Xây dựng Hiến pháp ở một số nước

Iraq: Bản hiến pháp gây chia rẽ

- Thứ Sáu, 19/07/2013, 08:42 - Chia sẻ
Tại Iraq, bối cảnh lập hiến quyết định thủ tục và ở mức độ nào đó quyết định cả kết quả của quy trình lập hiến. Sau khi đã lật đổ chế độ Saddam Hussein, Mỹ coi một bản hiến pháp mới được xây dựng trên các nguyên tắc dân chủ với việc tôn trọng thích đáng các quyền con người là điều kiện kiên quyết để trao trả chủ quyền cho người dân Iraq. Một bản hiến pháp mới cũng là mục tiêu của Liên Hợp Quốc. Phần lớn người dân Iraq cũng kỳ vọng lớn lao về một bản hiến pháp mới. Vì vậy, một bản hiến pháp mới trở thành trọng tâm của các cuộc đàm phán ngoại giao cũng như là sự kiện đánh dấu việc chuyển giao chủ quyền cho Iraq.
 

Với tư cách là lực lượng chiếm đóng, Mỹ đóng vai trò trung tâm trong việc xác định và quản lý các thỏa thuận lâm thời hay chuyển tiếp. Thông qua đại diện đặc biệt của mình là Lakhdar Brahimi, Liên Hợp Quốc đã làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất của cộng đồng Shia, Đại giáo chủ Al-Sistani, về quy trình xây dựng hiến pháp. Mỹ đã đề xuất hai phương pháp trước đó nhưng Al-Sistani phản đối cả hai đề xuất và khăng khăng rằng hiến pháp phải được xây dựng bởi một Quốc hội Lập hiến.

Tình thế đã trở nên rất khó khăn để tổ chức các cuộc bầu cử, và quy trình cũng đã có thể phải bị tạm hoãn. Theo đề nghị của Brahimi, Đại giáo chủ đồng ý rằng sau thời kỳ của các thỏa thuận hiến pháp lâm thời, một Quốc hội Lập hiến được bầu lên để soạn thảo hiến pháp và hiến pháp sẽ được thông qua bởi một cuộc trưng cầu ý dân. Quốc hội Lập hiến được dự định sẽ đóng vai trò của cả cơ quan lập pháp thông thường và của cơ quan lập hiến.

Thời gian dành cho công việc dự thảo khá hạn chế. Bầu cử được tổ chức vào tháng 1.2005; bản dự thảo phải sẵn sàng vào 15.8 và trưng cầu ý dân vào 15.10. Cho đến đầu tháng 5, Quốc hội vẫn chưa bắt đầu thảo luận, và cho tới tận tháng 6 thì nó mới bắt đầu sự bàn luận về hiến pháp. Sự chậm trễ này đã khiến cho công việc soạn thảo chỉ có chưa đầy 6 tuần.

Ủy ban dự thảo đã đạt được những tiến bộ đáng kể sau đó thông qua các tiểu ban của mình. Nhưng rất khó để xây dựng được sự đồng thuận do các lãnh đạo đảng phái cấp cao không nằm trong Ủy ban. Sau khi các lãnh đạo chủ chốt của cộng đồng Shia chấp nhận hướng đến chủ nghĩa liên bang, bế tắc đã được tháo gỡ, nhưng thời gian còn lại quá ít. Ủy ban đã quyết định yêu cầu gia hạn thời gian xây dựng Dự thảo Hiến pháp thêm 6 tháng. Tuy nhiên, phía Mỹ đã từ chối yêu cầu này. Dù vậy, cũng mất rất nhiều thời gian để xây dựng dự thảo, và thời hạn chót ngày 15.8 bị lỡ. Chỉ đến khoảng tháng 9 Dự thảo Hiến pháp mới được trình Quốc hội Lập hiến để thông qua. Sự chậm trễ này khiến thời gian dành để phân tích và thảo luận về dự thảo trước khi trưng cầu ý dân còn lại quá ít.

Khi bản Dự thảo được đưa ra trưng cầu dân ý, cộng đồng Sunni đã tìm mọi cách “giết chết” bản Dự thảo, và họ gần như thành công. Nhưng cuối cùng Dự thảo Hiến pháp vẫn “sống sót”, dù các sửa đổi đề xuất đã không được cụ thể hóa một cách đầy đủ để thỏa mãn cộng đồng Sunni. Hiến pháp, vốn đã đưa ra nhiều hứa hẹn tại thời điểm bắt đầu quy trình, đã kết thúc trong sự bất hòa và làm sâu sắc thêm sự khác biệt giữa cộng đồng Sunni và các cộng đồng khác. Văn kiện luật pháp tối cao này đã không giúp thiết lập pháp luật và trật tự, trái lại, còn gây chia rẽ, mâu thuẫn giữa các cộng đồng sắc tộc, kích động các nhóm nổi dậy, khiến Iraq từ đó đến nay vẫn chìm trong các vụ đánh bom tự sát và các hình thức bạo lực khác.