Hướng tới nền năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả

- Thứ Ba, 08/09/2020, 05:20 - Chia sẻ
Lược ghi phát biểu kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại Phiên giải trình về "Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội"

An ninh năng lượng là vấn đề mang tính toàn cầu và an ninh năng lượng chưa được bảo đảm theo đúng định nghĩa và yêu cầu của nó. Đối với Việt Nam là một nền kinh tế hội nhập sâu và có độ mở lớn, thì chúng ta cũng bị chi phối bởi các tác động này, ngoài ra còn phải chịu những tác động riêng có, mang tính đặc trưng của một nền kinh tế thị trường non trẻ, đang phát triển và vị trí địa chính trị, địa kinh tế của Việt Nam.

Ảnh: Trung Thành

Phải nói rằng sau khi thống nhất đất nước đến nay, nhất là 34 năm đổi mới, chúng ta đã xây dựng được một hạ tầng về năng lượng, một ngành công nghiệp năng lượng phát triển vượt bậc, toàn diện, cả về quy mô, tốc độ tăng trưởng; đã ứng dụng, nghiên cứu, làm chủ về khoa học, kỹ thuật; đào tạo được một đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật đông đảo trên tất cả các nhóm ngành khai thác, chế biến, công nghiệp và năng lượng như: Than, dầu khí, thủy điện, điện gió, điện mặt trời… luôn ở tốp đầu của các nước Đông Nam Á…

Đó là thành tựu, kết quả vô cùng quan trọng, có ý nghĩa lớn của chúng ta để có thể bảo đảm an ninh năng lượng phục vụ cho sự phát triển của đất nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có được kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhưng phải kể đến vai trò của Bộ Công thương, các bộ, ngành Trung ương, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, các tập đoàn tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài.

Mặc dù kết quả đạt được là tích cực, tốc độ tăng trưởng của ngành năng lượng luôn gấp từ 1,5 - 2 lần so với tăng trưởng kinh tế của đất nước. Song vấn đề an ninh năng lượng của chúng ta vẫn đang là những thách thức lớn cần vượt qua. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, các nguồn tài nguyên có thể khai thác ở đất nước chúng ta như than, dầu khí, thủy điện… cũng đã đến giới hạn, khả năng khai thác để tăng sản lượng thêm là rất khó khăn, không còn nhiều dư địa: Than sạch khai thác trong nước chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu; dầu khí khai thác ngày một khó khăn; các tiềm năng về thủy điện đã cơ bản được khai thác với 500 nhà máy thủy điện đang hoạt động, 300 nhà máy đang triển khai… Các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối còn dư địa song cũng gặp khó khăn về giá điện, về môi trường và bảo đảm an toàn, ổn định hệ thống điện…

Vậy để bảo đảm an ninh năng lượng, chúng ta phải làm gì, mục tiêu và quan điểm thế nào trong thời gian tới?

Về quan điểm, quan điểm đầu tiên là phải làm tốt cái cũ, trước khi làm cái mới, phải chăng là cần thực hiện tốt quy hoạch đã có trước khi xây dựng quy hoạch mới; phải giải quyết được các dự án đang chậm tiến độ, các dự án nằm trong quy hoạch được phê duyệt trước khi làm các dự án mới. Phải giải quyết được các mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành năng lượng một cách nhanh chóng và khoa học nhất.

Phải đổi mới tư duy, thực hiện các nguyên tắc của cơ chế thị trường: Quan hệ cung cầu, cạnh tranh, giá trị - giá cả, hiệu quả nhưng cũng phải bảo đảm định hướng XHCN: Điều tiết, an sinh, phúc lợi xã hội, vùng sâu, vùng xa… Sử dụng công cụ của cơ chế thị trường để tạo động lực phát triển, song cũng cần hạn chế mặt trái của cơ chế thị trường.

Năng lượng phải đi trước một bước, phải tạo ra "bánh mỳ cho công nghiệp chứ không thể để công nghiệp thiếu, đói". Tăng trưởng của điện năng luôn phải cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Giai đoạn trước phải làm nền móng, tiền đề cho giai đoạn sau. Nếu không làm được điều đó thì không thể nói bảo đảm an ninh năng lượng.

Phát triển năng lượng là sự phát triển tổng thể, phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của cả nước, của các ngành, các lĩnh vực, là bao trùm, là cốt lõi, là đi trước. Cương quyết không để lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chi phối. Cơ cấu điện phải hợp lý: Giữa nhiệt điện, thủy điện, điện tái tạo… Trong điều kiện hiện nay và một vài thập kỷ tới, vai trò của điện than vẫn là cần thiết chưa thể giảm hoặc thay thế được, điện tái tạo phải phát triển hợp lý.

Phải coi phát triển khoa học kỹ thuật, ứng dụng và nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ mới là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết các bài toán đặt ra, các hạn chế và vướng mắc hiện nay của ngành năng lượng.

Về mục tiêu, mục tiêu lớn nhất, bao quát nhất là phải bảo đảm năng lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, có cơ cấu hợp lý, tăng trưởng theo chiều sâu và không để bị động vì thiếu năng lượng.

Về các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, phải tập trung xử lý, giải quyết những tồn tại, vướng mắc để đưa 10 dự án điện chậm tiến độ vào vận hành, nhất là các dự án Long Phú 1, Thái Bình 2, Vũng Áng 2… Triển khai các tuyến truyền tải điện đã được phê duyệt, đã có quy hoạch trên nguyên tắc đã có dự án nguồn điện cần phải có dự án đường truyền để điện đi từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ một cách tốt nhất. Xử lý triệt để vấn đề môi trường đang tồn tại ở các nhà máy.

Khẩn trương xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và thông qua quy hoạch của ngành năng lượng nói chung và quy hoạch sơ đồ điện VIII nói riêng bảo đảm có tầm nhìn, có sự kế thừa sơ đồ điện VII điều chỉnh, có cơ cấu hợp lý, lấy hiệu quả làm chính, tránh tư tưởng cục bộ của các bộ, ngành, địa phương. Ví dụ, sơ đồ điện VII rất nhiều địa phương đề nghị dự án điện than (nhưng khi có quy hoạch rồi lại thực hiện không nghiêm), song lại từ chối và hiện nay nhiều địa phương lại đề nghị điện khí hóa lỏng, điện mặt trời, điện gió…

Cần áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại có khả năng tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm chi phí, giảm thải tác hại môi trường. Cần tập trung xử lý các vấn đề cần được giải quyết hiện nay của ngành năng lượng. Hết sức chú ý đến ngành cơ khí, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ… để giúp các doanh nghiệp này phát triển.

Về cơ chế giá điện: Tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện bảo đảm các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành năng lượng, khắc phục cho được cách tính giá điện chưa hợp lý như hiện nay.

Phát triển ngành năng lượng phải gắn với bảo đảm môi trường, xử lý kịp thời vấn đề môi trường, hướng tới một nền năng lượng xanh, sạch, tiết kiệm và hiệu quả.

Sớm sửa đổi một số luật có liên quan bảo đảm sự thống nhất, tránh chồng chéo và tháo gỡ được khó khăn cho phát triển ngành năng lượng. Trước mắt là sửa đổi các luật: Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Bảo vệ môi trường.

Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền để thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất, sử dụng năng lượng bảo đảm an ninh năng lượng trong tình hình mới.

Trung Thành lược ghi