Giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Tuyên Quang

Kết hợp giám sát thực tế với xem xét tài liệu

- Thứ Ba, 29/01/2019, 07:58 - Chia sẻ
Bên cạnh chuẩn bị kỹ, phân công trách nhiệm cụ thể các thành viên, đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Tuyên Quang đã kết hợp giám sát thực tế với xem xét tài liệu. Đồng thời, bố trí thời gian hợp lý tại kỳ họp để HĐND tỉnh thảo luận về báo cáo của đoàn giám sát, xem xét thông qua dự thảo nghị quyết chuyên đề về kết quả giám sát. Những cách làm này đã góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh.

Sát thực tiễn, tập trung vào những vấn đề “nóng”

Kinh nghiệm cho thấy, cần sớm xây dựng chương trình giám sát của HĐND; xây dựng dự thảo nghị quyết về chương trình giám sát, nghị quyết về thành lập đoàn giám sát, kế hoạch, đề cương giám sát. Nội dung, chương trình, đối tượng giám sát được xem xét, lựa chọn kỹ, tránh trùng lặp với các cuộc kiểm tra, thanh tra, giám sát khác của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Đây là khâu đầu tiên và rất quan trọng để xác định chương trình giám sát của HĐND trong năm tiếp theo. Vì vậy, ngay từ đầu năm, Thường trực HĐND tỉnh đã có văn bản xin ý kiến của các cơ quan và cá nhân liên quan về nội dung cần giám sát. Trên cơ sở đó, cùng với ý kiến, kiến nghị của cử tri tại địa phương, dự kiến chương trình giám sát của HĐND tỉnh, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trước khi trình HĐND tỉnh quyết định tại kỳ họp giữa năm.


Đoàn giám sát HĐND tỉnh Tuyên Quang gặp gỡ, nghe kiến nghị người dân tái định cư thôn Nà Thôm, xã Thanh Tương, huyện Na Hang 
Ảnh: Thủy Châu

Quá trình chuẩn bị tờ trình và dự thảo nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh cũng làm việc với các cơ quan liên quan để khảo sát, nắm thêm tình hình về nội dung dự kiến giám sát; dự thảo nghị quyết thành lập đoàn giám sát, kế hoạch, đề cương giám sát để trình HĐND tỉnh.

Thành phần đoàn giám sát chuyên đề của HĐND gồm Thường trực, Phó Trưởng các Ban, một số đại biểu HĐND tỉnh am hiểu về lĩnh vực cần giám sát, đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, Thường trực HĐND các huyện, thành phố nơi đoàn đến giám sát. Kế hoạch giám sát xác định rõ được mục đích, yêu cầu, căn cứ giám sát, phạm vi, đối tượng, nội dung, phương pháp, các bước và thời gian thực hiện giám sát. Đề cương giám sát yêu cầu phải nêu khái quát tình hình liên quan đến nội dung giám sát; đánh giá được ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, giải pháp khắc phục và các kiến nghị, đề nghị của đơn vị được giám sát.

Do có sự chuẩn bị kỹ và chỉ đạo của cấp ủy, chương trình giám sát của HĐND, trong đó có hoạt động giám sát chuyên đề luôn sát thực tiễn, tập trung vào những vấn đề “nóng”, được cử tri trong tỉnh quan tâm. Bên cạnh đó, việc sớm ban hành nghị quyết về thành lập đoàn giám sát, kế hoạch, đề cương giám sát đã tạo điều kiện cho các cơ quan tham mưu, giúp việc HĐND tỉnh và các đơn vị chịu sự giám sát có thời gian chuẩn bị kỹ nội dung liên quan; thành viên đoàn giám sát và các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát cũng chủ động trong sắp xếp, bố trí lịch công tác cho phù hợp.

