trong hệ thống sông chính tại Australia đã giảm dần và chi phí nước tăng đều đặn kể từ khi nước trở thành hàng hóa có thể giao dịch. Nhưng vào tháng 7 năm ngoái, năm nóng nhất và khô hạn kỷ lục tại Australia, chi phí nước ở lưu vực sông Murray-Darling đã đạt mức cao kỷ lục 550 AUD/megalit, tăng gần 140% từ 230 AUD một năm trước, thậm chí thời có khi cao điểm lên đến 1.000 AUD/megalit.

Nông dân Australia phải vật lộn và cạnh tranh gay gắt vì nguồn nước khan hiếm và giá cả đắt đỏ. Nông nghiệp là ngành sử dụng nhiều nguồn nước từ các nhà cung cấp nước Trung Quốc và Mỹ nhất. Nông dân đối mặt với hạn hán kéo dài và không thể mua được nước bởi các nhà thầu nước ngoài thường trả giá cao hơn.

"Trung bình để trả 1 USD cho giấy phép sử dụng nước, nông dân phải trả đến 1,30 USD bao gồm thuế", Chủ tịch Nhóm đặc trách về nước của Hội Nông dân New South Wales (NSW) Xavier Martin nói. Tại trung tâm NSW, nhiều người đang yêu cầu minh bạch trong hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn nước, bởi nông dân không thể cạnh tranh với giới đầu tư nước ngoài.

Đã xuất hiện nhiều khiếu nại cho rằng, các công ty, cả trong và ngoài nước, đang tăng chi phí nước và thao túng thị trường. "Giá cả biến động lớn, có khi tăng gấp đôi chỉ trong một tuần từ 300 lên 600 USD/megalit", Paula Hanson, một nông dân ở NSW, bức xúc. "Sự minh bạch trong hệ thống sẽ giúp những người mua nhỏ có được nguồn nước cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hạn hán, cháy rừng và dịch Covid-19 như hiện nay".

Trước tình hình này, Bộ trưởng Tài nguyên nước Australia Keith Pitt cho biết, Chính phủ đã giao Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) điều tra vấn đề trên, đồng thời sẽ cập nhật sổ đăng ký sở hữu nước ngoài thường xuyên hơn nhằm minh bạch đấu thầu tài nguyên nước.

GS. Grafton cho rằng, việc công bố báo cáo của ACCC vào cuối năm nay sẽ mang lại sự rõ ràng về những lo ngại thao túng thị trường. “Nếu bạn nhìn vào thị trường tổng thể, họ sẽ tăng và giảm giá dựa trên lượng nước có sẵn, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể đầu cơ hoặc thao túng thị trường ở những địa điểm cụ thể vào những thời điểm cụ thể của từng cá nhân cụ thể”, ông nói. “Nếu chúng ta có sự minh bạch về mọi công ty và cá nhân sở hữu, chúng ta sẽ biết họ đang trích xuất bao nhiêu, lưu trữ bao nhiêu và sử dụng nó để làm gì. Dĩ nhiên mọi người không tạo ra bất cứ câu chuyện nào vô cớ cả”.

Quốc Đạt
Tổng hợp từ SCMP