Hủy thầu, kiểm điểm là xong?

- Thứ Bảy, 27/06/2020, 05:26 - Chia sẻ
Chiều 25.6, tại cuộc họp báo của Bộ Công an, Thượng tá Trần Văn Phúc, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết, ngay sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can tại CDC Hà Nội, C03 đã tham mưu cho Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố và lực lượng cảnh sát kinh tế vào cuộc. “Hiện nay, lực lượng cảnh sát kinh tế tại các địa phương vẫn đang tiếp tục điều tra việc mua máy xét nghiệm ở các địa phương”.

Vậy nhưng, tại một số địa phương như Quảng Nam hay Thanh Hóa, Thanh tra các tỉnh này đã công bố kết luận thanh tra việc thực hiện gói thầu mua sắm Hệ thống xét nghiệm Real-time PCR tự động. Không nằm ngoài dự đoán của dư luận, bởi kết luận thanh tra đều cho rằng, quá trình mua máy xét nghiệm có một số hạn chế, khuyết điểm, sơ suất về quá trình xây dựng giá, có vi phạm trong thẩm định nhưng chưa gây thiệt hại về kinh tế (vì đang vận hành thử nghiệm, chưa nghiệm thu thanh toán). Do đó, hình thức xử lý cuối cùng chỉ là đề nghị kiểm điểm trách nhiệm. Thậm chí, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa còn cho rằng: “hệ thống realtime PCR tự động được mua với giá 3,796 tỷ đồng là thấp hơn rất nhiều so với các tỉnh khác ở phía Bắc”!

Thực tế, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR khi nhập khẩu về Việt Nam chỉ có giá khoảng 2,3 tỷ đồng, nhưng nhiều địa phương đã phải mua với giá cao gấp 2 - 5 lần. Nhưng ngoài Thanh Hóa và Quảng Nam đã có kết quả thanh tra về vụ việc, còn nhiều tỉnh khác cũng mua máy xét nghiệm với giá cao đến nay nội vụ thế nào, dư luận vẫn chưa được biết. Chỉ biết rằng, sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can tại CDC Hà Nội, nhiều tỉnh đang có dấu hiệu “xóa cờ đánh lại”. Có những cuộc “thương thảo”, “đàm phán lại” được gấp rút tiến hành, giá thành bỗng hạ xuống chỉ còn một nửa hoặc trên dưới 2/3. Có nơi tuyên bố chỉ là “mượn” thiết bị, dù đã thanh toán một phần tiền mua... Nếu thực sự đàm phán được giá hay đi mượn được thì tại sao không thực hiện ngay từ đầu? Thực ra yếu tố chưa chuyển tiền hay chưa nghiệm thu chỉ mang tính thời điểm, còn việc mua bán đã hoàn thành ngay từ ngày ký hợp đồng.

Sự chênh lệch giá mua máy Realtime PCR phục vụ xét nghiệm Covid-19 cho thấy thị trường mua sắm công chưa thật sự minh bạch. Giá cả cụ thể đã được cơ quan công an xác nhận. Nếu giá mua cao bất thường, cho dù quy trình có chuẩn thì cũng phải xem lại năng lực thẩm định của cá nhân và tập thể các cơ quan chức năng địa phương. Cần phải làm rõ việc các đơn vị mua sắm thiết bị để đội giá, tại sao chỉ mình Giám đốc CDC Hà Nội cùng 6 bị can khác bị khởi tố, còn các địa phương khác thì không? Không thể đơn giản là hủy thầu, kiểm điểm là xong. Phải truy trách nhiệm hình sự các bên liên quan, đặc biệt là đơn vị thẩm định giá thiết bị khi lập dự án gói thầu mua máy xét nghiệm dịch bệnh. Bởi nếu đơn vị này không tiếp tay thì các bên liên quan khó có thể móc ngoặc để thực hiện hành vi tham nhũng dễ dàng như thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 23.6 đã khẳng định: “Việc này sẽ phải xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Các đối tượng này không có tình tiết giảm nhẹ, chỉ có tăng nặng vì đó là sức khỏe, mạng sống của dân mà lợi dụng tình hình để làm những việc như thế thì sẽ bị xử nghiêm”. Quả thực, hành vi ấy không chỉ là tiêu cực, mà còn là tội ác khi lợi dụng dịch bệnh để “đục nước béo cò”. Trong lúc hàng vạn y bác sỹ đang ngày đêm vắt sức vì bệnh nhân thì chúng ta không thể chấp nhận những kẻ nhân danh nghề y, chỉ phù phép, biến hóa giá cả là rủng rỉnh nhét vào túi mình tiền tỷ.

Chi An