Xử lý “xe dù, bến cóc”

Kém hiệu quả vì làm theo chiến dịch?

- Chủ Nhật, 16/09/2018, 07:37 - Chia sẻ
Thời gian qua, ngành giao thông - vận tải đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô, trong đó có ngăn chặn, xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc”. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng này có chiều hướng gia tăng trở lại khiến việc xử lý trong cảnh “nói rất nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu”.

Diễn biến phức tạp

Ngày 2.6.2015, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt. Triển khai chỉ thị này, Bộ Giao thông - Vận tải (GT - VT) cùng UBND các tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp thực hiện, trong đó tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với “xe dù, bến cóc”, kể cả xử lý trách nhiệm người có liên quan.

Mới đây nhất, ngày 20.6, Bộ GT - VT ban hành Chỉ thị số 04/CT - BGTVT về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật; kiên quyết không để tái diện tình trạng xe dù, bến cóc”, trong đó tiếp tục đề ra nhiều giải pháp chấn chỉnh. Tiếp đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng có công văn đề nghị các Sở GT - VT Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Xử lý “xe dù, bến cóc” không nên chỉ theo kiểu chiến dịch Nguồn: ITN

Mặc dù việc xử lý “xe dù, bến cóc” đã đạt được những kết quả nhất định, trong đó có trường hợp đội trưởng thanh tra giao thông ở Hà Nội bị xử lý do không hoàn thành nhiệm vụ, song Bộ GT - VT thừa nhận tình trạng các phương tiện vận tải hành khách đón trả khách tùy tiện; xe hợp đồng hoạt động vận tải hành khách “trá hình” như xe vận tải khách tuyến cố định, vi phạm các quy định về quản lý vận tải còn diễn biến rất phức tạp. Hiện tượng “xe dù, bến cóc” có chiều hướng gia tăng trở lại, dẫn đến tình trạng mất công bằng, cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh vận tải, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dịch vụ và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, gây bức xúc trong xã hội.

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tháng 8.2018 cũng xác nhận, “tình hình “xe dù, bến cóc” lại tiếp tục tái diễn, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dẫn đến phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có xu hướng giảm dần, nhiều phương tiện đã chuyển sang hình thức kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Nhiều đơn vị vận tải đầu tư xe Limousine cải tạo từ 16 chỗ xuống 10 chỗ, lập các văn phòng trên các tuyến phố kinh doanh vận tải theo hợp đồng nhưng thực chất đây là loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định”.

Có bảo kê hay không?

Nhiều ý kiến cho rằng, trong cách xử lý “xe dù, bến cóc” hiện nay vẫn theo kiểu chiến dịch, “ném đá ao bèo” bởi chưa tìm ra được căn nguyên gốc rễ.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Đỗ Xuân Hoa cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến “xe dù, bến cóc” chưa được giải quyết triệt để như hình thức tổ chức các đơn vị vận tải chưa hợp lý; doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải còn manh mún, thiếu tập trung; tâm lý hành khách ngại đến bến để bắt xe; cơ quan quản lý chưa có biện pháp hữu hiệu trong kiểm tra, giám sát và xử lý… Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng là những năm gần đây, nhiều địa phương có chủ trương di dời bến xe khách ra xa trung tâm thành phố với lý do bảo đảm trật tự giao thông, nhưng thực chất là sử dụng đất bến xe vào mục đích khác.

Chủ tịch Hiệp hội Bến xe khách Việt Nam Nguyễn Anh Dũng đồng tình với quan điểm trên. Ông bổ sung, nguyên nhân khiến “xe dù, bến cóc” vẫn là vấn nạn nhức nhối, khiến môi trường cạnh tranh không lành mạnh còn bởi “quy định cho xe vào bến khó quá thì xe phải chạy dù”. Điều này xuất phát từ việc doanh nghiệp kinh doanh bến xe không được quyền tự quyết nhiều việc, trong đó có cả mức phí để xe vào bến. Thay vào đó là cơ quan quản lý quyết định và không hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc thị trường.

Ông Dũng thừa nhận đối với xe Limousine - một hình thức của “xe dù, bến cóc” thì “rõ ràng người dân có nhu cầu”. Vậy nhu cầu ấy có được Nhà nước chấp nhận không? Nếu chấp nhận thì sẽ khác, còn bảo hình thức vận tải này làm rối loạn giao thông thì phải có biện pháp dẹp ngay chứ không thể chỉ nói chung chung được. “Hiện, ở Hà Nội, số lượng “xe dù” không kém gì xe trong bến. Chừng nào còn “xe dù, bến cóc”, trong đó không rõ ràng về xe Limousine, thì chừng đó vận tải hành khách bằng ô tô còn rối loạn”, lãnh đạo Hiệp hội Bến xe khách Việt Nam nhấn mạnh.

Đóng góp giải pháp xử lý triệt để tình trạng “xe dù, bến cóc”, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, bên cạnh các giải pháp như cần thanh tra, kiểm tra quyết liệt hơn nữa, tăng mức xử phạt, xem xét lại việc điều chuyển bến xe cũng như trao quyền cho doanh nghiệp kinh doanh bến xe trong việc lựa chọn xe vào bến hay đề ra mức phí… đã đến lúc cần có chuyên đề sâu hơn về vấn đề này, thay vì chỉ coi đó như một chiến dịch. Thêm vào đó, cần đặt câu hỏi vì sao đã xử lý nhiều vụ việc nhưng tình trạng này vẫn tái diễn và có chiều hướng gia tăng, đặc biệt vào các kỳ nghỉ lễ, tết? Có tình trạng bảo kê hay không, ai bảo kê?

Đan Thanh