Hy vọng cuối

- Thứ Năm, 03/10/2019, 07:47 - Chia sẻ
Ngày 2.10 Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đưa ra đề xuất mới với Liên minh châu Âu (EU) nhằm thay thế điều khoản “chốt chặn cuối” gây tranh cãi nhất trong dự thảo thỏa thuận Anh rời EU, còn gọi là Brexit. Đề xuất này được xem là hy vọng cuối cùng của ông Johnson, nhằm hiện thực hoá kế hoạch đưa Vương quốc Anh ra khỏi liên minh cờ xanh đúng thời hạn chót vào ngày 31.10.

Kế hoạch biên giới kép

Đề xuất mới được Thủ tướng Boris Johnson công bố trong bài diễn văn tại phiên bế mạc Đại hội thường niên của đảng Bảo thủ diễn ra ở thành phố Manchester. Theo đó, ông Boris Johnson đưa ra phương án Ireland sẽ có hai biên giới trong 4 năm, ngay khi giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit kết thúc sau năm 2020. Với kế hoạch này, Bắc Ireland sẽ tiếp tục ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu đến năm 2025 và phần còn lại của Vương quốc Anh sẽ rời bỏ hoàn toàn khối này. Đến năm 2025, Nghị viện Bắc Ireland sẽ quyết định tiếp tục ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu hay quay trở lại với Vương quốc Anh.

Để kịch bản này được thực thi, ông Boris Johnson đề xuất thực hiện kiểm soát tại hai biên giới, một là biên giới trên biển giữa Anh sang phần đất Bắc Ireland và hai là tại biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và nước Cộng hòa Ireland thuộc EU. Tại biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, hàng hoá sẽ được kiểm tra tại các trung tâm thông qua được thiết lập cách biên giới khoảng 8 - 10km.

Theo truyền thông Anh, ông Boris Johnson đã thuyết phục được đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP), đối tác trong Chính phủ liên minh Anh, ủng hộ đề xuất này. DUP luôn phản đối bất cứ khả năng làm chia cắt nào giữa Bắc Ireland với phần còn lại của Vương quốc Anh.

Thủ tướng Johnson cho biết, chỉ có 10 ngày để thuyết phục Brussels chấp nhận đề xuất này, nhằm thay thế cho điều khoản “chốt chặn cuối” trong dự thảo thoả thuận Brexit cũ đạt được giữa London và Brussels trước đó. Đây là nội dung gây tranh cãi nhất trong dự thảo thỏa thuận Brexit, khiến mọi nỗ lực của London nhằm thuyết phục Quốc hội Anh ủng hộ bản dự thảo này đều thất bại thời gian qua. Điều khoản chốt chặn cuối nhằm bảo đảm tái dựng đường biên giới cứng giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland thuộc EU sau khi Anh rời khỏi khối này. Trước đó, ông Johnson đã ra tối hậu thư, hoặc Brussels chấp nhận đề xuất cuối cùng này, hoặc Anh sẽ rời EU vào ngày 31.10 mà không có thỏa thuận.

Nhiều thách thức…

Đề xuất cuối cùng được Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra trong bối cảnh còn chưa đầy một tháng nữa là đến thời hạn chót Anh ra khỏi EU. Brussels đã nhiều lần đề nghị London đưa ra các đề xuất phát lý và thực tiễn, nhằm chỉnh sửa bản dự thảo thoả thuận Brexit mà chính quyền tiền nhiệm của ông Johnson đạt được với Brussels năm ngoái. EU còn đề nghị tạm hoãn Brexit sau thời hạn 31.10, nếu các nghị sĩ Anh tiếp tục không thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, ông Johnson đã khẳng định quyết tâm đưa Vương quốc Anh rời EU đúng thời điểm 31.10 bất kể có đạt thỏa thuận với EU hay không. Mặc dù vậy, Quốc hội Anh gần đây cũng thông qua luật chặn Brexit không kịch bản. Điều này khiến viễn cảnh Brexit càng thêm mù mờ.

Đề xuất cuối cùng mà Thủ tướng Boris Johnson đưa ra đã lập tức vấp phải sự phản đối. Ngay sau khi các thông tin trên được phát đi, Cộng hòa Ireland đã đưa ra các phản ứng lo ngại. Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar cho rằng, bất cứ việc kiểm soát nào tại biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland cũng có nguy cơ làm tổn hại đến tiến trình hoà bình được thiết lập hơn 2 thập kỷ qua trên hòn đảo này. Ngoài ra, phía Ireland cũng cho rằng, việc giữ Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu trong thời gian ngắn 4 năm, từ cuối 2020 đến 2025 sẽ chỉ làm gia tăng bất an cho nền kinh tế Bắc Ireland. Đài Truyền hình RTE của Ireland dẫn các nguồn tin Chính phủ Ireland cho biết, Dublin nước này sẽ không chấp nhận đề xuất từ phía London. Hơn nữa, đề xuất mới của Anh nhằm thiết lập một loạt trung tâm thong quan cũng vấp phải thách thức pháp lý ở Ireland, do Đạo luật về việc ra khỏi EU 2019 cấm xây dựng hoặc thiết lập bất cứ cơ sở hạ tầng mới nào không tồn tại trước Brexit, kể cả điểm kiểm tra hải quan tại biên giới.

Trong bối cảnh tranh cãi về thời hạn Brexit đang gây chia rẽ trên chính trường Anh và khúc mắc liên quan đến điều khoản “chốt chặn cuối” chưa ngã ngũ, vị trí lãnh đạo của Thủ tướng Boris Johnson cũng đối mặt với nhiều thách thức. Một số hãng truyền thong Anh đưa tin, các đảng đối lập tại Anh vừa nhóm họp nhằm bàn thảo phương án phế truất nhà lãnh đạo này. Trong khi đó, cũng xuất hiện những đồn đoán về việc Nữ hoàng Elizabeth II tham khảo các cố vấn về quy trình miễn nhiệm Thủ tướng.

Về phần mình, Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn tỏ ra cứng rắn trước các sức ép buộc ông phải từ chức. Tại hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ, nhiều Bộ trưởng đã ủng hộ quyết tâm của Thủ tướng Johnson về việc chấm dứt tư cách thành viên của nước Anh trong Liên minh châu Âu vào ngày 31.10.

Ngọc Khánh