Hướng tới nền tài chính công bền vững

- Thứ Năm, 13/02/2020, 07:20 - Chia sẻ
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân về chủ đề gần như chưa bao giờ giảm tính thời sự - nợ công, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội PHÙNG QUỐC HIỂN cho rằng, với xu thế giảm dần tỷ trọng so với GDP đã khẳng định nợ công của nước ta ở mức an toàn và các khoản nợ phải trả so với tổng thu ngân sách đang ở mức cho phép. Công tác quản lý thu chi tài chính đã có nhiều tiến bộ. Để tăng cường kỷ luật tài chính, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tăng cường công tác giám sát, kiểm toán, thanh tra tài chính, ngân sách để việc thực hiện pháp luật về tài chính, ngân sách đi vào nền nếp.

Chúng ta không được chủ quan

- Năm 2019, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, chúng ta cũng chứng kiến một năm có nhiều biến động của kinh tế thế giới. Nợ công tăng ở mức chưa từng có trong lịch sử, nhiều nước đều phải đi vay nợ. Trong bối cảnh như vậy, Phó Chủ tịch đánh giá như thế nào về tính bền vững của ngân sách nước ta?


Ảnh: Quang Khánh

Hệ thống thu ngân sách nhà nước của nước ta đã và đang có sự thay đổi căn bản. Hai năm liên tiếp chúng ta vượt thu và tăng thu, nhất là thu ngân sách trung ương. Chúng ta dành một phần để đầu tư phát triển, giải quyết nợ chính sách, trả nợ vay.

Phó Chủ tịch Quốc hội PHÙNG QUỐC HIỂN

- Nợ công là câu chuyện không chỉ của riêng Việt Nam mà còn của cả thế giới. Với những nước có nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước trong Liên minh châu Âu (EU)…, có thể thấy rất rõ là khi nền kinh tế gặp khó khăn, họ sẽ có biện pháp về mặt tài chính, như tăng chi tiêu Chính phủ, hay những chính sách về tiền tệ. Những biện pháp đó sẽ tạo ra sự kích thích và tăng trưởng cho nền kinh tế nhưng nếu lạm dụng nó sẽ để lại hậu quả là nợ công tăng cao. Vừa qua, rất nhiều nước sử dụng biện pháp này, như Mỹ, Nhật Bản… đều tung ra những gói kích cầu như vậy.

Hiện nay, nợ công trên toàn cầu đang ở mức rất lớn, có người đã ví, nợ công như một “quả bom nổ chậm”, nó có thể “nổ” bất cứ lúc nào, và “nổ” ở bất kỳ nền kinh tế nào cũng sẽ tác động lan ra toàn cầu. Đối với Việt Nam, ngay từ đầu nhiệm kỳ, với tầm nhìn thận trọng, chúng ta đã xây dựng Kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, trong đó đặt ra các mục tiêu về nợ công, bội chi ngân sách, các khoản thu chi… và yêu cầu sự điều hành của Chính phủ phải nằm trong khuôn khổ ấy, cương quyết, kiên trì đi theo các mục tiêu đã đề ra. Và thực tế thời gian qua cho thấy, chúng ta đã có sự thành công, nợ công, từ con số “giáp trần” Quốc hội đặt ra (65%, có giai đoạn là 64% GDP) và nợ nước ngoài cũng “giáp trần” 50% GDP, nhưng do được quản lý rất chặt với nguyên tắc “tất cả các khoản thu chi đều phải có dự toán”, cơ cấu lại nợ công thì hiện đã giảm xuống. Bội chi ngân sách nhà nước dự toán năm 2020 giảm dưới 3,4% và nợ công dưới 60% GDP. Rõ ràng, với xu thế giảm dần tỷ trọng so với GDP đã khẳng định nợ công của nước ta ở mức an toàn và các khoản nợ phải trả so với tổng thu ngân sách đang ở mức cho phép.

