Hiến pháp năm 2013

Kết quả thực thi bước đầu các quy định về kinh tế và quyền tự do kinh doanh

- Thứ Tư, 18/09/2019, 08:17 - Chia sẻ
Hiến pháp năm 2013, cơ sở hiến định cho thời kỳ phát triển mới của đất nước, đã đi vào cuộc sống trên 5 năm, mang đến những kết quả bước đầu quan trọng, khá toàn diện. Bài viết này giới thiệu kết quả thực thi bước đầu các quy định của Hiến pháp 2013 về kinh tế và quyền tự do kinh doanh, tập trung vào các hoạt động của QH.

Những kết quả bước đầu

Trong hoạt động lập pháp, QH Khóa XIII, Khóa XIV đến nay đã ban hành trên 100 luật, bộ luật để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, trong đó có nhiều luật, bộ luật về kinh tế và quyền tự do kinh doanh. Đáng chú ý, QH đã ban hành 2 luật được đánh giá là có sự cải cách, đột phá mạnh mẽ là Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2014. Cụ thể hóa nguyên tắc hiến định mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, Luật Đầu tư năm 2014 quy định 6 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện (đã giảm xuống 243 ngành nghề theo Luật sửa đổi, bổ sung năm 2016). Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bãi bỏ nguyên tắc doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những ngành nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trong nhóm luật về tài nguyên thiên nhiên phải kể đến Luật Đất đai năm 2013. Luật đã căn cứ, cụ thể hóa Điều 53 và Điều 54 của Hiến pháp với trên 200 điều luật, trong đó có nhiều điều quy định các nội dung mới về Nhà nước giao đất, cho thuê đất, quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng đất, các trường hợp thu hồi đất, bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư, trưng dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, định giá đất...

Đối với nhóm luật về tài chính công, tài sản công có Luật Đầu tư công năm 2014 (đã được thay thế bằng Luật năm 2019), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, Luật Ngân sách nhà nước 2015, Luật Quản lý nợ công năm 2017, Luật Quản lý tài sản công năm 2017.

Cùng với đó, QH đã ban hành nhiều Nghị quyết về các vấn đề quan trọng của đất nước trong lĩnh vực kinh tế. Ngoài nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính quốc gia, ngân sách nhà nước, Quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất…; QH đã ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương…

Quyết định của Quốc hội về các vấn đề quan trọng của đất nước đã có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội. So sánh một số chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội cuối năm 2013 và cuối năm 2018 cho thấy sự phát triển rõ rệt. Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng từ 171,22 tỷ USD lên 240,5 tỷ USD, GDP bình quân đầu người tăng từ 1.871,33 USD lên 2.587 USD, tổng thu ngân sách nhà nước tăng từ 828,35 nghìn tỷ đồng lên 1.358,4 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,8% xuống dưới 6% (theo chuẩn nghèo đa chiều).

Trong hoạt động giám sát, từ năm 2014 đến nay, QH đã giám sát tối cao việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014; việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2016; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. UBTVQH đã tiến hành giám sát hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh của 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ; việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016…

Bốn vấn đề lớn đang đặt ra

Một là, một số nội dung, khái niệm về kinh tế, thể chế kinh tế trong Hiến pháp cần được tiếp tục phân tích, giải thích thống nhất trong quá trình cụ thể hoá bằng luật như: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “Kinh tế nhà nước là chủ đạo”, “Tài sản công thuộc sở hữu toàn dân”, “Nhà nước đại diện chủ sở hữu”, “Nhà nước thống nhất quản lý”, “Phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, “ Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”, “Liên kết kinh tế vùng”, “Vấn đề quan trọng của đất nước”, “Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương”, “Quốc hội quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Hai là, chất lượng thiết kế, xây dựng luật trong lĩnh vực kinh tế chưa cao, một số luật thiếu tính đồng bộ, tính khả thi, tính bao quát và ổn định. Cụ thể, Luật Quy hoạch năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019 nhưng phát sinh một số vướng mắc, khó thực hiện nên phải trình UBTVQH ban hành Nghị quyết giải thích. Hay như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 có hiệu lực từ thi hành từ 1.1.2018 nhưng đến nay (tháng 9.2019), các điều khoản ưu đãi về thuế của Luật này không thực hiện được do QH chưa sửa đổi, bổ sung luật thuế có liên quan hoặc ban hành Nghị quyết thí điểm áp dụng ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một số luật vừa mới được thi hành một thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung một số điều, thậm chí sửa đổi toàn bộ như Luật Đầu tư công. Một số luật theo nghị quyết của QH phải được ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp nhưng đến nay vẫn trong tình trạng nghiên cứu kéo dài, chưa xác định được thời hạn trình QH.

