Hướng tới trở thành trung tâm chế biến nông sản

- Thứ Năm, 17/09/2020, 08:51 - Chia sẻ
Từ nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai có nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh thuộc danh mục 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia. Để nâng cao chất lượng cũng như tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, Đồng Nai cũng tập trung xây dựng đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhằm phát triển nông nghiệp một cách bền vững.

Nâng tầm thương hiệu sản phẩm

Những năm gần đây, chương trình phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã góp phần hình thành các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng Nai tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, tăng giá trị và lợi nhuận trên một diện tích đất nông nghiệp. Tỉnh khuyến khích phát triển các vùng sản xuất cây trồng, vùng chăn nuôi tập trung có quy mô lớn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến nhằm tạo ra số lượng hàng hóa lớn, độ đồng đều cao, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Tỉnh đã hình thành những vùng sản xuất chuyên canh tập trung cây trồng chủ lực như: bưởi Tân Triều (Vĩnh Cửu); xoài La Ngà, Phú Ngọc (Định Quán); xoài Xuân Hưng, Suối Cao (Xuân Lộc); sầu riêng Long Khánh, Xuân Lộc; cà phê Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Long Khánh; hồ tiêu Xuân Thọ (Xuân Lộc) và Lâm San (Cẩm Mỹ)… Các cây trồng chủ lực đã phát triển cả về năng suất và chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu ra thị trường thế giới. Một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai đã tham gia thị trường xuất khẩu có uy tín như: điều Donafoods, xoài Suối Lớn, sầu riêng Dona…

Để mở rộng diện tích vùng chuyên canh, tỉnh đã hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng hàng chục thương hiệu sản phẩm nông nghiệp và vật nuôi, trong đó có các thương hiệu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, có thương hiệu, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu cũng như thúc đẩy công nghiệp chế biến.

Cùng với đó, Đồng Nai cũng rất  chú trọng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, kinh phí để xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước nhằm giới thiệu sản phẩm, góp phần định vị và nâng tầm thương hiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh tại nhiều thị trường trong nước và quốc tế.

Cơ sở giết mổ Long Bình tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai  

Hướng dòng vốn chảy vào chế biến sâu

Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, đặc biệt đầu tư chế biến sâu được xem là giải pháp quan trọng giúp gia tăng giá trị, giải bài toán tiêu thụ để có nền nông nghiệp bền vững. Thu hút đầu tư vào chế biến sâu chính là yếu tố quan trọng giúp tăng sức cạnh tranh cho nông sản Đồng Nai trên thị trường quốc tế và trong nước. Là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về ngành chăn nuôi, Đồng Nai đang là địa chỉ thu hút các nhà đầu tư trong ngành chế biến. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư các nhà máy chế biến thịt hiện đại, đạt chuẩn quốc tế với tham vọng không chỉ chiếm lĩnh được thị trường nội địa mà còn vươn ra xuất khẩu.

Đến nay, toàn tỉnh có 22 doanh nghiệp chế biến thực phẩm từ thịt động vật trên cạn. Trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp này chế biến, cung cấp ra thị trường khoảng 30 ngàn tấn thành phẩm, tương đương với khoảng 45 ngàn tấn nguyên liệu tươi. Những tập đoàn, doanh nghiệp có tiếng trong đầu tư sơ chế, chế biến gồm: Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (TP Biên Hòa) đã phát triển hệ thống cửa hàng thức ăn nhanh Five Star với trên 500 điểm kinh doanh và mục tiêu sẽ tăng lên 2 nghìn điểm trong 3 năm tới; Công ty TNHH Koyu & Unitex (TP Biên Hòa) đi tiên phong trong cả nước xuất khẩu mặt hàng thịt gà và sản phẩm chế biến từ thịt gà vào thị trường khó tính là Nhật Bản… Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai khẳng định, phát triển ngành chế biến thịt là một trong những giải pháp căn cơ để giải bài toán đầu ra bền vững cho sản phẩm chăn nuôi và mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành này. Đồng Nai có thế mạnh về chăn nuôi, tập trung nhiều doanh nghiệp lớn về chăn nuôi heo, gà nên rất thuận lợi để thu hút đầu tư chế biến sâu trong ngành này.

Những năm qua, các mặt hàng chủ lực như: cao su, cà phê, điều, hồ tiêu, trái cây tươi… của Đồng Nai đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư chế biến sâu các mặt hàng này. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê hòa tan phối trộn, chỉ tính riêng 3 nhà máy chế biến ở Đồng Nai là Vinacafé Biên Hòa, Nestlé Việt Nam và nhà máy sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa giai đoạn 1 đã chiếm khoảng 2/3 sản lượng mặt hàng này trên cả nước.

Hiện tỉnh đang tập trung triển khai Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”. Một trong những nội dung chính của Đề án là đưa Đồng Nai trở thành vùng chế biến cây công nghiệp (cà phê, điều, tiêu) của Việt Nam và thế giới. Các mục tiêu cụ thể được đặt ra trong đề án, trong đó mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp - dịch vụ chế biến nông sản trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh, chiếm tỉ trọng 25-35% tỉ trọng GRDP của tỉnh, thu hút khoảng 20-30% lực lượng lao động của tỉnh. Đồng Nai trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước về đổi mới sáng tạo và cung ứng công nghệ về công nghiệp - dịch vụ chế biến nông sản.

Đề án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2019-2030. Trong đó xác định 7 nhóm mặt hàng có lợi thế, thế mạnh của tỉnh để tập trung các giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm gồm: cà phê, điều, tiêu, heo, gà, trái cây, sản phẩm gỗ.

Cùng với đó, để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, Đồng Nai đã đề ra các giải pháp để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và tạo mọi yếu tố thuận lợi cho doanh nghiệp khi đầu tư vào chế biến, cơ giới hóa nông sản.

Những nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm quy mô lớn được khánh thành, cùng các dự án đang được triển khai thực hiện sẽ giúp cho nông nghiệp trên địa bàn Đồng Nai phát triển theo hướng gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Việt Anh