Joker và người tuyết

- Chủ Nhật, 06/10/2019, 08:45 - Chia sẻ
Hai bộ phim cùng khởi chiếu ngày 4.10 vừa qua đều xứng đáng để kéo chúng ta tới rạp: “Joker” và “Abominable aka Everest” (Người tuyết bé nhỏ).

Joker:

Câu hỏi đầu tiên dành cho hầu hết người định đi xem phim này có lẽ là “bạn có đủ kiên nhẫn không?”. Kiên nhẫn trước một câu chuyện mang đầy tính tự sự, u uất, được kể theo cách chậm rãi nhất có thể. Kiên nhẫn để không xót xa trước một chút niềm vui nhỏ nhoi cũng bị chà đạp thô bạo. Kiên nhẫn để nhận ra bộ phim đã truyền tải thông điệp (có lẽ là) nguy hiểm mà chúng ta lại không cách nào phản bác nổi.

Joker thực sự dị thường. Nó được khoác lên tấm áo choàng siêu anh hùng vì Joker là hình tượng quá lý thú, quá xứng đáng để có một bộ phim nguyên gốc riêng mà không cần Batman để câu khách. Joker gây liên tưởng đến Taxi Driver ở phần bối cảnh. Việc có Robert De Niro cộng thêm một vài màn độc diễn của Joaquin Phoenix hiển nhiên gợi nhớ rất nhiều đến màn độc diễn đã đi vào lịch sử của nhân vật Travis Bickle trong Taxi Driver, chưa kể cả Joker và Travis Bickle đều mắc các chứng bệnh về tâm lý. 

Joker cho chúng ta thấy những diện mạo không thể tồi tàn hơn của một cảnh đời đã chỉ còn nhìn thấy và trải qua bạo lực, gian dối, lọc lừa. Cái cách con người ta chìm tuyệt vọng khi mất đi chút bấu víu cuối cùng vào tính thiện thật sự đáng sợ. Phản kháng xã hội hiếm khi bắt nguồn từ nhu cầu công bằng, văn minh hay hưởng thụ vật chất, mà chỉ nổ ra khi con người ta bị đẩy vào bước đường cùng: “Khi không còn gì để mất, ta là kẻ bất khả chiến bại”. 

Đạo diễn Todd Philips keo kiệt đến nỗi không tặng cho khán giả bất kỳ giây phút hả hê hay dễ thở nào. Ám ảnh dai dẳng cứ thể đeo bám người xem đến tận cuối phim, cuốn trôi cả cuộc gặp gỡ giữa cặp kẻ thù truyền kiếp vào loại vĩ đại nhất trong lịch sử dòng phim siêu anh hùng nói chung. Ngay cả ca khúc Send In The Clowns của Stephen Sondheim cũng được trình bày theo kiểu sầu thảm nhất, và diễn xuất của Joaquin Phoenix đủ để anh giành một tượng vàng Oscar vào năm sau, nếu Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ không cố tình “xấu chơi” thêm lần nữa. Đã đến lúc tài năng của anh được ghi nhận một cách xứng đáng và Joker là cơ hội tuyệt vời. Cái khuôn mặt ngáo ngơ cùng tiếng cười ngơ ngáo của Arthur Fleck chỉ như một hòn đá đè lên cảm xúc của người xem, giam họ vào sâu thêm trong thế giới điên loạn của Gotham thời “tiền-Batman”.  

“Abominable aka Everest” (Người tuyết bé nhỏ):

Một bộ phim hoạt hình đẹp đẽ, dễ thương và sống động ngoài kỳ vọng! Abominable, theo tôi, là một phim vừa tầm với tụi nhóc khoảng 12 tuổi trở xuống, biết cách gợi mở, dẫn dắt chúng vào một hành trình kỳ thú mà vừa sức, không quá phô trương, không quá chông gai và chắc chắn là để lại nhiều ấn tượng sâu đậm.

Với người lớn nói chung, với người lớn sành phim nói riêng, dĩ nhiên sức hấp dẫn của Abominable chỉ ở mức vừa phải, suy ra chất lượng phim cũng trung bình thôi. Nhưng chính tôi lại thích cái sự giản dị, hồn nhiên của nó, thứ mà lâu rồi không thấy ở hoạt hình bom tấn của cả Hollywood lẫn Trung Quốc.

Cái tôi thích hơn nữa, là phim này chắc chắn có tác dụng tích cực với tụi nhóc, nhất là trẻ con thành phố bị ép học nhiều, được chơi ít và hầu như lười đọc sách. Tối thiểu, Abominable sẽ giúp chúng phát triển (hoặc duy trì) trí tưởng tượng đang ngày càng xơ cứng, khơi gợi cảm xúc với thiên nhiên và nuôi nấng lòng trắc ẩn. 

Bằng chứng là sau khi xem Abominable, con trai tôi hỏi rất nhiều rằng, có đúng là những con vật đó tồn tại không, làm sao để mình thấy được nó khi đi lên núi... Bạn ấy cũng nhớ đến bầu trời đầy sao lần đầu được chứng kiến trong chuyến đi mùa hè vừa rồi. Bạn ấy cũng hỏi ở Việt Nam thì đến đâu để thấy được cảnh đẹp như trong phim và tạm thời biết rằng làm việc xấu thế nào cũng bị “tiêu diệt”...

Vậy thôi! Đây là một bộ phim mà tôi hết sức khuyến khích các bố mẹ bớt chút thời gian đưa con ra rạp để chúng được tận hưởng một chuyến đi đầy thú vị.

Hoàng Cương