Xây dựng Hiến pháp ở một số nước

Kenya: Quy trình không suôn sẻ

- Thứ Sáu, 19/07/2013, 08:42 - Chia sẻ
Hiến pháp của Kenya với hệ thống nghị viện và liên bang, được sửa đổi sau một năm để hợp nhất chức danh người đứng đầu nhà nước và đứng đầu chính phủ, trao cho tổng thống quyền lực to lớn và bãi bỏ hệ thống liên bang.
 
Áp phích quảng cáo cho bản Hiến pháp sửa đổi của Kenya

Một Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp được thành lập để chuẩn bị một bản dự thảo cho Quốc hội Lập hiến. 29 thành viên Ủy ban là luật gia hoặc những người có kinh nghiệm trong hoạt động công cộng. Tuy nhiên, phần lớn thành viên được lựa chọn dựa trên mối quan hệ của họ với các đảng chính trị. Ủy ban hợp tác với một số tổ chức phi chính phủ để thực hiện các chiến dịch tuyên truyền cho người dân về dự thảo hiến pháp mới cũng như tiến hành thu thập ý kiến đóng góp của người dân. Tại mỗi đơn vị bầu cử, Ủy ban tổ chức ít nhất một buổi tiếp xúc cử tri để thu thập ý kiến. Cơ quan này cũng tuyển mộ cả phiên dịch cho các buổi tiếp xúc để phòng trường hợp ngôn ngữ địa phương khác với các ngôn ngữ quốc gia.

Ủy ban nhận được 36.000 bản đề xuất, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp. Tất cả các bản đề xuất đều được phân tích một cách có hệ thống trong nhiều tháng và kết quả phân tích được công bố rộng rãi. Sau ba tuần làm việc tập trung, Ủy ban đưa ra bản Dự thảo hiến pháp cuối cùng và một bản báo cáo để tham vấn công chúng. Nhưng tham vấn công chúng đã bị thu hẹp lại do các sự chậm trễ trong quy trình, Quốc hội Lập hiến quốc gia đã bị trì hoãn đến vài tháng do các cuộc bầu cử nghị viện.

Quốc hội Lập hiến gồm 629 thành viên, trong đó có 222 thành viên là các nghị sỹ của Quốc hội lập pháp. Mỗi quận bầu 3 thành viên của Quốc hội Lập hiến, và 1/3 số thành viên còn lại do xã hội dân sự lựa chọn. Các phiên họp của Quốc hội Lập hiến diễn ra sôi động, mang tính chính trị. Cũng xảy ra tình trạng thao túng và một vài vụ hối lộ. Trong quá trình thảo luận xây dựng dự thảo hiến pháp, một số vấn đề, đặc biệt là về hệ thống chính quyền, đã gây chia rẽ. Quốc hội Lập hiến hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận. Nếu không đạt được sự đồng thuận thì một quyết định phải được 2/3 phiếu của các đại biểu đồng ý mới được thông qua. Bế tắc đã có thể được giải quyết bằng một cuộc trưng cầu ý dân về các vấn đề bất đồng. Tuy nhiên, may mắn là đã không cần tới trưng cầu ý dân.

Mặc dù vậy, khi Quốc hội Lập hiến đã hoàn tất công việc của mình, tòa án đã phán quyết cần phải có một cuộc trưng cầu ý dân dù phán quyết này hơi thiếu thuyết phục. Chính phủ đã thuyết phục nghị viện chấp thuận một bản Dự thảo hiến pháp khác biệt về nhiều điểm quan trọng so với bản dự thảo được Quốc hội Lập hiến thông qua. Tuy nhiên, người dân đã bác bỏ bản Dự thảo này tại cuộc trưng cầu dân ý.

Bạo lực sau bầu cử vào năm 2008 đã dẫn đến một hiệp định về cải cách với sự trung gian của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả một bản hiến pháp mới. Một ủy ban các chuyên gia bao gồm 3 thành viên nước ngoài và 6 thành viên người Kenya được thành lập để soạn thảo Hiến pháp mới. Dự thảo của ủy ban vay mượn rất nhiều từ dự thảo của Quốc hội Lập hiến quốc gia. Sau khi tham vấn công chúng, dự thảo được sửa đổi; sau đó nó được gửi đến một ủy ban của nghị viện, sau đó lại được gửi lại cho ủy ban chuyên gia, và cuối cùng là gửi đến nghị viện. Trưng cầu ý dân được tổ chức vào tháng 8.2010, với hơn 67% phiếu ủng hộ dự thảo. Hiến pháp có hiệu lực khi được tổng thống ban hành vào cuối tháng đó.