Kể chuyện giải sầu (Phần 3) <br><i>Truyện của</i> Nguyễn Trí

- Thứ Tư, 04/02/2015, 08:45 - Chia sẻ

>> Kể chuyện giải sầu (Phần 1)

>> Kể chuyện giải sầu (Phần 2)

Cần phải rõ một chút về cư dân của miền kinh tế nầy. Hầu hết là lính Cộng hòa và con em của họ, trong suốt cuộc chiến đã quen lối sống đến tháng lãnh lương. Những ông nông dân sau hai mươi năm cầm cây súng đã quên rồi cây lúa, bọn trẻ thì chả biết chi. Mấy ông trẻ trẻ từng là lính thì là mà rẫy nương là chuyện nhỏ nhưng song le em bó tay vụ cuốc đất trồng khoai trỉa bắp. Sẵn rừng kề bên trẻ trai tuôn vô đốn củi, lấy tiền củi thuê đàn bà con nít làm nương. Cứ thế họ ăn hết sáu tháng lương thực. Hết lương họ bỏ kinh tế về lại thị trấn ra sân ga bến xe kiếm sống. Kẻ ở lại cứ rừng mà tàn sát. Để đổi thay một lối sống một nếp nghĩ đã mòn, ông nhà nước thành lập hợp tác xã nông nghiệp ở miền kinh tế nầy. Chỉ có đưa những người quen lối sống du canh vào đoàn thể thì mới có cơ may đổi đời họ.

 Trâu bò từ đâu đó được đưa về cùng nông cụ các cái dùng cho sản xuất. Một cánh đồng hoang hóa trong chiến tranh được phục hồi và chia cho từng đội sản xuất. Xóm của Sĩ được hóa thành đội 4. Và Sĩ trình độ lớp mười được bầu làm kế toán đội:


Minh họa của Trung Dũng

 - Ông làm cán bộ hả? Thiệt không ba? - Một thằng hỏi.

 - Nghe như cổ tích.

 - Bọn mày biết khỉ mẹ gì. Hồi mới hòa bình xứ tao phải tổ chức lớp bình dân để xóa mù. Trình độ cỡ tao là xếp sòng. Cán bộ thứ thiệt thì giữ những chức vụ trọng yếu. Lèng xèng ôm bao cát đi họp như tao cũng cán bộ. Hiểu không? Hồi đó có câu cán bộ bự mang cặp táp đỏ, cán bộ nhỏ nhỏ mang cặp táp đen, cán bộ lèng xèng mang bao cát. Bây đừng coi thường nghe. Lèng xèng vậy chớ ngon lắm đó.

 Lao động chính thì từ mười tám tuổi đi lên, dưới là lao động phụ. Đội của Sĩ có đội trưởng, đội phó, kế toán kiêm thư ký và một bảo vệ, gọi là lao động gián tiếp. Gián tiếp sẽ ăn 70% so với trực tiếp. Đi lao động tập thể vui lắm. Toàn bộ lao động chính nam lẫn nữ dàn hàng ngang xuống ruộng và vung cuốc. Một tiếng kẻng do bảo vệ Ánh vang lên là giải lao. Một buổi giải hai lần. Chiều đến là tụ lại để cùng nhau bình bầu cho điểm. Em nào siêng mười điểm, em nào yếu tám điểm. Tất nhiên khâu cuốc nầy thì nữ giới còn khuya mới có điểm mười, bù lại khi cấy đàn ông còn lâu mới mười điểm. Có cái vụ rưỡi nữa nghe, Thằng a con bê chị xê sáu điểm rưỡi là xứng công.

 Sao nghe nói có bò mà phải cuốc? Xin thưa thì cũng có, nhưng mỗi đội được hai cặp bò cày, ruộng cả bốn năm héc ta thì trâu còn không xuể nói chi bò nên cuốc là chủ lực. Nào cuốc vỡ cuốc trở rồi bừa ủ bừa gieo hay cấy. Tất cả vui sao là vui. Đông mà không vui mới lạ à. Thuở ấy bị cấm vận nên vụ phân bón phe ta đâu có chi ngoài phân chuồng và phân xanh. Đến vụ bón, hợp tác xã cấp cho mỗi héc ta mười ký hóa học. Đội 4, bốn héc ta vậy có bốn mươi ký. Nghĩa là một nghìn mét vuông một ký phân hóa học. Nghe qua mà buồn cười. Nhưng khó khăn nào cũng vượt qua. Dưới sự điều động của đội trưởng tên Đào Hớn toàn bộ bò lên rừng chặt lá cây về đào hố ủ làm phân xanh. Thanh niên thanh nữ vừa đi vừa hát em bây giờ quen mưa nắng tóc trên vai vấn vương bụi hồng nghe sao mà khí thế đằng đằng.

