Giám sát cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước:

Kém hấp dẫn do yếu tố nội tại

- Thứ Hai, 11/05/2020, 19:47 - Chia sẻ
Giai đoạn 2011 - 2016 đã đạt nhiều kết quả trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), và đã cổ phần hóa được 571 DN và bộ phận DN. Việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), đăng ký giao dịch, niêm yết của các DN cổ phần hóa trên thị trường chứng khoán đã tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước còn cao

Tôi cơ bản nhất trí với Báo cáo kết quả giám sát về những tồn tại, hạn chế, cũng như kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật sắp xếp tổ chức DN. Tuy nhiên, tôi cho rằng, tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại các DN cổ phần hóa còn cao, sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược còn rất hạn chế. Tuy số doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa đạt kết quả cao, song theo số liệu bán cổ phần lần đầu của 426 DN, thì trong tổng số vốn điều lệ, Nhà nước vẫn nắm giữ đến 81,1%, và có đến 70% DNNN nắm giữ trên 90%.

Kết quả như vậy là chưa đạt yêu cầu của chủ trương cổ phần hóa DNNN, vì khi tỷ lệ sở hữu của cổ đông tăng thì họ mới có động cơ cải thiện kết quả hoạt động của DN và chỉ khi đó họ mới có thực quyền trong việc tham gia cải cách mô hình quản trị DN.

Trong số chưa đầy 20% vốn điều lệ sau bán cổ phần lần đầu của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước nắm giữ, các nhà đầu tư chiến lược chỉ chiếm 7,3%. Việc tăng tỷ trọng của nhà đầu tư chiến lược có vai trò cực kỳ quan trọng, vì họ không chỉ mang lại nguồn tài chính, mà thực sự mới là người đem lại cho DN công nghệ, phương thức quản trị hiện đại, thị trường mới, qua đó đóng góp tích cực cho NSNN.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, phần lớn tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược nhỏ, làm giảm sự quan tâm của họ. Tỷ lệ chào bán ra ngoài dưới mức chi phối cũng làm giảm sự thu hút nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư muốn chuyển quyền sở hữu DN sau cổ phần hóa. Do đó, cần tiếp tục rà soát tách bạch những lĩnh vực NN cần chi phối và những lĩnh vực cần huy động vốn từ xã hội. Duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại DN ở mức hợp lý nhằm huy động các nhà đầu tư tích cực tham gia cổ phần hóa.

Bản thân DNNN kém hấp dẫn do những yếu tố nội tại. Bên cạnh đó, việc xác định giá trị DN khi cổ phần hóa chưa phù hợp, chưa phản ánh đúng giá trị của DN; cùng với việc chưa công khai, minh bạch trong tiến trình bán cổ phần ra bên ngoài; quá trình cổ phần hóa kéo dài, phức tạp, nhiều yêu cầu khó khả thi. Đó là những nguyên nhân khiến nhà đầu tư e ngại và chúng ta phải có giải pháp khắc phục khả thi.

Cần quy định tiêu chí rõ ràng, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, bao gồm với cả nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Cần bảo đảm sự bình đẳng giữa nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và trong nước, cho phép nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sở hữu tỷ lệ cổ phần giống như nhà đầu tư trong nước; cũng như được sở hữu DN tại một số ngành không thiết yếu. Bên cạnh quy định tạo điều kiện cho nhà đầu tư chiến lược, thì cũng cần có quy định về chế tài xử lý khi họ không thực hiện đúng cam kết, gây thiệt hại cho Nhà nước, DN và người lao động tại DNNN được cổ phần hóa.


ĐBQH Trần Văn Minh (Quảng Ninh)
Ảnh: Quang Khánh

Xác định giá trị doanh nghiệp còn thiếu chính xác

Xác định giá trị DN còn thiếu chính xác. Quản lý đất đai trước và sau khi cổ phần hóa còn nhiều thiếu sót. Với nhiều lý do, kể cả quy trình thực hiện và năng lực của tổ chức tư vấn, và không loại trừ động cơ trục lợi, mà việc định giá DN chưa chính xác, việc định giá giá trị DN cổ phần thấp hơn nhiều hơn giá trị thực tế dẫn đến khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng thì giá cổ phiếu lại cao hơn gấp nhiều lần.

Việc quản lý đất đai trước và sau quá trình cổ phần hóa còn nhiều thiếu sót, thể hiện qua không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị DN cổ phần hóa. Việc xác định quyền sử dụng đất khi thay đổi quy hoạch, thay đổi mục đích sử dụng đất của DN sau cổ phần hóa với những vị trí đắc địa bất cập, thiếu minh bạch, tạo cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân trục lợi, tham nhũng vốn, tài sản của Nhà nước. Nhiều cổ đông tham gia mua cổ phiếu của nhiều DN trái ngành, thâu tóm DN khi cổ phần hóa vì thế không loại trừ việc họ lợi dụng cơ hội từ mảnh đất vàng đang được DN nắm giữ.

Vì vậy, đề nghị nghiên cứu áp dụng các phương pháp định giá tài sản tiên tiến, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước, giá trị DN được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch. Giá cổ phần được xác định theo cơ chế thị trường thông qua đấu giá công khai, minh bạch. Việc định giá DN cần tiến hành động lập bởi các đơn vị trong và ngoài nước. Việc định giá giá trị DN cần được kiểm soát chéo giữa các cơ quan, bảo đảm khách quan, minh bạch. Cần quy định chế tài cụ thể với trường hợp tổ chức có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật; nghiêm cấm việc xác định giá trị DN không chính xác, có dấu hiệu trục lợi.

 Một mục tiêu quan trọng của giám sát là xác định nhiệm vụ của chủ thể, các đơn vị liên quan, để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ. Đây là nhiệm vụ rất khó nhưng rất cần thực hiện được.

Nguyễn Minh