TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI VÀ NGHỊ VIỆN

Kênh giao tiếp mới

- Thứ Sáu, 08/05/2015, 08:22 - Chia sẻ

Truyền thông xã hội (Social Media) là thuật ngữ chỉ một cách thức truyền thông kiểu mới, trên nền tảng là các dịch vụ trực tuyến, các tin tức có thể chia sẻ, lưu truyền nhanh chóng và có tính chất đối thoại vì có thể có ý kiến hoặc thảo luận với nhau. Đó là “một nhóm các ứng dụng dựa trên internet được xây dựng trên nền tảng lý thuyết và công nghệ của Web 2.0, và cho phép việc tạo ra và trao đổi những nội dung được tạo ra bởi người sử dụng”. Truyền thông xã hội có thể được định nghĩa là “nền tảng tương tác qua đó các cá nhân và cộng đồng tạo ra và chia sẻ nội dung do người dùng tạo ra”. Nó có thể có nhiều hình thức khác nhau, bao gồm các diễn đàn internet; các trang mạng xã hội như Facebook, Bado; blogs, blogs của các tòa soạn báo; wiki, các trang chia sẻ hình ảnh, âm nhạc, video; trò chơi trực tuyến...

Truyền thông xã hội là một cách thức mới mẻ và hiệu quả để nghị viện và nghị sĩ kết nối với công chúng, nhất là giới trẻ. Một trong những bài học mà nghị viện nhiều nước đúc rút được trong quá trình tương tác với công dân là: anh không nên ngồi chờ người dân đến với nghị viện, mà anh cần đến những nơi nào có người dân. Trong khi đó, hiện tại, người dân đang có mặt rất đông đảo trên truyền thông xã hội, khoảng 1 tỷ người trên toàn cầu vào năm 2013 và ngày càng tăng lên. Dữ liệu của Báo cáo toàn cầu về nghị viện điện tử năm 2012 cho thấy, 1/3 các nghị viện đã hiện diện trên các phương tiện truyền thông xã hội, còn 1/3 nữa thì đang chuẩn bị gia nhập mạng lưới này. Nghị viện những nước này nhận thấy cần phải song hành với những thay đổi trong xã hội, coi đây là kênh tiềm năng để thu hút sự tham gia của công chúng vào thảo luận chính trị và việc ra quyết sách của chính quyền.

Nghị viện có thể sử dụng truyền thông xã hội để cung cấp các dạng thông tin khác nhau cho công chúng về các hoạt động của nghị viện như các dự luật, kiến nghị đang được thảo luận; các phiên họp ủy ban; các sự kiện đáng chú ý; các đoàn đại biểu đi và đến; các báo cáo đang được đệ trình. Truyền thông xã hội còn có thể hỗ trợ các hoạt động giáo dục của nghị viện dành cho công chúng, nhất là thanh thiếu niên, các trường học. Đây cũng là kênh kết nối với các nhóm khác nhau như các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy mối quan hệ giữa nghị viện với xã hội. Hơn nữa, thông qua truyền thông xã hội, nghị viện có thể gia tăng sự quan tâm của công dân đối với hoạt động nghị trường, thu hút sự tham gia của công chúng vào hoạt động lập pháp, giám sát của nghị viện.

Nếu như trước đây hoạt động của nghị viện đến với công chúng qua các phương tiện truyền thông đại chúng, thì ngày nay, các nghị sĩ có thể đăng tải bình luận của mình lên các mạng xã hội ngay lập tức từ phòng họp toàn thể hoặc phòng họp ủy ban. Công chúng có thể theo dõi trực tiếp những ý kiến, quan điểm khác nhau của cuộc tranh luận, và trong nhiều trường hợp có thể đóng góp ý kiến, tương tác với các nghị sĩ. Công chúng ngày càng trông đợi những hình thức trao đổi này, làm cho nghị viện và các thành viên trở nên minh bạch hơn, dễ tiếp cận hơn, đưa dân chủ đến gần hơn với công chúng.

Không chỉ đăng tải, chia sẻ và kết nối, qua truyền thông xã hội có thể giúp theo dõi, lắng nghe những cuộc đối thoại, những tâm trạng, xu thế rộng hơn trong xã hội. Nếu như các trạng mạng truyền thống là nơi đăng tải, thì truyền thông xã hội là nơi giao tiếp và thiết lập mạng lưới. Chúng vận hành một cách hiệu quả nhất khi được coi là môi trường giao tiếp tích cực, nơi kết nối, tham gia, phản hồi các bình luận, trả lời các câu hỏi ngay tức thì.

Lê Anh