Kết quả giám sát phải thể hiện rõ quan điểm của đoàn giám sát

- Thứ Bảy, 23/06/2012, 08:35 - Chia sẻ
Báo cáo kết quả giám sát không chỉ thể hiện toàn bộ kết quả quá trình giám sát mà còn là cơ sở để kiến nghị những vấn đề đặt ra sau giám sát. Điều quan trọng là báo cáo giám sát phải thể hiện được quan điểm của đoàn giám sát.

Có thể coi báo cáo giám sát là công đoạn cuối của một cuộc giám sát chuyên đề. Bởi theo Quy chế hoạt động của HĐND, đối với hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, sau khi xem xét báo cáo của đoàn giám sát, Thường trực HĐND sẽ kết luận và kết luận được gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Còn đối với giám sát của các ban HĐND, ban HĐND xem xét báo cáo của đoàn giám sát, sau đó báo cáo kết quả giám sát được gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Kết quả phản ánh trong báo cáo giám sát thể hiện chất lượng công tác giám sát, tiến hành giám sát và xem xét báo cáo của đoàn giám sát. Báo cáo của đoàn giám sát là cơ sở đề Thường trực HĐND kết luận; ban HĐND xem xét báo cáo, kết luận và ban hành báo cáo giám sát gửi tới cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát để thực hiện kiến nghị sau giám sát.

Mặc dù báo cáo kết quả giám sát quan trọng như vậy nhưng trên thực tế không ít báo cáo giám sát chất lượng còn thấp, thể hiện rõ nhất là đánh giá chung chung, dàn trải, không chỉ rõ được việc làm được, chưa làm được, hạn chế, khó khăn, các vi phạm. Nhiều khi, báo cáo giám sát không đưa được các kiến nghị cụ thể, xác đáng nên cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát có thể thực hiện, có thể không. Như thế việc theo dõi, đôn đốc kiến nghị sau giám sát khó có thể thực hiện được.

Để có báo cáo giám sát chất lượng phải bắt đầu từ quá trình giám sát chất lượng. Thực tế, bên cạnh những cuộc giám sát được đầu tư công phu từ khâu chuẩn bị đến tổ chức giám sát cũng còn không ít những cuộc giám sát mang tính hình thức. Do không được chuẩn bị kỹ lưỡng, quá trình giám sát chủ yếu nghe báo cáo, tiếp nhận thông tin một chiều nên không làm rõ được đâu là hạn chế, khuyết điểm, sai phạm. Mặc dù Luật Tổ chức HĐND và UBND, Quy chế hoạt động của HĐND đều quy định Đoàn giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát báo cáo bằng văn bản, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát, giải trình những vấn đề mà đoàn giám sát quan tâm; xem xét, xác minh tại chỗ những vấn đề đoàn thấy cần thiết. Tuy nhiên, những quyền hạn này trên thực tế chưa được phát huy toàn diện, hiệu quả. Quá trình giám sát, đoàn giám sát chủ yếu nghe các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát báo cáo bằng văn bản và nghe giải trình một số nội dung trong báo cáo, rất ít khi yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu để đổi chiếu, so sánh đưa ra nhận xét, đánh giá cụ thể những những việc chưa làm được, hạn chế, tồn tại. Chính vì vậy, báo cáo giám sát cũng chủ yếu dựa vào báo cáo của cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát.

Vấn đề nữa là việc kết luận sơ bộ của người chủ trì đoàn giám sát. Điều này rất quan trọng, bởi nội dung kết luận là cơ sở xây dựng báo cáo giám sát chất lượng. Nếu tại cuộc giám sát người chủ trì giám sát kết luận, đánh giá ưu điểm, hạn chế của cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát thì thư ký, chuyên viên giúp việc sẽ căn cứ vào kết luận của từng buổi làm việc để tổng hợp, xây dựng báo cáo giám sát. Nhưng không ít cuộc giám sát không đánh giá được, hoặc đánh giá, kết luận chung chung, chủ yếu nhắc lại một số kết quả, hạn chế đã nêu trong báo cáo của tổ chức, đơn vị chịu sự giám sát. Thậm chí có trường hợp đoàn chưa kết luận mà báo cáo Thường trực HĐND (hoặc ban HĐND) để kết luận sau… nên việc tổng hợp, xây dựng báo cáo hết sức khó khăn. Nhiều khi chuyên viên, thư ký phải tự đối chiếu, so sánh để đưa nhận xét, đánh giá của cá nhân vào dự thảo báo cáo giám sát.

Cách xây dựng, thể hiện nội dung của báo cáo kết quả giám sát cũng là vấn đề phải được quan tâm. Theo Quy chế hoạt động của HĐND, báo cáo giám sát kết quả nêu rõ việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, việc làm được, việc chưa làm được, hạn chế, khó khăn, vi phạm pháp luật (nếu có) và các kiến nghị của đoàn thông qua hoạt động giám sát. Như vậy, các nội dung của báo cáo kết quả giám sát phải xuất phát từ quá trình tiến hành hoạt động giám sát. Tuy nhiên, không ít báo cáo kết quả giám sát giống như một báo cáo tổng hợp kết quả của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát: cũng có đầy đủ kết quả, khó khăn, hạn chế, kiến nghị nhưng chỉ có điều là hầu hết những nội dung đó là của... cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát(?!). Vì tổng hợp từ các báo cáo của cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát, không có đánh giá khái quát hoặc xác định các nội dung trọng tâm, nên nhiều báo cáo kết quả giám sát dài đến 20 - 25 trang nhưng chất lượng thấp. Có cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát đã đề nghị đánh giá khái quát và thu gọn, rút ngắn báo cáo kết quả giám sát.

Khắc phục tình trạng trên để nâng cao chất lượng báo cáo giám sát cần thực hiện nghiêm quy định trong quy chế hoạt động của HĐND (những nhận xét, đánh giá, kiến nghị phải từ hoạt động giám sát). Cần kết hợp đánh giá qua báo cáo của cơ quan tổ chức chịu sự giám sát với xem xét các tài liệu liên quan, ý kiến giải trình, giám sát thực tế tại cơ sở và đối chiếu với các quy định của pháp luật, nghị quyết của HĐND. Báo cáo kết quả giám sát phải thể hiện trí tuệ và quan điểm của đoàn giám sát, chứ không phải là “bản sao”, tổng hợp báo cáo của các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát.

Huyền Lê