Kế hoạch hoá gia đình là trọng tâm của công tác dân số

- Thứ Hai, 23/09/2019, 16:58 - Chia sẻ
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế, thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về kế hoạch hoá gia đình vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số, đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, bảo đảm đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau.

300.000 - 350.000 ca phá thai mỗi năm

Trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của người dân. Nhờ thành công của chương trình dân số, kế hoạch hoá gia đình đã hạn chế việc tăng thêm 20 triêu người trong những thập kỷ qua, đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội.


Cam kết chung tay tuyên truyền về sức khoẻ sinh sản phụ nữ Việt Nam. Ảnh. Nhật Phương

“Đầu tư cho công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình chính là đầu tư cho phát triển một cách hiệu quả nhất. Theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu chi 1 USD cho kế hoạch hoá gia đình sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội. Kết quả dân số - kế hoạch hoá gia đình đã làm tăng thêm GDP bình quần đầu người khoảng 2%/năm, góp phần quan trọng vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo của đất nước”- Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế Nguyễn Doãn Tú cho biết.

Hiện nay, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49) vẫn tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 – 2028. Do đó, nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng, đặc biệt là ở nhóm vị thành niên, thanh niên.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Doãn Tú, hiện tại, vẫn còn những khoảng trống trong công tác cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình. Hàng năm, theo thông báo chính thức vẫn có 300.000 - 350.000 ca phá thai. Theo kết quả Điều tra biến động dân số và kế hoạch hoá gia đình 1.4.2016 của Tổng cục Thống kê, cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi 15 - 49 đang có chồng có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn. Phá thai không an toàn là nguyên nhân chính dẫn đến vô sinh thứ phát.

Trách nhiệm không của riêng ai

Tại Hội thảo Chủ động tránh thai, trách nhiệm không của riêng ai do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình Nguyễn Doãn Tú cho biết, phòng tránh thai hiệu quả, an toàn mang lại rất nhiều lợi ích. Đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là chủ động trong việc sinh con; tiếp đến là tránh được những tai biến sản khoa và tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục; cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.

Phòng tránh thai hiệu quả, an toàn mang lại rất nhiều lợi ích. Nguồn: ITN

 Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi phút có 38 ca phá thai không an toàn trên thế giới, cứ mỗi 8 phút lại có 1 ca chết mẹ do phá thai không an toàn. Hàng năm, có khoảng 80 triệu ca có thai ngoài ý muốn, trong đó có 42 triệu ca kết thúc bằng phá thai; 20 - 22 triệu ca phá thai không an toàn; có tới 68.000 ca tử vong mẹ do phá thai không an toàn. Mỗi năm, thế giới có khoảng 5 triệu phụ nữ tàn tật do biến chứng của phá thai không an toàn và hầu hết xảy ra ở các nước đang phát triển.

Xuất phát từ những lợi ích này, lãnh đạo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình cho hay, trong thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về kế hoạch hoá gia đình vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số, đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, bảo đảm đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau.

“Từ đó, dần dần xóa bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ kế hoạch hoá gia đình giữa các vùng địa lý khác nhau nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào hiện đang sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa. Hy vọng các bạn trẻ không bao giờ phải nói câu ân hận. Hãy là những người sống chủ động, có trách nhiệm và nhớ chủ động tránh thai, trách nhiệm không của riêng ai” - Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cũng cho biết, từ năm 2016, Hội phối hợp với Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình phát triển Chương trình truyền thông chăm sóc sức khỏe cộng đồng Là phụ nữ tôi chọn sống chủ động. Trong đó, tập trung chủ yếu đến việc tuyên truyền các kiến thức về phòng tránh thai an toàn cho chị em phụ nữ. Đến nay, Chương trình đã tiếp cận 220.000 chị em phụ nữ và gần 20.000 các bạn trẻ sinh viên.

Vân Phi