Bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu dân cử

Kết hợp lý thuyết với thực tế

- Thứ Tư, 10/10/2018, 07:47 - Chia sẻ
Kinh nghiệm cho thấy, việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho các đại biểu HĐND cần được tiến hành thường xuyên với nhiều hình thức, cập nhật nội dung, quy định mới, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của từng địa phương. Chú trọng tập huấn theo chuyên đề, nhất là đối với những vấn đề chưa có quy định cụ thể. Đặc biệt, cần kết hợp lý thuyết với thực hành bằng những mẫu bài tập, tình huống cụ thể; kết hợp nghiên cứu tại hội trường với tham quan thực tế mô hình hoạt động ở địa phương.

Bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng cơ bản

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận luôn chú trọng, quan tâm đến công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kinh nghiệm cho đại biểu HĐND các cấp. Nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đại biểu HĐND các cấp được đưa vào kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 30.12.2016 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Hàng năm, theo đề nghị của Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, Ban Công tác đại biểu - UBTVQH, qua xem xét những tồn tại, hạn chế trong công tác của Thường trực, các Ban, đại biểu HĐND các cấp, Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp nhu cầu, đăng ký, đề xuất tổ chức bồi dưỡng.

ĐCác đại biểu tham dự lớp bồi dưỡng kỹ năng, kinh nghiệm cho thành viên các Ban HĐND các cấp tỉnh Ninh Thuận, nhiệm kỳ 2016 - 2021
Ảnh: Yến Thảo

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bên cạnh lớp bồi dưỡng cho đại biểu HĐND tỉnh do Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử tổ chức, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo, phối hợp tổ chức bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cấp huyện, xã với các chuyên đề: Tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND; kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND; quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021... Một số chuyên đề do trực tiếp Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban HĐND tỉnh tham gia báo cáo.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động cho các Ban HĐND, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử tổ chức lớp bồi dưỡng cho đại biểu là Thường trực, lãnh đạo và thành viên các Ban HĐND các cấp về các chuyên đề: Kỹ năng, kinh nghiệm tổ chức hoạt động thẩm tra, giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban và Tổ đại biểu HĐND (trong lĩnh vực tài chính công, đầu tư công); vai trò của HĐND trong chính quyền địa phương; quy trình xây dựng, ban hành nghị quyết của HĐND… Báo cáo viên là các chuyên gia thuộc Ban Công tác đại biểu, đại biểu dân cử có kinh nghiệm hoạt động nhiều khóa tại UBTVQH.

Với phương pháp truyền đạt khoa học, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, đồng thời có sự trao đổi, thảo luận giữa báo cáo viên và các đại biểu đã nâng cao tính tích cực, chủ động của đại biểu, giúp cho đại biểu tiếp thu các nội dung bồi dưỡng, tập huấn đạt hiệu quả. Qua đó, các đại biểu HĐND đã có nhận thức đầy đủ kiến thức pháp luật về cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước tại địa phương; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND; những vấn đề cơ bản nhất các quy định pháp luật về hoạt động giám sát, xây dựng và ban hành nghị quyết của HĐND; kỹ năng thảo luận và chất vấn tại kỳ họp HĐND; kỹ năng TXCT, tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân;  kỹ năng thẩm tra về ngân sách địa phương của các Ban HĐND... Đây chính là những kiến thức, kỹ năng cơ bản để các đại biểu thực hiện chức năng, nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND nói riêng và của HĐND các cấp nói chung.

Kết hợp lý thuyết với thực hành

 Để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, phải bắt đầu từ nâng cao vai trò, trách nhiệm và năng lực hoạt động của từng đại biểu HĐND. Thực tế, việc tiếp cận, hiểu đúng, đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật không phải đại biểu nào cũng làm được; nhất là những đại biểu lần đầu tham gia hoạt động HĐND. Do đó, ngoài tự thân nỗ lực phấn đấu, tìm tòi, nghiên cứu, việc tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kinh nghiệm cho đại biểu HĐND chính là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.

Nhìn chung, hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Ninh Thuận đã đi vào nền nếp, chất lượng hoạt động của đa số đại biểu HĐND các cấp đã được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, trình độ của một số đại biểu HĐND, nhất là ở cấp xã, huyện có lúc, có việc chưa đáp ứng yêu cầu; kỹ năng hoạt động của một số đại biểu còn hạn chế, chưa phát huy được trí tuệ trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, cũng như trong thực hiện chức năng giám sát, hoạt động TXCT, tiếp công dân… Do đó, việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND luôn cần thiết và là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.

Kinh nghiệm cho thấy, việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho các đại biểu HĐND cần được tiến hành thường xuyên với nhiều hình thức. Nội dung bồi dưỡng cần thiết thực, cập nhật nội dung, quy định mới, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của từng địa phương. Quan tâm biên soạn thành tập tài liệu về kỹ năng hoạt động của HĐND. Chú trọng tổ chức tập huấn theo chuyên đề, tình huống cụ thể, nhất là đối với những vấn đề chưa có quy định cụ thể. Một số kỹ năng cần được quan tâm bồi dưỡng như: Kỹ năng phát hiện vấn đề qua giám sát báo cáo; đặt vấn đề chất vấn; kỹ năng thẩm tra dự thảo nghị quyết; kỹ năng TXCT để bảo đảm nắm bắt, tiếp thu đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri; cách thức tổ chức TXCT theo chuyên đề; hình thức giám sát kết quả giải quyết các kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Đội ngũ giảng viên, báo cáo viên phải có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm hoạt động tại cơ quan dân cử. Trước khi tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng, cần khảo sát, đánh giá năng lực của đại biểu để phân loại. Từ đó, có hình thức, nội dung tập huấn, bồi dưỡng cho phù hợp với nhóm đối tượng. Đặc biệt, cần kết hợp lý thuyết với thực hành bằng những mẫu bài tập, tình huống cụ thể đã xảy ra trong thực tiễn; kết hợp nghiên cứu tại hội trường với tham quan thực tế mô hình hoạt động ở địa phương.

Trần Minh Lực - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận