Góc nhìn

Hy hữu!

- Thứ Bảy, 12/10/2019, 07:54 - Chia sẻ
Hiện nay, vấn đề môi trường nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân cả nước. Thế nhưng, chuyện hy hữu đã xảy ra: Trong Báo cáo môi trường Hà Nội năm 2019 - dự kiến sẽ gửi Quốc hội, Bộ Tư pháp đã lấy nguồn trên mạng, và số liệu này là từ năm 2005!

Trả lời báo chí về vấn đề này, một Thứ trưởng Bộ Tư pháp thừa nhận: Bộ phận làm báo cáo của Bộ đã chủ quan khi tổng hợp số liệu về chỉ số ô nhiễm ở Hà Nội. Vị Thứ trưởng này lý giải: Khi Bộ Tư pháp thực hiện báo cáo gửi Quốc hội, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường và báo cáo của UBND TP Hà Nội gửi đến không có các số liệu về chỉ số ô nhiễm nên anh em tham khảo và tổng hợp ở một số nguồn từ trên mạng và báo chí. Một bài báo ra năm 2018 đưa nội dung này nhưng không dẫn nguồn năm nào, nên anh em chủ quan đưa vào (báo cáo). Tuy nhiên đây mới là dự thảo nên các số liệu chưa được chuẩn hóa. Sau khi Ủy ban Pháp luật thẩm tra, Bộ Tư pháp sẽ chỉnh lý để có báo cáo chính thức. Và sau khi thẩm tra, nội dung nào chưa đạt hoặc cần bổ sung, Bộ Tư pháp sẽ bổ sung để chính thức gửi các đại biểu Quốc hội...

Dù rằng Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP Hà Nội để có số liệu chính thức liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường ở Hà Nội bổ sung vào báo cáo, thì sơ suất này nhìn nhận dưới bất kỳ góc độ nào cũng đều khó chấp nhận; đồng thời đặt ra vấn đề phải chăng quy trình, trình tự xây dựng các báo cáo của Bộ đang “có vấn đề”? Thực tế, chuyện làm báo cáo kiểu cho có, báo cáo không đúng sự thật, không trung thực hoặc làm cho “đẹp” báo cáo là có và ở nhiều lĩnh vực. Cũng bởi việc làm cho có, cho “đẹp”... đã dẫn đến không phản ánh đúng - đủ tình hình thực tế, gây khó khăn cho việc đề ra giải pháp, quyết định chủ trương, hoạch định chính sách, thậm chí quyết định chủ trương, chính sách sai, gây nhiều hệ lụy, hậu quả khôn lường về kinh tế - xã hội.

Không riêng “lĩnh vực” báo cáo, không ít quy định trong các thông tư, nghị định cũng được soạn thảo theo kiểu “trên trời”, “phòng lạnh”, để rồi khi triển khai áp dụng, thậm chí mới ở dự thảo, đã vấp phải phản ứng gay gắt của xã hội. Và để lý giải, cơ quan chức năng lại đưa ra các lý do rất “trời ơi”, kiểu như lỗi đánh máy, gửi nhầm file...

Dẫu lý do gì đi chăng nữa thì điều quan trọng là phải chỉn chu trong công việc, không thể làm theo kiểu cho có, cho xong. Không thể để xảy ra những việc hy hữu, kiểu như nhầm số liệu cách đây hàng chục năm như trong trường hợp này.

Linh Trang