 Than ôi khí thế ấy bị những cơn gió bấc của tháng mười giá lạnh thổi tiêu tan. Lúa bắt đầu gieo vào tháng năm, lúa sáu tháng thì tháng mười một gặt. Nó trổ đòng vào gió bấc thì có mà ăn cám. Thuở ấy làm nông nghiệp là đánh bạc với ông trời, ta thua chắc. Gặt đập phơi khô mỗi sào cho năm mươi ký lúa, chao ôi là nông với chả nghiệp. Bà con xã viên than thở rằng hợp tác hợp te, le te xách nồi đi mượn gạo. Nhưng mà dù sao cũng có lúa. Tất cả được vai u thịt bắp gánh ra kho hợp tác xã. Đội một giao hai tấn, đội bốn ba tấn vân vân. Cộng lại chia đều cho mười lăm nghìn điểm tức nghìn rưởi công, ta có mỗi công là hai trăm cà ram lúa, hay còn gọi hai lạng. Mô Phật, đúng là khi nhập diệt đức Phật nằm nghiêng còn Giêsu bị treo trên thập tự. Một vụ mùa bội thu rơm rạ cho trâu bò.

 Nhưng dân kinh tế giáp ranh không lo cái vụ đói. Ban quản trị hợp tác xã phải dỡ bỏ lệnh cấm rừng. Không cho dân kiếm ăn nó bỏ đi là khốn. Nông nghiệp năm một vụ lại thất trắng không có tài nguyên rừng thì chết cả nút. Thôi thì lấy ngắn nuôi dài, đợi vụ tới ta làm lại. Chả có cái thử nghiệm nào mà thành công cả, và có thất bại mới rút ra kinh nghiệm. Những cái đầu đầy chất xám ăn công gián tiếp hiến kế và thực thi kế sách.

 Mùa tới. Không có dàn hàng ngang mà cứ em nào cuốc đủ hai trăm mét vuông thì một công, tức mười điểm. Nắng chang chang, đất quắt queo khô nẻ nhét cả bàn chân Hạng Vũ. Vai u cật lực một ngày đến tối mịt còn không xong, đàn bà con gái cả hai ngày, lơ mơ ba ngày mới xong hai trăm mét. Cuối vụ ấy một công ba ký lúa, thật là thành công vượt bực. Đại hội toàn xã viên hợp tác xã tổ chức vô cùng hoành tráng, trên về biểu dương thành tích. Chả ai biết để có một công, xã viên phải bỏ ra ba ngày. Chi li ra mỗi ngày một ký lúa, hơn vụ trước tám trăm cà ram chứ ít sao?

 Trời ơi, một ngày một ký lúa cho lao động chính thì 70% của công gián tiếp là bao nhiêu? Bảy lạng chứ bao nhiêu mà hỏi. Xin thưa. Còn lâu những đầy tớ cầm cây bút chịu khoản nầy. Họ có ăn học. Đầu của họ chất xám đến ngoét luôn chứ đâu thường. Họ không cần biết ông chủ mỗi ngày cuốc cày bao nhiêu, họ chỉ biết ngày nào cây bút múa máy là ngày đó họ có công. Vậy là cuối mùa kẻ cầm bút no đủ hơn kẻ cầm cuốc. Rõ ràng xưa nay chữ nghĩa luôn khiến cuộc sống ở bất kỳ thời đại nào cũng tốt đẹp hơn. Khu đen nói với nhau rằng:

 - Phải hồi trước tao đi học thì hay quá.

 - Mày đi học thì ai đi ô kê xe Mỹ với tao?

 Mẹ và chị em gái của Sĩ cũng bật cười. Bà chị nói:

 - Cả bốn người trong nhà được tám chục ký lúa, mình mày năm chục là sao hả Sĩ?

 Sĩ chả biết làm sao trả lời. Năm người cả một vụ được một trăm ba mươi ký lúa thì no được mấy bữa? Vậy là tất cả cùng nhau rắn rồng lên núi. Than củi cấm hoạt động thì ta chơi mây tre lá. Đàn bà con gái ghé vô gia công cho hợp tác xã mành sáo xuất khẩu. Loại mành nầy được kết lại từ thân cây sặc bỏ mắt nhuộm xanh đỏ tím vàng. Kết lên nó cũng ra rèm có hình ảnh vui mắt lắm. Dân gia công nói vui rằng tao đang làm việc cho công ty sặc… máu. Nói vậy là tầm bậy, đói thấy bà máu đâu ra mà sặc, sặc gạch thì có. Vậy là sau hai năm mô hình hợp tác xã có nguy cơ vỡ trận.

Đến vụ thứ ba thì Sĩ phải trốn vì tham gia trộm. Nói chung thiếu đói thì đạo tặc phát sinh.

- Trộm cái gì hả Nghệ Sĩ? - Sáu Cường hỏi.

- Trộm lúa.

- Lúa ở đâu mà trộm?

- Lúa gặt đập xong đem về phơi ở sân kho đội sản xuất. Tối gom vô kho. Nửa đêm bọn tao đột kích vô kho trộm chớ sao.

- Bọn tao là đông lắm hả?

- Cả bọn từ đội trưởng đội phó bảo vệ và tao. Trộm đạo hết.

- Bộ không cử người canh gác à?

- Thì rủ tụi nó nhập luôn. Đang thiếu thốn có cán bộ rủ trộm ngu sao bỏ.

- Ông nói vô lý quá. Cán bộ gì kỳ vậy?

- Mày có bị điếc không vậy? Lúc đầu tao đã nói với bây rằng cái kinh tế giáp ranh ấy hầu hết là lính triều cũ. Cán bộ cách mạng không có nên chỉ cần lớp mười như tao là cán bộ hết hiểu không?

- Hiểu rồi. Nhưng làm sao bị tóm?

- Sáng tập trung đem lúa ra phơi lại có một thằng phát giác ra sự thiếu hụt. Nó âm thầm theo dõi. Bọn tao quá chủ quan nên làm tiếp. Đang làm thì nó ập tới. Tao bỏ kinh tế ra đi ngay đêm ấy. Ở thị trấn tao nghe tin cả bầy cán bộ của đội tao cuốn gói đi cải tạo. Không còn đường lui tao biến luôn. Lúc đó mới phát giác ra trong túi không một xu, cả giấy tờ tùy thân cũng không có.

Sĩ lang thang cả ngày ở thị trấn. Ghé vô quán cà phê nơi mà khi canh mánh vượt biên vẫn thường vung tay quá trán. May quá, chủ quán còn nhớ tay chơi một thời. Lòng cũng nhẹ nên móc ví cho Sĩ mượn tạm ít tiền. Cho hay đẹp trai và đĩ miệng luôn được lòng người đẹp. Sĩ phi một hơi ra sân ga tính chơi một chuyến vào đâu cũng được. Trong khi đợi tầu đến Sĩ gặm khúc bánh mì rồi ghé vào một quán bi a.
 Ở đó Sĩ gặp Thành Ngọc Lan.

 ***

 Thuở ấy bi a bị dẹp bỏ, đó là một môn chơi được liệt vào vô bổ. Bàn bi a được trưng dụng làm chỗ ngủ. Ai dám tổ chức chơi là vi phạm pháp luật. Dám chơi là phải có mỏ có sừng. Suy cho cùng cũng đúng thôi. Đất nước mới hòa bình khó khăn chất chồng như núi anh cầm cây cơ chọt chọt ngó được không? Hơn nữa ai cũng lo kiếm cái ăn muốn sói trán thời gian đâu mà đề trô hay cúp bê? Vậy mà Thành Ngọc Lan lại dám chơi thì kể ra cũng rảnh dữ.

 - Nghệ Sĩ ơi - Sáu Cường lên tiếng - Ông quen Thành Ngọc Lan lâu năm, nó hùng dũng vậy sao có cái tên lả lướt dữ ông?

 - Để hôm nào ra tù tao hỏi nó rồi vô nói cho mày nghe há.

 - Chừng nào ông ra?

 - Năm năm nữa chớ bi nhiêu. Mà mày có nghe nữa hay thôi?

 - Nghe chớ. Tiếp đi sư phụ.

 Thành đang chơi và đang thua. Trên bảng ghi điểm cho thấy Thành chấp đối phương hai mươi điểm. Sĩ là dân bi a dạng sư, đi một cơ dăm ba mươi điểm là chuyện thường. Nhai xong ổ bánh mì cũng vừa lúc Thành buông cơ và móc tiền chung độ. Gã ăn độ nhìn Sĩ:

 - Làm cơ anh bạn?

 - Chơi thì chơi.

 Hùng cầm cây cơ lên và đánh một đường. Bi a ở các thời không ai rảnh mà chơi cho vui, phải độ mới hứng. Dân biết chơi, biết dụ nai phải biết giấu bài, cầm cây cơ phải khô cứng mới qua mặt đối thủ. Muốn tay ảo diệu thì dễ chứ khô thì khó lắm. Sĩ làm được điều đó:

 - Đánh đồng há? - Đối thủ lên tiếng.

 - Anh chấp tui đi, tui mới biết chơi thôi.

 - Thì đánh đồng một cơ cái đã. Nãy giờ anh cũng thấy tui chơi rồi.

 - Có thấy mới nói anh chấp.

 Ván đầu tiên đối thủ chấp Sĩ mười điểm. Đánh gói thuốc hút cho vui. Thành Ngọc Lan chịu trách nhiệm ghi điểm. Sĩ đủ điểm thì gã thiếu hai. Ván thứ hai chấp năm điểm đánh chút tiền hắn lại thua. Ván thứ ba đánh đồng hắn cũng thua mà chỉ thua hai điểm. Chiêu nầy gọi là dụ đối thủ vô tròng:

 - Bà mẹ nó, anh chấp tui thì có. Chấp năm há?

 - Anh thả tui nãy giờ.

 - Thả cái con tườu. Anh chơi hay quá trời. Chấp năm đi, chấp thì chơi không thì nghỉ.

 - Rồi thì chấp năm.

 - Đánh hai trăm há?

 Hồi đó hai trăm là cả một gia tài. Nó là tất cả những gì có trong túi Sĩ dành cho cuộc tháo chạy. Thêm hai chục mới ăn của thằng dụ nai. Sĩ vờ móc bóp ra đếm:

 - Rồi - đối phương nói - Hai trăm hai chơi một ván. Được ăn cả ngã về không. Tao cũng có chừng đó thôi.

 Kẻ chấp được đi trước. Sau đề pa Sĩ được năm điểm. Và rồi đối thủ xuất chiêu, hắn làm một mạch ba mươi điểm trong cái tổng bốn mươi của hắn. Chỉ mười điểm nữa là xem như gia tài của Sĩ vào túi hắn ngọt như mía lùi. Lúc ấy Sĩ cúi xuống nền nhà và nhặt lên một hạt cát, biết đối phương sẽ ra đòn gì và đường bi sẽ về đâu nên Sĩ đặt hạt cát đón đầu. Viên bi bị cấn nên đổi hướng, chiêu nầy chỉ dạng sư như Sĩ mới biết để chận sự hưng phấn của đối phương. Đến phiên mình Sĩ bắt đầu cho thằng khốn đổ lệ. Một mạch bốn mươi lăm điểm kết thúc trận đấu và trọng tài Thành Ngọc Lan giao tiền cho bên thắng cuộc. Nhưng thằng thua là dân sân ga, chuyên gia độ, ăn thì vua thua nó đánh người lấy lại chứ sợ chi ai? Thành Ngọc Lan có máu thấy bất bình không thể ngơ nên nhảy vào cùng Sĩ ráp một cặp chống lại sự hung tợn của bụi đời sân ga, may mà cả hai võ nghệ đầy mình nên thoát hiểm.

 - Má nó, năm đó tao hăm bốn còn thằng Thành mười sáu. Nó giỏi võ kinh hồn, không thằng sân ga nào chịu nổi nó một cước, cứ ống quyển nó gặt vô đùi đối phương. Tao về nhà nó tạm trú, mới hay ông con có cả một bầy em lóc nhóc, ông già nó cũng sầu thua cuộc nên rượu suốt. Mười sáu mà phải lo cho bầy em năm đứa nên nó gian truân không kém chi tao. Tao và nó kết bằng hữu chi giao sau khi tao phân tích cho biết nó đã bị dụ nai trong trận thua bi a ra sao, và trả lại nó tiền đã thua.

(Số sau đăng hết)