Hướng tới sự phát triển bền vững cho người nghèo

- Thứ Sáu, 07/09/2018, 09:00 - Chia sẻ
Các sản phẩm tài chính gắn chặt với người nghèo; phương thức quản lý vốn được xã hội hóa thông qua việc ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội với mô hình Điểm giao dịch xã và Tổ tiết kiệm và vay vốn… đã đưa Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) thành một trong những tổ chức tín dụng vi mô thành công nhất trong xóa đói giảm nghèo, không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực.

Dư nợ tín dụng tăng bình quân 20%/năm

Hơn 100 đại biểu từ 14 tổ chức tài chính vi mô, 23 tổ chức tài chính quốc tế, 9 đại sứ quán cùng đại diện một số bộ, ngành, tổ chức xã hội và ngân hàng thương mại có dư nợ xoá đói giảm nghèo, “tam nông” đã tham dự Hội thảo “Những thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo: Kinh nghiệm của Việt Nam” do NHCSXH phối hợp với Hiệp hội tín dụng Nông nghiệp nông thôn Châu Á - Thái Bình Dương (APRACA), Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) tổ chức ngày 5.9 tại Hà Nội. Hầu hết ý kiến khẳng định, hoạt động tín dụng đã đáp ứng kịp thời, có hiệu quả nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách ở nông thôn và đại diện cho tổ chức tài chính vi mô lớn nhất chính là NHCSXH.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, hoạt động tín dụng của NHCSXH đã đáp ứng kịp thời, có hiệu quả nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách ở nông thôn, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống của người nông dân, thu hẹp dần chênh lệch thu nhập giữa các vùng và ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn. “Dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng bình quân gần 20%/năm, tín dụng chính sách tăng bình quân trên 13%/năm, đáp ứng đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả nguồn vốn cho nhu cầu phát triển toàn diện lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống người dân” - ông Tú nhấn mạnh.

Giám đốc Trung tâm Đào tạo NHCSXH Trần Hữu Ý cho biết thêm, dư nợ tại Ngân hàng hiện đạt 181,7 nghìn tỷ đồng nhưng nợ quá hạn rất thấp, ước 0,42%/tổng dư nợ. Sở dĩ đạt kết quả như vậy là do Ngân hàng gắn chặt với người nghèo thông qua các sản phẩm phù hợp. Các sản phẩm này phục vụ nhóm khách hàng từ nghèo đến cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay xuất khẩu lao động… thông qua 20 chương trình tín dụng với lộ trình lãi suất thích hợp. Chẳng hạn, lãi suất cho hộ nghèo là 6,6%/năm, cận nghèo là 7,92%/năm và mới thoát nghèo là 8,25%/năm. Bên cạnh đó, phương thức quản lý vốn của NHCSXH được xã hội hóa thông qua việc ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội với mô hình Điểm giao dịch xã và Tổ tiết kiệm và vay vốn. Chính điều này đã giúp đồng vốn của Ngân hàng đến tận tay người nghèo ở khắp mọi miền đất nước. Hiệu quả từ các Điểm giao dịch tại xã, phường mang lại là: Mỗi tháng, Ngân hàng đã tiết kiệm chi phí đi lại giao dịch cho khách hàng tới 350 tỷ đồng. Cách thức hoạt động này không chỉ giúp Ngân hàng có kênh giám sát, bảo toàn vốn hiệu quả mà quan trọng hơn, đó là gắn kết giữa người dân với chính quyền các cấp.

Không để “4.0” bỏ rơi người nghèo

 Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH đã được đầu tư đến 100% xã phường, thị trấn trên cả nước. Trong hơn 15 năm qua, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng đã góp phần giúp hơn 31 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, giúp hơn 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút và tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động; hơn 3,5 triệu học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,7 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…

Đây là mục tiêu được Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng chia sẻ tại hội thảo “Những thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo - Kinh nghiệm của Việt Nam”. Theo ông Thắng, thế giới đang bước vào thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0. Công nghệ số đang thâm nhập vào mọi lĩnh vực xã hội, nhất là lĩnh vực tài chính ngân hàng đang được số hóa rất nhanh dẫn đến nhiều thay đổi cơ bản trong cách thức phục vụ. Khách hàng được phục vụ tốt hơn, nhanh hơn, chi phí thấp hơn và có thể được phục vụ mọi lúc mọi nơi. Người nghèo nếu không được tiếp cận với công nghệ mới sẽ bị gạt ra ngoài lề của cuộc cách mạng và tiến trình phát triển của xã hội.

Do đó, từ năm 2017, NHCSXH đã tiến hành triển khai dần công nghệ số vào hoạt động của ngân hàng, bắt đầu với dịch vụ tin nhắn SMS. Đây là bước đầu giúp hộ nghèo làm quen với công nghệ số; giúp NHCSXH thực hiện đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ nâng cao hiệu quả hoạt động; đưa dịch vụ đến tận nhà khách hàng và có thể phục vụ 24/7. Hiện tại, tin nhắn SMS của Ngân hàng đã thực hiện nhắc lịch trả nợ, nhắc nợ và số dư tài khoản hàng tháng. Qua đó, NHCSXH nâng cao được tính minh bạch và hiệu quả hoạt động, giúp khách hàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính toàn diện. Đồng thời, cải thiện chất lượng tín dụng và tăng hiệu quả chi phí cho cả khách hàng và Ngân hàng nhất là tác động đến khách hàng về ý thức khoản nợ vay, trách nhiệm trả nợ, gửi tiết kiệm mà vẫn mất ít thời gian, chi phí in ấn thấp…

Bên cạnh đó, trong định hướng phát triển của mình từ nay đến 2020, NHCSXH lấy sự “bền vững” của khách hàng làm mục tiêu hàng đầu. Khi khách hàng bền vững về tài chính thì Ngân hàng sẽ đạt được sự bền vững dài hạn; dịch vụ của Ngân hàng phải giúp khách hàng làm quen với kinh tế thị trường; có vay có trả, mạnh dạn vay vốn, nâng cao năng lực sản xuất… và tiến tới chịu được lãi suất tiệm cận thị trường.

Bình Nhi