Ba là, tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp quyền trong hoạt động đầu tư kinh doanh và quản lý kinh tế chưa được đặt lên hàng đầu, còn bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, chủ nghĩa thân hữu.

Bốn là, thiếu cơ chế giám sát và bảo vệ Hiến pháp chuyên nghiệp và hữu hiệu, chưa có cơ chế khiếu kiện văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với luật hoặc trái với văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trên ban hành; hệ thống hành chính vẫn còn nhiều tầng nấc, thủ tục bất hợp lý, còn nhũng nhiễu, níu giữ nhiều “giấy phép mẹ, giấy phép con”; năng lực giải quyết tranh chấp đầu tư và thương mại của Tòa án còn hạn chế, cùng với sự chậm trễ, khó khăn trong thi hành án.

Bảy đề xuất

Một là, tiếp tục truyền thông bằng nhiều hình thức hữu hiệu về Hiến pháp và kết quả triển khai thực thi bước đầu các quy định về kinh tế trong toàn xã hội và cộng đồng doanh nghiệp.

Hai là, ban hành đầy đủ, có chất lượng các luật để tiếp tục cụ thể hoá và thực thi Hiến pháp trong cuộc sống, hoàn thiện thể chế kinh tế, thúc đẩy quyền tự do kinh doanh. Cụ thể, ban hành Luật về hội để tạo khuôn khổ luật định cho việc thành lập và hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Luật về các vùng kinh tế - xã hội, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư...

Ba là, thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền hợp lý và khoa học trong việc quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, xác định đúng các vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền quyết định của QH, các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành và địa phương trên cơ sở quy định của Hiến pháp.

Bốn là, tăng cường giám sát có hiệu quả, hiệu lực việc thực thi Hiến pháp, trong đó có các quy định về kinh tế, quyền tự do kinh doanh, bãi bỏ các văn bản trái với Hiến pháp, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm Hiến pháp.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện bộ máy nhà nước về quản lý kinh tế; tiếp tục kiện toàn các cơ quan của QH và bộ máy tham mưu giúp việc; nâng cao năng lực công tác thẩm tra, giám sát; lựa chọn, giới thiệu nhiều hơn các chuyên gia pháp luật, kinh tế, tài chính có trình độ và kinh nghiệm thực tiễn để được bầu làm ĐBQH chuyên trách và tham gia các cơ quan chuyên môn có liên quan đến kinh tế của QH…

Sáu là, có cơ chế tham vấn bắt buộc ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực thi và giám sát việc thực thi thể chế, chính sách kinh tế theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp.

Bảy là, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 vào quá trình giải quyết các vấn đề kinh tế và quyền tự do kinh doanh gắn với nền kinh tế số.

Thời gian trên 5 năm triển khai thực thi Hiến pháp mới chưa phải là dài, nhưng kết quả đạt được bước đầu có ý nghĩa rất quan trọng và rất đáng ghi nhận. Việc sơ kết, đánh giá kết quả đó là hết sức cần thiết để có thể rút ra những bài học quý giá và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mới cho việc tiếp tục thực thi thành công Hiến pháp trong thời gian tới.

Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Khóa XII và XIII, nguyên Phó Trưởng Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp