Nhạc sĩ Dương Thụ:

“Kẻ chân tài bao giờ cũng biết kính trên nhường dưới”

- Thứ Tư, 03/02/2016, 10:12 - Chia sẻ
(ĐBND Xuân Bính Thân) - Dương Thụ từng sống qua cảm giác “mất sóng”, “lạc thời”, ở những giai đoạn diễn biến nội tâm của ông không song hành được cùng chuyển biến thời cuộc. Nhưng rồi cũng chính con người ấy đã nhất quyết không chịu để mình trở thành một kẻ yếm thế lạc hậu, bằng những đam mê sáng tạo cùng thái độ đối thoại cởi mở, chân tình với người trẻ. 30 năm đất nước đổi mới, nhìn từ “cửa sổ âm nhạc” (như chính tên một dự án tâm đắc của ông), hẳn nhiên không thể thiếu Dương Thụ - “người đàm phán ngoan cố với thời gian”. Một câu chuyện với Dương Thụ về người trẻ và cách ông đối thoại với họ.

Ảnh: Vũ Khánh Hưng

Phiêu lưu với người trẻ là một “bi kịch lạc quan” của tôi!

- Là người chuyên nắm giữ vai trò“đầu tàu”, lôi kéo các bạn trẻ đồng hành cùng mình vì một đời sống âm nhạc chuyển động tích cực hơn, cách ông “bắt sóng” với người trẻ?

- Cách tốt nhất là coi họ như những người bạn, không phải là bạn làm ăn, bạn cánh hẩu, bạn chơi, “bạn đồng lứa” mà là bạn nghề, bạn làm nghệ thuật. Tôi không có khả năng dạy dỗ bất cứ ai, và nếu có khả năng thì cũng chẳng dám. Khả năng lớn nhất của tôi là sự chia sẻ một cách chân tình những hiểu biết và kinh nghiệm. Để đối thoại được với người trẻ phải hiểu và tôn trọng họ. Tôi đã làm được điều đó.

- Ông có tiếng “khó tính”, liệu có sợ “át vía” họ không, để họ có thể mạnh dạn sáng tạo?

 “Sống với người trẻ là sống với những cái đang tới. Họ là một “Việt Nam mới”, một Việt Nam đang hình thành, văn minh hơn, nhân loại tính hơn...”

- Tất cả những bạn trẻ đến với tôi có ai bị “át vía” đâu. Họ chẳng những không bị thui chột mà tài năng được phát triển tới mức có người còn giỏi hơn tôi, thành công hơn tôi, nổi tiếng hơn tôi. Bạn cứ thử kiểm những cái tên mà tôi xếp vào gia đình âm nhạc của mình thì rõ ngay mà. Tôi rất hạnh phúc vì điều đó.

- Vì sao một người cầu toàn như ông lại mạnh dạn đồng ý cho một người hát trẻ, không qua đào tạo bài bản và chưa có tên tuổi như Nguyễn Trần Minh Đức xuất hiện trong một liveshow quan trọng như “Cửa sổ âm nhạc” số 3 vừa qua, lại còn với một ca khúc từng được đóng đinh bởi các diva?

- Có gì mà mạnh dạn. Muốn làm mới thì chỉ làm với các bạn trẻ thôi chứ! Tôi từng đưa một Hồng Nhung vô danh năm 16 tuổi vào chương trình lớn của nhà hát Tuổi Trẻ đi dự thi “Hội diễn ca nhạc chuyên nghiệp toàn quốc” và Nhung đã giành HCV. Tôi cũng từng đưa một Mỹ Linh vô danh năm 18 tuổi vào chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” bên cạnh các tên tuổi lừng danh thời đó và Mỹ Linh đã hát rất hay. Tôi thường nhìn người qua chất lượng và hiệu quả chứ không nhìn qua tiểu sử. Ở Việt Nam, bằng cấp, danh tiếng nhiều khi chẳng nói lên điều gì.

- Không phải thử nghiệm nào với người trẻ cũng mang lại cái mới. Bằng chứng là Nhật Thủy đã không quyến rũ được khán giả bằng ca khúc “Tìm biển” của ông. Mỗi khi thử nghiệm không thành công, cảm giác của ông là gì?

- Tôi từng nghe Nhật Thủy hát với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trong chương trình Toyota  Classic xuyên Việt, một giọng soprano dễ nghe và có kỹ thuật. Vì mới có Khánh Linh nên tôi rất muốn tìm thêm một giọng soprano hát nhạc của mình (các giọng nữ gắn bó với tôi như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo đều là giọng Mezzo). Có thể bài “Tìm biển” chọn cho cô ấy chưa thích hợp và về thẩm mỹ âm nhạc, Thủy chưa mới lắm nên bạn chưa thật hài lòng. Đối với người trẻ, cần kiên nhẫn một chút. Bạn đừng khắt khe quá.

- Trao cơ hội cho người trẻ đôi khi cũng có thể lấy đi cơ hội của một người già, khi quỹ thời gian của họ không còn nhiều và không còn tiện để chia động từ “thử nghiệm”. Ông có vì thế mà bớt nhụt chí khi mạo hiểm với người trẻ?

- Trao cơ hội cho người trẻ đôi khi cũng lấy đi cơ hội của chính bản thân mình, bạn nói đúng, và điều này thật không ổn vì tôi đã già rồi, đâu còn thích hợp để phiêu lưu. Cũng may, tôi chẳng có chí khí gì để mà nhụt cả. Tôi quen sống tự nhiên và chỉ làm những điều mình thích. Mạo hiểm ư, cũng có thể, nhưng cả đời tôi là mạo hiểm rồi, nó chính là con người mình. Hai năm nay tôi thậm chí còn muốn “phá phách” như thuở thập niên 60 của mình, muốn trở lại và tiếp tục hoàn thiện nó. Giờ có điều kiện hơn, mình nhìn thấy mình rõ hơn, tự tin hơn…

 Đấy có thể là một bi kịch, nhưng là một “bi kịch lạc quan”, vì nói dại, nhỡ ra vài năm nữa “giời bắt mình đi” khi bao nhiêu chuyện còn dở dang thì cũng cứ coi như là một sự chết trẻ, “đứt gánh giữa đường” vậy. Bao nhiêu bậc đàn anh thế hệ tiền chiến ra đi giữa tuổi 20 đấy thôi...

- Cộng tác, “bay… cùng ngày xanh”  với người trẻ, một mặt cũng dễ bị dị nghị là phải chăng người già đó sợ “hết thời”, hoặc cố gắng tỏ ra mới (biết đâu chỉ ở phần vỏ)? Ông đã bao giờ để ý đến lời dị nghị đó?

- Tôi không để ý, cũng chẳng có gì phải phản biện. Chỉ là hơi ngạc nhiên thôi.

- Một nhạc sĩ có tên tuổi mới đây ngán ngẩm nói với tôi rằng: “Nhiều em trẻ đang “hot” bây giờ thật ra không coi các chị diva là gì vì cát sê của các em cao hơn, fan đông hơn và cũng đắt sô sự kiện, quảng cáo hơn. Các cô các cậu ấy không còn cái sung sướng được đứng cạnh những người có khả năng truyền lửa…”, ông nghĩ sao về nhận định này?

- Tôi không có bình luận gì về những tên tuổi đang “hot”. Tôi không để ý đến họ vì tôi không liên quan. Mà cuộc sống nào chẳng có mặt trái. Nói ra thì mệt lắm đấy! Tôi chỉ chú ý đến những người làm nghệ thuật thôi. Những người này, nếu là chân tài thì bao giờ cũng kính trên nhường dưới.


“Hãy làm những điều có thể, còn giấc mơ thì dành cho bài hát”

- Vì lẽ nào mà ông nhất thiết phải đến gần người trẻ? Điều đó với ông là để mang lại cơ hội cho họ hay là cho chính ông?

- Sống với người trẻ là sống với những cái đang tới. Họ là một “Việt Nam mới”, một Việt Nam đang hình thành, văn minh hơn, nhân loại tính hơn. Tôi sợ sự bảo thủ, thái độ “cha chú”, cái gì cũng cho mình là nhất, mặc dù trên thực tế đang đứng áp chót.

Người trẻ thiếu kinh nghiệm, chủ quan và bướng bỉnh. Họ là người đồng thuận, nhưng cũng là một vật cản. Muốn thuyết phục họ, mình phải làm việc nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn. Chính họ cho tôi cơ hội để được sống hết mình hơn với những gì mình có. Đó là lý do mà tôi đến với người trẻ. Tất nhiên có cả những “người trẻ” tuổi 70. Làm việc cùng họ tuyệt vời lắm, chỉ tiếc loại “người trẻ” này ở nước ta hơi bị hiếm.

- Ký ức nào trong tuổi trẻ của mình là ám ảnh ông nhất và khiến ông liên hệ tới giới trẻ hôm nay?

- Đó là thời tôi sống ở miền Bắc, những năm đất nước còn gian khó. Bạn bè tôi làm văn nghệ “chân đất” thật say mê, thật trong sáng. Bọn tôi thường tụ tập với nhau ở căn phòng của Trọng Khôi (NSND Trọng Khôi -PV) mỗi lúc có thể. Kẻ đọc thơ, kẻ ngồi hí hoáy ký họa bạn mình, còn tôi ôm đàn hát những bài hát chẳng giống ai. Hệ giá trị duy nhất là sự sáng tạo, không màng tới danh tiếng, tiền bạc...

- Nếu có lại tuổi trẻ, điều ông muốn làm lại là gì? Ông có chắc mình chưa từng hoang phí tuổi trẻ, nhiệt huyết?

- Sao lại phải làm lại? Nếu còn trẻ, tôi sẽ làm được nhiều hơn những gì tôi đang làm. Cuộc sống với tôi là một phép cộng. Mọi sai lầm, thất bại, khủng hoảng thời trẻ cũng góp phần tạo thành tôi bây giờ. Vì vậy tôi không có gì phải ân hận. Tôi sống rất vất vả nên không có đủ thời gian để hoang phí tuổi trẻ và nhiệt huyết.

- Điều gì có thể lấy đi nhiệt huyết ở một người trẻ lúc này, theo ông? Đổ lỗi có phải là một cách?

- Đó là sự ngờ vực, thiếu lòng tin vào phẩm giá và năng lực của họ. Chỉ coi họ là một nguồn lực, là công cụ. Trước cách đối xử như vậy, họ tụt cảm xúc nhanh lắm. Còn đổ lỗi dĩ nhiên là không tốt rồi. Người hay là người dám chịu trách nhiệm, luôn khắt khe với chính mình và rộng lượng với người khác.

- Trong nỗ lực giúp đưa ra ánh sáng những giá trị tiềm ẩn và khó phát lộ, có khi nào ông thấy mình hơi giống một “anh chàng Đông Ki Sốt”, giữa thời buổi “không có đất dành cho người… vô danh”?

- Người hay nhất chưa hẳn là những người đang nổi tiếng. Điều hay nhất chưa hẳn là điều chúng ta đã biết. Sự phát triển của bất kỳ lĩnh vực nào cũng nằm chính ở việc đưa ra ánh sáng những giá trị tiềm ẩn và ít phát lộ.

Đông Ki Sốt là một kẻ hoang tưởng vĩ đại. Tôi là một người bình thường và có lòng tin vào những việc mình làm. Hãy làm những điều mình có thể, còn giấc mơ thì dành cho bài hát. Tôi luôn nghĩ thế…

Bảo Nguyên thực hiện