Phân công cụ thể nhiệm vụ

Để chuẩn bị tốt cho cuộc giám sát, đoàn giám sát của HĐND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện cuộc giám sát. Trong đó, nêu rõ cách thức giám sát tại các cơ quan, đơn vị, phân công các tổ giám sát tại các cơ quan, đơn vị khác nhau, nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong đoàn và cử tổ thư ký (là lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng HĐND tỉnh) phục vụ đoàn giám sát. Ngoài ra, đoàn giám sát còn xây dựng lịch giám sát cụ thể tại các cơ quan, đơn vị (trung bình, mỗi huyện thời gian giám sát là 3 ngày, mỗi sở thời gian giám sát1 ngày).

Trước khi tổ chức giám sát, đoàn đã họp thống nhất cách thức tổ chức thực hiện; trình tự, thủ tục tổng hợp, xây dựng báo cáo. Việc tổng hợp được thực hiện ngay từ khi nhận được báo cáo của các đơn vị giám sát. Quá trình giám sát, sau mỗi đơn vị, địa phương được giám sát, thư ký tổng hợp chung ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, kiến nghị gửi đồng chí thư ký chung để tổng hợp. Khi có dự thảo báo cáo chung, tổ thư ký phân công các thành viên chịu trách nhiệm rà soát, kiểm tra, đối chiếu từng số liệu. Báo cáo phải được xây dựng theo phương pháp nhận định, chứng minh; các hạn chế phải xác định được nguyên nhân để kiến nghị giải pháp khắc phục; đưa ra được các kiến nghị với Trung ương và địa phương sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách để thực hiện tốt hơn nội dung được giám sát.

Thực tế giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Tuyên Quang cho thấy, chỉ khi có sự phân công trách nhiệm, các thành viên trong đoàn giám sát mới hiểu rõ công việc của mình khi giám sát tại cơ sở; tiếp tục nghiên cứu để có sự chuẩn bị tốt hơn trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Lấy kết quả giám sát tại cơ sở để so sánh, đối chiếu

Quá trình giám sát tại cơ sở, đoàn giám sát đã kết hợp giữa xem xét tài liệu tại đơn vị được giám sát với giám sát thực tế kết quả thực hiện. Chẳng hạn, khi giám sát việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Tuyên Quang tại các xã có nhân dân tái định cư (Quý I.2018), Đoàn giám sát vừa xem xét báo cáo, tài liệu liên quan tại trụ sở UBND xã, vừa xem xét thực tế việc thực hiện quy hoạch khu dân cư tái định cư, cấp đất ở, đất sản xuất, làm đường giao thông, xây dựng các công trình thủy lợi, nước sạch tập trung, giải quyết công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động cho người dân tái định cư. Trên cơ sở đó, có kết luận rõ ràng, thống nhất với UBND xã (bằng biên bản làm việc) việc làm được, không làm được, cần phải tiếp tục thực hiện trong thời gian tiếp theo.

Khi giám sát tại UBND huyện, lấy kết quả giám sát tại cơ sở để so sánh, đối chiếu với báo cáo của UBND huyện và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, địa phương. Khi làm việc với các sở, ngành, lấy kết quả giám sát tại huyện, thành phố để đối chiếu với báo cáo của các sở, ngành. Cách thức này đã đem lại hiệu quả rõ rệt, được các cơ quan, đơn vị được giám sát ủng hộ.

Xem xét, thảo luận tại kỳ họp

Thực tế khi xây dựng chương trình kỳ họp, nên bố trí thời gian hợp lý để HĐND tỉnh xem xét, thảo luận về báo cáo của đoàn giám sát, xem xét thông qua dự thảo nghị quyết chuyên đề về kết quả giám sát. Tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 7.2018), HĐND tỉnh Tuyên Quang đã dành 1 buổi xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Tuyên Quang theo Quyết định số 1766/QĐ-TTg ngày 10.10.2011 của Thủ tướng Chính phủ; nghe UBND tỉnh, Ban Di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang và UBND một số huyện giải trình về một số nội dung nêu trong báo cáo.

Căn cứ kết quả giám sát, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác này. Trong đó, đề nghị UBND các cấp chủ động tạo quỹ đất ở, đất sản xuất nông lâm nghiệp để giao đủ đất cho các hộ tái định cư. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững...

VIỆT LONG