- Nợ công nằm trong mức “trần” cho phép, nhưng không có nghĩa chúng ta có thể chủ quan, vì thực tế vẫn còn nhiều lĩnh vực cần đầu tư từ ngân sách, thưa Phó Chủ tịch?

- Chúng ta không được chủ quan, vì quá trình cơ cấu lại các khoản nợ vừa qua tuy làm cho thời gian trả nợ của chúng ta dài ra, lãi suất giảm đi… Song nếu đối chiếu về con số tuyệt đối, thì vay của chúng ta vẫn ở mức cao, số nợ cũng tăng lên nhanh chóng và bắt đầu vượt qua “trần” 25% tổng thu NSNN nếu cộng cả gốc và lãi. Điều đáng lưu ý nữa là bội chi của chúng ta ở mức 3,4% GDP, nhưng đấy là tính theo tiêu chí mới của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, còn nếu tính theo tiêu chí cũ thì bội chi vẫn ở mức khá cao.

Tôi đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, trong những năm qua đã kiên trì, cương quyết, dứt khoát hành động để thực hiện quản lý thu chi theo đúng mục tiêu, yêu cầu kế hoạch đề ra. Điều này cần được phát huy hơn nữa, bên cạnh việc khắc phục khó khăn như số thu ngân sách của chúng ta đang giảm, kế hoạch đặt ra là phải thu đạt 20 - 21% GDP nhưng hiện xuống còn 19,4% GDP. Đây là vấn đề cần khắc phục. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, có thể thấy, công tác quản lý thu chi tài chính đã có nhiều tiến bộ, dù có thể còn những tồn tại, hạn chế.

Xây dựng chiến lược về thuế từ nay đến năm 2030 tầm nhìn 2045

- Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật quan trọng về tài chính - ngân sách. Phó Chủ tịch đánh giá như thế nào về tác động của các đạo luật này với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, cụ thể là trong lĩnh vực tài chính - ngân sách?

- Công cụ quản lý trong hệ thống pháp luật về tài chính trước đây của chúng ta chưa thật hoàn thiện. Vừa qua, chúng ta đã có những bước tiến rất tích cực. Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung và thông qua nhiều đạo luật quan trọng, như Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý thuế; Luật Chứng khoán; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… Những đạo luật đó đã góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính - ngân sách, tạo hành lang pháp lý để tăng cường quản lý tài chính công và tài sản công. Đây đều là những công cụ pháp lý rất hữu hiệu để tăng cường quản lý nhà nước về tài chính và ngân sách. Để tăng cường kỷ luật tài chính, tôi đề nghị, thời gian tới cần tăng cường công tác giám sát, kiểm toán, thanh tra tài chính, ngân sách để việc thực hiện pháp luật về tài chính, ngân sách đi vào nền nếp.

- Thuế là một trong những công cụ rất quan trọng với ngân sách nhà nước. Như Phó Chủ tịch đã từng nói, phải nuôi dưỡng nguồn thu. Thời gian tới, chúng ta cần nghiên cứu, sửa đổi các sắc thuế nào. Để phù hợp với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, thì việc sửa đổi này cần chú trọng vào những điểm gì, thưa Phó Chủ tịch?
- Chúng ta phải cố gắng ổn định hệ thống thuế. Cùng với đó, phải tạo điều kiện để đánh thuế trên diện rộng, giảm áp lực thuế vào các đối tượng cụ thể, thu thuế phải dựa trên tăng trưởng kinh tế. Đối với những sắc thuế chưa nhận được sự đồng thuận cao thì nên cân nhắc. Phải giải quyết vấn đề thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải có chính sách thuế khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, nhưng đồng thời phải tạo sự bền vững. Vì nguồn thu rất quan trọng, không tạo được nguồn thu thì rất khó khăn. Chúng ta phải xây dựng chiến lược về thuế từ nay đến năm 2030 tầm nhìn 2045 và chiến lược đó phải được công khai để các doanh nghiệp, người dân biết và chủ động triển khai.

- Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!

Lam Giang thực hiện